Địa điểm mới

Người đàn ông Palestine hai năm mưu sinh trên đất Việt

Địa điểm giải trí nguoi-dan-ong-palestine-hai-nam-muu-sinh-tren-dat-viet Người đàn ông Palestine hai năm mưu sinh trên đất Việt Thông tin

Hà NộiHai năm mưu sinh và vật lộn với bệnh ung thư ở Việt Nam, điều khiến ông Khalaf Abuawad bất ngờ nhất là lòng tốt của những người xa lạ.

Chiều cuối tuần tháng 3, ông Khalaf Abuawad, 60 tuổi, lại ra ngồi ở điểm bán hàng quen thuộc bên bờ hồ Hoàn Kiếm cùng tấm biển viết trên tấm bìa carton: “Xin hãy mua giúp tôi chiếc kẹo”.

Thấy người thanh niên cầm thanh kẹo giơ lên, ông hiểu ý giơ 10 ngón tay, ám chỉ 10.000 đồng. Chàng trai đưa 50.000 đồng trả tiền hai phong kẹo và xua tay ý không lấy tiền thừa, ông Khalaf liên tục cúi đầu cảm ơn.

Năm phút sau, Phương Thảo cùng nhóm sinh viên Bách Khoa cũng đến mua ủng hộ. Thảo nói tình cờ biết ông Khalaf qua đoạn clip trên mạng xã hội về người đàn ông ngoại quốc một mình đến Việt Nam, bán hàng rong mưu sinh nên cô rủ bạn đi tìm để mua hàng ủng hộ. “Ông ấy vui tính, gặp ai cũng chủ động chào, hỏi thăm sức khỏe. Nhìn bề ngoài chẳng ai biết ông bị ung thư và đang vận lộn kiếm sống qua ngày”, Thảo kể.

Địa điểm giải trí img-0133-jpg-1648316079-1122-1648319469 Người đàn ông Palestine hai năm mưu sinh trên đất Việt Thông tin

Ông Khalaf cảm ơn vị khách trẻ mua ủng hộ kẹo và tặng đồ ăn trên bờ hồ Hoàn Kiếm, chiều tối 24/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn.

Ông Khalaf Abuawad sinh ra ở Palestine, định cư ở Jordan. Năm 18 tuổi, ông sang Kuwait làm thợ điện tử. Giữa năm 2017, ông nghỉ hưu và bắt đầu đi tìm cuộc sống mới ở các nước Đông Nam Á. “Tôi không có vợ con, nên muốn đến một nơi bình yên an hưởng tuổi già”, ông Khalaf kể.

Hai năm rưỡi, người đàn ông gốc Palestine lần lượt đi qua Malaysia, Indonesia và Campuchia. Số tiền tích cóp của 40 năm đi làm hết sạch vì chi phí nhà trọ, ăn uống và tiền phạt vì quá hạn visa. Tháng 2/2020, ông đến Việt Nam khi còn 500 USD trong túi.

Do Jordan chưa có Đại sứ quán tại Việt Nam, ông Khalaf liên hệ Đại sứ quán Palestine, được hỗ trợ chỗ ở cùng khoản tiền 10 triệu đồng trong hai tháng. Ngoài ra, Đại sứ quán Qatar cũng hỗ trợ một đợt 5 triệu đồng. Ông giải thích, do Palestine, Jordan và Quatar đều thuộc cộng đồng Arab World (các quốc gia Ả rập gồm 22 thành viên) nên công dân thuộc 22 nước này đều được giúp đỡ, nếu đến các quốc gia có đặt đại sứ quán của cộng đồng Arab World.

Ngoài khoản được hỗ trợ, người đàn ông 60 tuổi xin làm nhân viên phục vụ tại một nhà hàng trên phố cổ để có tiền trang trải cuộc sống. Sang Việt Nam được vài tháng, ông bất ngờ phát hiện bị ung thư tụy mật nên chuyển sang bán hàng rong để tiện điều trị. Những ngày dịch Covid-19 bùng phát, không bán được hàng và cũng chẳng xin được việc, ông Khalaf đi lượm ve chai tìm cách sống qua ngày.

