Địa điểm mới

Giới trẻ chi tiền để được ngồi không

Hàn QuốcTrong con phố nhỏ ở Seongdong-gu, Seoul, quán trà Green Lab nằm khuất sâu. Ở đây, khách không được nói chuyện, phải tắt điện thoại, chỉ được nhìn ra phía trước.

Khi Covid-19 bùng phát ở Hàn Quốc, một số người vì muốn giảm áp lực cuộc sống tìm đến những địa điểm như Green Lab, nơi họ có thể ở một mình và không phải làm gì.





Địa điểm giải trí ngoi-im-2-5596-1640670705 Giới trẻ chi tiền để được ngồi không Thông tin

Một khu vực của quán trà Green Lab tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Instagram

Hàn Quốc nổi tiếng với nhịp sống nhanh. Gần đây, giá nhà đất tăng vọt, công việc cường độ cao và ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh đã khiến mức độ căng thẳng gia tăng. Nhiều người muốn tìm cách thoát khỏi áp lực.

Tờ Korean Herald đưa tin, theo cuộc khảo sát hồi tháng 7/2021 với 1.016 người Hàn Quốc của giáo sư Yoo Myung-soon từ Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Seoul thực hiện, 72,8% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy rất áp lực với cuộc sống. Trong khi đó, khảo sát cách đây một năm tỷ lệ này mới chỉ 15,7%. Trong cùng khảo sát, 46,5% người được hỏi ở độ tuổi 20 bày tỏ sự thất vọng về cuộc sống của mình.

Bởi vậy những quán trà như Green Lab, vốn được truyền thông đưa tin có thể cung cấp không gian phục hồi sức khỏe, được chú ý đặc biệt.

Green Lab được biết đến với biệt danh “nhìn thẳng phía trước”. Ở quán trà này khách phải đi chân trần, không được nói chuyện, tắt di động, dù đi với người quen cũng phải ngồi ghế riêng. Vào bên trong, những gì khách hàng cần làm là dựa vào đệm và nhìn về phía trước, ngắm cảnh sắc ngoài cửa sổ.

Phí thư giãn là 19.000 won (366.000 đồng) một tiếng, bao gồm một tách trà đậu đỏ hoặc hoa hồng, kèm thêm một tập thơ, túi đựng giày… Trong khi uống trà, khách có thể đọc sách, làm thơ, thiền hoặc chỉ nhìn ra phía trước. Họ cũng có thể viết suy nghĩ của mình trong quá trình ngồi yên bằng tập giấy để trên bàn.

Green Lab mở cửa trước khi bùng phát Covid-19. Thời điểm đó quán ít khách bởi nhiều người không quen ngồi một mình. Nhưng giờ đây, “sẽ không còn chỗ nếu không đặt trước”, nhân viên bán hàng tên Bae Hyun nói. “Ở Hàn Quốc, thật khó tìm được không gian mà bạn chẳng phải làm gì. Nhiều người, trong đó không ít bạn bè của tôi cũng dần quen với khái niệm mới”.

Một buổi chiều, Jung Jae-hwan, 38 tuổi, đưa đồng nghiệp đến Green Lab. Là người đứng đầu một công ty mỹ phẩm, anh nói bản thân luôn tìm kiếm một nơi bình yên trong thế giới kinh doanh đầy cạnh tranh. Dù đã thử Pilates (một loại bài tập thể dục) và yoga, nhưng điều anh thực sự muốn là đến một nơi không phải làm gì, đầu óc được nghỉ ngơi. Cuối cùng Jung Jae-hwan đã chọn Green Lab.

“Tôi hy vọng có thể nhấn nút tạm dừng, để bản thân hít thở một lúc”, Jung Jae-hwan nói. “Trong không gian này bạn sẽ không phải làm gì cả. Điều này tạo không gian thư giãn cho bộ não. Ở đây, tôi tận hưởng hương thơm từ hoa lá, làm thơ, đọc sách. Tôi bắt đầu có những ý tưởng mới, điều này khiến bản thân dễ chịu hơn”.

Đồng nghiệp của Jung Jae-hwan, Ahn Areum nói rằng cô luôn tìm cách đối phó với căng thẳng. “Tôi không có thời gian nghỉ ngơi, đi làm về là phải làm việc nhà. Trước khi đi ngủ, tôi có thể dành cho mình 30 phút đến 1 tiếng nhưng chỉ sử dụng điện thọai”. Ahn Areum, 32 tuổi, nói: “Với không gian ở đây, cuối cùng tôi cũng có thể nghỉ ngơi “.





