Sau khi rửa nốt hơn chục chiếc cốc, lau dọn và sắp xếp lại bàn ghế, Ngọc Ánh, 16 tuổi, kết thúc ca làm ở một quán cà phê lúc 22h30.
Bên ngoài, chị Bích Mai, 37 tuổi, mẹ Ánh, đã đợi sẵn. “Tôi khuyên con đi làm ca sáng, nhưng ca đó đủ người rồi buộc con phải làm tối. Để con đi đêm một mình không an toàn, vợ chồng tôi lại thay nhau đi đón”, người phụ nữ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) giải thích về lý do mỗi tối đều đến chỗ con làm thêm.
Ánh là học sinh lớp 10, bắt đầu làm phục vụ bàn ca tối (từ 16h đến 22h) tại một quán cà phê trên đường Hoàng Cầu, quận Đống Đa, hơn một tháng nay, với mức lương mỗi giờ 18.000 đồng.
Cô gái 16 tuổi tự tìm công việc này qua các hội nhóm tuyển dụng trên mạng xã hội, khi thấy nhiều bạn trong lớp cũng đi làm. Sau buổi phỏng vấn kéo dài 10 phút, nữ sinh được nhận, mọi thỏa thuận lương, thưởng chỉ qua trao đổi trực tiếp.
Hiện có hàng trăm nhóm đăng tuyển nhân viên phục vụ quán ăn, tiệm cà phê, bán hàng, kiểm tra hàng hóa, telesale, trông xe cho đến bốc vác… Nhóm đông nhất có gần 270.000 thành viên, mỗi tuần có gần 2.000 thành viên mới và hơn 30 bài viết tuyển dụng đăng tải mỗi ngày. Đa phần tìm người trong độ tuổi từ 16 đến 19, không yêu cầu bằng cấp, thu hút đông sự quan tâm.
Ngay ngày đầu đi làm, Ánh đã muốn bỏ việc khi liên tục phải bưng bê đồ uống, sau dọn rửa cốc chén và thi thoảng bị khách mắng vì phục vụ chậm. Vượt qua tuần đầu tiên, nữ sinh dần thích nghi và nhận thấy bản thân học được kỹ năng giao tiếp, ứng xử khéo léo với khách hàng và kết giao thêm nhiều bạn.
“Đó là lý do tôi khuyến khích con đi làm thêm thay vì bao bọc ở nhà. Biết con sẽ vất vả, tiền kiếm không nhiều, có thể gặp rủi ro, nhưng các bài học có được từ thực tế là vô giá”, chị Mai nói.
Sợ con gái Phương Chi, 16 tuổi, bị bắt nạt nếu đi làm ngoài, chị Công Thị Hạnh, 48 tuổi, ở quận Tây Hồ, xin cho con cùng đi giúp việc theo giờ từ hè 2021. Lời gợi ý đi làm thêm của chị được con gái hưởng ứng. “Tôi không ép con lao động để kiếm tiền nuôi gia đình mà muốn con đi làm để trang bị kỹ năng sống, biết chăm sóc bản thân, quý trọng tiền bạc”, chị Hạnh bộc bạch.
Mỗi tuần, Phương Chi đi làm hai ngày, công việc gồm rửa bát, lau dọn đồ đạc, thu và gấp quần áo, hết khoảng 2-3 tiếng. Sau buổi làm, Chi nhận 60.000 đồng tiền công và được bố mẹ cho thêm 60.000 đồng để động viên. “Ngoài việc kiếm được 960.000 đồng mỗi tháng, bản thân em có thể thay mẹ làm việc vặt, nội trợ trong nhà. Em cũng tự tin hơn trong giao tiếp và biết quý trọng sức lao động”, nữ sinh 16 tuổi chia sẻ.
Chị Hạnh cũng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong cách suy nghĩ và hành động của con gái.
“Nhưng không phải phụ huynh nào cũng dám thả con ra ngoài xã hội khi chưa đủ 18 tuổi dù biết các kỹ năng, kinh nghiệm khi làm thêm giúp con trưởng thành, hiểu rõ giá trị của đồng tiền, học cách chi tiêu hợp lý và giải quyết tình huống”, chuyên gia giáo dục, tiến sĩ Vũ Thu Hương, nói.
Ở Việt Nam, từ hơn 10 năm trước đã có những phụ huynh cho con đi làm thêm, nhưng chỉ là thiểu số. Hầu hết phụ huynh đặt nặng tư tưởng con còn nhỏ, sức khỏe yếu và bản thân không chịu được định kiến rằng “bố mẹ ham tiền mới đẩy con đi làm sớm”.
“Nhưng ở nước ngoài, việc cho trẻ nhỏ đi làm thêm trong kỳ nghỉ hè đã xuất hiện từ lâu và phát triển mạnh”, bà Hương cho biết.
