Nhiều người sống tại tám quận “vùng cam” đã đến “vùng vàng” để được ăn tại chỗ, bất chấp phải di chuyển cả chục km.
Hai ngày trước sinh nhật, Lan Hương, 28 tuổi, ở quận Đống Đa đỏ mắt tìm nơi tổ chức và tụ họp bạn bè. Những nhà hàng, quán cà phê quen thuộc gần nhà đều ngừng bán tại chỗ, chỉ cho mang về bởi nằm trong “vùng cam”, cấp độ ba trong 4 cấp độ dịch (xanh, vàng, cam, đỏ). Bảy quận khác của thủ đô cũng áp dụng biện pháp tương tự.
Tối 27/12, cô chọn được một nhà hàng trên phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, cách nhà gần 8 km, đi mất hơn 30 phút do tắc đường, chưa kể bạn bè ở quận Hoàng Mai, Hà Đông phải đi hơn 10 km. “Đi xa nhưng vẫn được gặp nhau là may rồi”, Lan Hương nói.
Cô và các bạn không phải là những người hiếm hoi chịu khó lặn lội đi xa chỉ để cà phê hoặc ăn uống từ khi tám quận trung tâm nâng cấp độ dịch. Hương nói nhiều người quen cũng từ “vùng cam” sang “vùng vàng”, “vùng xanh” để ăn uống. “Tôi thấy việc cấm bán hàng tại chỗ theo từng quận chẳng có tác dụng phòng dịch, chỉ thêm phiền phức”, Hương nhận xét.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng việc cấm ăn uống tại chỗ chỉ giúp dễ truy vết chứ không thể cấm người dân dừng đi làm và di chuyển giữa các quận.
“Việc cấm bán hàng theo địa giới hành chính như hiện tại không có tác dụng, bởi cấm ở quận này, người dân lại sang quận khác để ăn uống hoặc tụ tập ở nhà, tiềm ẩn nguy cơ lây lan”, ông nói.
Thành Nam, 26 tuổi, ở quận Hoàng Mai là một shipper, công việc khiến anh thường xuyên phải “cơm hàng, cháo chợ”. Hàng ngày, Nam ăn cơm ở quận Hai Bà Trưng, nhưng lệnh cấm ăn tại chỗ từ trưa 19/12, anh phải sang quận Hoàn Kiếm. Ăn được sáu bữa, Hoàn Kiếm chỉ cho bán mang về từ trưa 26/12, Nam lật đật qua quận Ba Đình. Vừa ăn được một bữa, Ba Đình lại ra chỉ thị dừng ăn tại chỗ từ trưa 27/12.
“Tìm hàng ăn như đi chạy loạn, cấm quận này tôi lại sang quận khác, cứ như đi sơ tán”, Nam nói. Từng tính chuyện mua cơm ra công viên hoặc vỉa hè ngồi ăn, nhưng anh lo sợ có thể bị phạt hai triệu đồng vì không đeo khẩu trang nơi công cộng, còn về nhà tự nấu lại quá xa.
Minh Hường, 25 tuổi, ở đường Láng, quận Đống Đa tự thấy mình là “số ít người may mắn nhất Hà Nội” khi sống giáp hai quận. Khi hàng quán trên đường Láng chỉ bán mang về, cô chỉ cần đi bộ chừng 200 m sang đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy để được ngồi ăn tại chỗ.
Không chỉ gây khó khăn với người dân, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng còn cho rằng, hạn chế các dịch vụ không thiết yếu ở tám quận có thể giảm số người tập trung, nhưng cái giá phải trả cho thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Anh Hoàng Tuấn Long, chủ một quán đồ nướng tại quận Tây Hồ, cho biết nhiều ngày qua anh không có nổi 10 đơn hàng, trong khi tiền điện nước, thuê mặt bằng và lương cho nhân viên vẫn phải chi như bình thường. Nếu để họ tạm nghỉ, nguy cơ mất nhân viên vĩnh viễn là rất cao bởi họ cũng mệt mỏi với tình cảnh ra thành phố làm 1-2 tháng rồi lại phải về. “Ở vùng vàng, xanh còn vớt vát, chứ thành vùng cam, đỏ thì lỗ nặng”, anh thở dài.
Để người dân có chỗ ăn, người bán hàng có nguồn thu, một số chủ quán đề xuất, cơ quan chức năng có thể ra quy định buộc hàng quán tuân thủ 5K, lập vách ngăn, chỉ nhận 50% khách, đồng thời xử lý nghiêm những người vi phạm phòng chống dịch, thay vì cấm bán tại chỗ.
Ông Hùng đồng tình với ý kiến đó và cho rằng bản chất của việc chống dịch là tăng cường giám sát việc tuân thủ 5K của người dân, chủ cửa hàng và đơn vị quản lý, thay vì phân theo địa giới hành chính cấp quận. Đặc biệt, thủ đô là một trong những địa phương có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 cao nhất cả nước. Hiện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều là 98,2% (đã đạt tỷ lệ tối thiểu 70%); tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 liều vaccine là 95,1% (đạt tỷ lệ tối thiểu 80%).
Trung bình một tuần qua, Hà Nội ghi nhận 1.700 ca nhiễm một ngày – gấp đôi so với tuần trước, số ca nặng có tăng, nhưng các trường hợp tử vong đều mắc bệnh nền và chưa tiêm vaccine.
Việc đánh giá cấp độ dịch được các tỉnh, thành thực hiện hàng tuần theo Nghị quyết 128 quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19 để có biện pháp phòng chống dịch, bệnh thích hợp. Các tiêu chí đánh giá gồm: tỷ lệ ca nhiễm mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; độ bao phủ vaccine; khả năng thu dung, điều trị của các tuyến. Ngoài 8 quận thuộc “vùng cam”, Hà Nội hiện có một huyện “vùng xanh” và 21 quận, huyện “vùng vàng”.
“Cấm để phòng dịch là tốt, nhưng cấm như hiện nay không hiệu quả, thậm chí còn lan truyền dịch và ảnh hưởng lớn tới việc làm ăn, sinh sống của người dân”, ông Hùng bày tỏ.
Còn riêng Lan Hương, cô mong sớm có sự nhất quán trong quy tắc phòng dịch. “Nếu cấm nên cấm hết, hoặc đề ra các biện pháp thích nghi trong điều kiện mới”, cô nói.
Quỳnh Nguyễn