Địa điểm giải trí ngoi-im-1-9991-1640670705 Giới trẻ chi tiền để được ngồi không Thông tin

Nhiều người trẻ Hàn Quốc tham gia cuộc thi “ngồi không” do nghệ sỹ Woops Yang sáng lập năm 2014 như một cuộc phản công chống lại nhịp sống nhanh và áp lực cao. Ảnh: qq.

Trước khi đại dịch xảy ra, khái niệm “ngồi không” đã xuất hiện ở Hàn Quốc. Nghệ sĩ Woops Yang đã sáng lập cuộc thi “ngồi không” vào năm 2014 như một cuộc phản công chống lại nhịp sống nhanh và áp lực cao. Kể từ đó, cuộc thi còn được tổ chức tại Bắc Kinh, Hong Kong, sau này thêm một số thành phố ở Hà Lan.

Trong cuộc thi “ngồi không” tháng 5/2021 trong một khu rừng ở phía nam đảo Jeju, đã có 28 người tham gia, chiến thắng thuộc về một nhà tạo mẫu tóc với khả năng ngồi bất động 90 phút.

Jwa Hyeon-guk, 40 tuổi, chủ một nhà hàng ở đảo Jeju quyết định đóng cửa hàng một ngày để tham gia cuộc thi. Dịch bệnh xảy ra, nhà hàng của anh phải bán mang về. Kể từ đó, Jwa Hyeon-guk dành vài giờ mỗi ngày nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, liên tục kiểm tra đánh giá của khách hàng. Thường thì một đánh giá không tốt sẽ ảnh hưởng đến anh, ví dụ phải suy nghĩ về cách cải thiện bao bì, chất lượng sản phẩm v.v… Người đàn ông này mô tả đây là một vòng luẩn quẩn của những cảm xúc tiêu cực.

Shin Dong-won, bác sĩ tâm thần Bệnh viện Gangbuk Samsung, Seoul cho biết: “Trước những mối đe dọa từ dịch bệnh, mọi người thường khó giữ bình tĩnh và lo lắng về hành động tiếp theo. Não bộ cần nhiều không gian hơn để thư giãn và thoát khỏi lo lắng”.

Để đáp ứng nhu cầu “ngồi không”, nhiều nơi khác ngoài Seoul cũng có những không gian tương tự Green Lab. Ở đảo Jeju, có một quán cà phê tên Goyose. Khu vực trên lầu dành riêng cho những người ở một mình. Tại đây, khách được cung cấp giấy bút để viết thư, cảm nhận của bản thân… sau khi uống cà phê và ăn tráng miệng.

Một quán cà phê khác có tên “Fursunes” ở Busan cung cấp dịch vụ “xem ngọn lửa”, nơi mọi người chăm chú nhìn vào màn hình có video về cảnh đốt lửa trại. Đối diện với “đống lửa”, khách có thể uống cà phê, bia, và dù không tâm sự nỗi niềm của mình với người khác, họ vẫn có thể cảm nhận được nỗi buồn vơi đi.





Địa điểm giải trí ngoi-im-4-4698-1640670706 Giới trẻ chi tiền để được ngồi không Thông tin

Khu vực “xem ngọn lửa” ở quán cà phê Fursunes tại Busan, Hàn Quốc. Ảnh: qq

Trên đảo Ganghwa ở phía tây Hàn Quốc, một quán cà phê khác có tên Mung Hit cũng cung cấp không gian “ngồi không”. Trong khu này, có những căn phòng chỉ có một chiếc ghế đặt đối diện với tấm gương, dành cho ai muốn trò chuyện với chính mình. Ngoài ra quán còn bố trí nhiều góc khuất khác để mọi người ngồi thiền, đọc sách và ngắm cảnh núi non.

Quản lý Ji Ok-jung của Mung Hit cho biết quán cà phê mở cửa vào tháng 4 năm 2019 với mục đích cung cấp “không gian tự chữa bệnh”. Sau khi dịch bệnh bùng phát, nó đã thu hút rất nhiều khách.

Ta Jung Kim, 32 tuổi, đã phát hiện ra Mung Hit trên Internet. Cô thường tìm đến đây để thoát khỏi cuộc sống ngột ngạt ở thành phố.

“Khi ngồi ở góc khuất, thư thái ngắm cảnh và uống cà phê, tôi thấy mình được an ủi nhiều. Những suy nghĩ tiêu cực dần biến mất, và tôi trở lại đời thường với thái độ tích cực hơn”, cô nói.

Vy Trang (Theo qq)