Ngày càng nhiều người Nhật tìm về các ngôi nhà gỗ có niên đại hàng trăm năm, lâu nay bị bỏ hoang ở nông thôn để tham quan, hoặc mua để sửa sang kinh doanh.
Kominka (nhà cổ) được coi là một trong những đặc trưng của Nhật Bản, cùng với geisha, anime và sakura. Từ này bắt nguồn từ “minka” nghĩa là ngôi nhà nông thôn của Nhật Bản, âm tiết “ko” được thêm vào để nhấn mạnh sự lâu đời.
Nhiều kominka có niên đại hàng trăm năm, nằm rải rác khắp vùng nông thôn Nhật Bản. Chúng được làm hoàn toàn bằng gỗ với kỹ thuật mộc tốt nhất thế giới. Từ nhiều thập niên qua, kominka bị lãng quên dần bởi với những người lớn lên sau năm 1945, những ngôi nhà này cũ kỹ, nghèo nàn, bất tiện và thiếu văn minh.
Nhưng đại dịch đã làm bùng nổ sự quan tâm đối với kominka. Không ai biết lý do tại sao, nhưng có thể mọi người dành nhiều thời gian ở nhà để xem video trên YouTube và mơ về một cuộc sống mới. Ngoài ra, một xu hướng mới trên toàn thế giới là “bỏ phố về quê” khiến nhiều người nhận thấy có thể kiếm tiền từ chính nơi này. Nhiều người trẻ nhận ra họ có thể chuyển đến nông thôn và vẫn có thu nhập.
Người trẻ bắt đầu muốn đến các vùng nông thôn để trải nghiệm, khách nước ngoài mong tìm kiếm những biệt thự xưa cũ để chiêm ngưỡng và giờ đây, các nhà đầu tư bất động sản bắt đầu quan tâm đến kominka. Họ muốn khôi phục chúng thành nhà riêng, studio hoặc quản lý dưới dạng nơi nghỉ dưỡng, nhà hàng. Năm 2019, trang web bất động sản Fudosan Japan ước tính thị trường tiềm năng để phục hồi các ngôi nhà cổ có thể lên đến 1,8 nghìn tỷ yên (13,3 tỷ USD).
Sự bùng nổ của kominka là kết quả của một loạt những xu hướng diễn ra trong xã hội Nhật Bản và bùng phát trong đại dịch. Đó là quá trình già hóa và suy giảm dân số. Năm 2021, Nhật Bản có 644.000 người già qua đời. Họ chết đi và để lại những ngôi nhà hoang, được gọi là akiya. Đến nay, đất nước này có khoảng 11 triệu akiya, con số được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong 10 năm tới. Hàng trăm nghìn ngôi nhà bị bỏ hoang này là kominka.
Một ngôi nhà cổ ở San Francisco, New York, London hoặc Milan có thể có giá hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD, nhưng kominka chỉ được mua với giá từ 10.000 đến 50.000 USD.
Đây là một lý do khiến các thế hệ trước quay lưng lại với kominka, nơi mà họ coi là đổ nát, lạnh lẽo, tối tăm, bẩn thỉu, với mái dột, sàn sập và nhà vệ sinh tồi tệ, nếu không muốn nói là kinh khủng. Nhất là khi quá trình phục hồi có thể dễ dàng tốn từ 100.000 USD trở lên. Giống như những ngôi nhà cổ ở khắp mọi nơi, kominka có thể là hố đen tài chính.
Vào giữa những năm 1990, hàng trăm căn nhà cổ ở Kyoto cũ bị phá hủy. Những ngôi nhà gỗ mục nát nhanh chóng trong điều kiện khí hậu ẩm ướt, khi các gia đình không còn sống trong đó. Nhưng đầu những năm 2000, người ta bắt đầu khôi phục lại nhà cổ ở Kyoto, khiến chúng trở nên sang trọng và thoải mái, đặc biệt hấp dẫn du khách. Giá trị của các kominka đang được nâng tầm nhờ khách nước ngoài.
Không chỉ là một căn nhà cũ, kominka mang đậm giá trị văn hóa. Nhiều người muốn mua chúng không phải vì giá rẻ mà còn được sở hữu một kiệt tác thẩm mỹ. Căn nhà với những cột gỗ tốt đánh bóng, dầm xoắn khổng lồ trên đầu, tấm sơn mài và sàn gỗ thông lấp lánh cùng thảm tatami, cửa trượt shoji, hốc tường tokonoma và dây buộc bằng lưới, được quây bằng mái nhà tấm lợp hoặc ngói với mái hiên cao vút. Các nhà cao cấp hơn sẽ khu phức hợp gồm vườn rêu phong được bao quanh bởi những bức tường thạch cao cũ, cổng gỗ trang nhã và có lẽ một hoặc nhiều nhà kho kura cao.
Và chính sự bùng nổ của khách du lịch cùng mong muốn khôi phục các kominka, đã cứu một phần quan trọng của di sản Kyoto trở lại cuộc sống.
Minh Phương (Theo Nikkei)