Theo phân tích dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, hơn 6 triệu thanh thiếu niên (từ 13 đến 19 tuổi), tương đương 36,6% dân số, có một việc làm thêm trong hè 2021. Trong đó, tỷ lệ trung bình thanh thiếu niên ở độ tuổi 18-19 đi làm mùa hè là 47,1%, độ tuổi 16 và 17 là 26,9%. Dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí là những ngành dẫn đầu sự gia tăng tuyển dụng thanh thiếu niên. Riêng tháng 5 năm nay, khoảng 5,5 triệu thanh thiếu niên đã được tuyển dụng, tăng hơn 145.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở Việt Nam chưa có thống kê về số lượng học sinh đi làm thêm trong kỳ nghỉ hè, nhưng phụ huynh bắt đầu có tư tưởng cởi mở hơn về việc cho con đi làm thêm lúc rảnh rỗi.
Khảo sát 100 gia đình có con trong độ tuổi từ 13 đến dưới 18 của VnExpress hôm 16/7, 84% gia đình đồng ý cho con đi làm thêm, 16% phản đối. Trong số các gia đình đồng ý, 63,9% mong con làm các việc sử dụng chất xám như trợ giảng, gia sư… 36,1% muốn con thử lao động chân tay. Đa phần phụ huynh hy vọng con rèn được kỹ năng, kinh nghiệm sống thông qua làm thêm, tiếp đến là học cách tôn trọng đồng tiền và phần nhỏ (6,2%) mong con tăng thu nhập cho bản thân.
Gạt bỏ mọi lời đàm tiếu cho rằng gia đình bóc lột sức lao động, khiến con gái mất tuổi thơ khi phải đi làm sớm, 10 năm trước, gia đình anh Hoàng Phong, 45 tuổi, quận Hai Bà Trưng cho Minh Hằng làm chân chạy vặt ở trung tâm tiếng anh khi học lớp 7. Ban đầu Hằng giúp thầy cô thu dọn giấy tờ, quét dọn lớp trước khi bắt đầu buổi học. Dần dần, nữ sinh học được kinh nghiệm đứng lớp, qua hai mùa hè, em thành trợ giảng cho học sinh tiểu học. Sau đó, nữ sinh tiếp tục tham gia vào các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ lớp tuyên truyền giáo dục giới tính đến hết năm 22 tuổi.
“Từ ngày đi làm thêm, Hằng học được cách ứng xử với đồng tiền, ghét sự lãng phí. Con biết tập trung thời gian cho những việc có ích, suy nghĩ trưởng thành hơn, không bị sa đà vào những tệ nạn. Con cũng biết kiềm chế cảm xúc cá nhân và tự lập kế hoạch cho bản thân”, anh Phong nhận định.
Bảng thành tích học tập tốt cùng kinh nghiệm 10 năm đi làm thêm tại các trung tâm giáo dục, Minh Hằng xin được học bổng toàn phần ở Canada. “Chính những công việc chỉ kiếm được vài trăm một tháng nay thành bước đệm để em chinh phục thế giới. Em chưa bao giờ hối hận vì quyết định xin đi làm thêm sớm trong kỳ nghỉ hè”, Hằng tâm sự.
Nhưng tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội, cũng cảnh báo cho trẻ đi làm thêm sớm có thể tồn tại những mặt trái, buộc phụ huynh phải lưu tâm, tránh để con tiêu xài mất kiểm soát, bị bạn bè lôi kéo, rủ rê mà chểnh mảng học tập. Chưa kể, trả thù lao quá cao khi đi làm sẽ khiến trẻ hiểu sai giá trị của lao động.
Huy Hoàng, 14 tuổi, con trai chị Kim Liên, 52 tuổi, ở Hải Phòng là ví dụ. Hè năm ngoái chị xin cho con trai đi đóng gói hàng hóa tại xưởng của người quen, ngày trả công 100.000 đồng. Mỗi tháng cậu bé nhận khoảng 2,5 triệu đồng cho công việc được miêu tả “không tốn nhiều công sức”. Số tiền này chị Liên để con tự quyết. Có tiền, Hoàng mua đồ theo sở thích và mời bạn bè đi ăn. Thời điểm đó, cậu bé thành thần tượng của bạn học, luôn được tung hô mỗi khi xuất hiện, khiến bản thân càng ham kiếm tiền.
Theo giao ước với mẹ, Hoàng chỉ làm thêm hai tháng hè, nhưng em lại lén đi làm trong năm học, khiến điểm số tụt dốc và bị phát hiện. “Có lẽ tôi đã sai ngay từ đầu khi chọn công việc làm thêm quá dễ dàng và cho con tiêu tiền theo ý thích”, chị Liên thở dài và cho biết hè năm nay đang cho Hoàng đi bưng bê tại một quán đồ nướng, với mức lương 16.000 đồng mỗi giờ, mong con biết quý trọng đồng tiền hơn.
Còn với Ngọc Ánh, đầu tháng 8 nữ sinh sẽ nghỉ tại quán cà phê để tập trung cho năm học mới. “Khi có thời gian rảnh, em sẽ xin bố mẹ cho làm thêm. Nhưng công việc lần này có thể hỗ trợ để em tiến gần đến ước mơ trở thành giáo viên dạy toán trong tương lai”, nữ sinh 16 tuổi tâm sự.
Quỳnh Nguyễn – Minh Đức