Hơn năm nay, Khalaf Abuawad trở thành gương mặt quen thuộc ở khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, gần quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cùng với quầy hàng bán đồ lặt vặt từ 2h chiều đến 11h đêm. Gọi là quầy hàng nhưng thực tế chỉ có hai hộp nhựa cứng đựng đủ loại kẹo, kèm vài gói tăm, bật lửa, giá các mặt hàng từ 2.000 đồng đến đắt nhất 10.000 đồng. Ông nói do bất đồng ngôn ngữ, không tìm được chỗ mua sỉ, đành nhập hàng ở siêu thị về bán.

Có người khuyên tăng giá gấp đôi cho lãi, nhưng Khalaf cho rằng “giá như vậy không rẻ, giống như mọi người vẫn bán. Bán đắt nhỡ không ai mua, chẳng còn tiền thuê nhà và mua thuốc chữa bệnh”.

Để thu hút sự chú ý, ông nhờ người viết hộ chữ “Xin hãy mua giúp tôi chiếc kẹo” bằng tiếng Việt lên bìa cứng, đặt dưới chân. Khách mua đa phần là người đi đường hoặc được giới thiệu. Trung bình mỗi ngày ông Khalaf bán 150.000 đồng đến 200.000 đồng tiền hàng, cuối tuần hoặc dịp lễ Tết được nhiều hơn.

“Chiều nào ông ấy cũng đi bộ từ chỗ trọ trên phố Lò Sũ ra đây bán hàng. Nắng 40 độ hay rét buốt dưới 10 độ ông ấy vẫn ngồi ở đó. Chỉ lúc mưa to mới xin trú tạm vào cửa hàng của tôi”, nhân viên một cửa hàng bán kem tại bờ hồ, nói.

Thấy ông lủi thủi một mình, buôn bán ế ẩm, người này cùng các đồng nghiệp thường nấu dư một phần cơm dành tặng. “Không biết gia đình đâu mà lại sống một mình ở Hà Nội, nhìn ông ấy tội lắm, lắm bữa còn nhịn đói”, chị thở dài.

Địa điểm giải trí va-04522-jpg-1648316091-2761-1648319469 Người đàn ông Palestine hai năm mưu sinh trên đất Việt Thông tin

Sạp hàng vỏn vẹn hai hộp nhựa đựng kẹo cùng vài chiếc khẩu trang của ông Khalaf bán tại hồ Hoàn Kiếm, chiều 24/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thấy hoàn cảnh của ông khó khăn, Đại sứ quán Palestine và người nhà nhiều lần ngỏ ý mua vé máy bay cho ông hồi hương, nhưng người đàn ông 60 tuổi từ chối. Ông nói, tiền điều trị tại Jordan đắt đỏ, viện phí một năm lên đến 50.000 USD, còn ở Palestine tình hình hỗn loạn, anh chị em có cuộc sống riêng, ông không muốn phiền đến ai.

Anh Saleem Hammad, chuyên viên truyền thông của Đại sứ quán Qatar, thành viên cộng đồng người Palestine tại Việt Nam cho biết: “Tôi được biết đại sứ quán Palestine đã giúp đỡ bác Khalaf một thời gian dài từ đầu dịch. Thậm chí còn tài trợ vé máy bay để về nước, nhưng bác từ chối vì lý do cá nhân. Biết bác khó khăn, tôi cùng một số người khác cũng giúp đỡ một khoản tiền và thường xuyên qua thăm hỏi sức khỏe”.

Bác sĩ Trần Thắng, Trưởng khoa Nội 4, Bệnh viện K Tân Triều xác nhận, ông Khalaf Abuawad là bệnh nhân ung thư đường mật giai đoạn muộn, điều trị tại bệnh viện. Thời gian đầu ông khám tại Bệnh viện Đại học Y, sau chuyển sang Bệnh viện K từ năm 2021. Hiện, sức khỏe của bệnh nhân ngày càng xuống cấp do tác động của hóa chất và xạ trị.

Trung bình mỗi tháng, ông tốn khoảng trên dưới 10 triệu đồng tiền điều trị, tùy từng đợt. Tiền viện phí, thuốc men dựa vào gánh hàng rong, và sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm. “Thời gian trước, có lần ông được ủng hộ vài chục triệu đồng, liền bắt xe buýt xuống bệnh viện gửi để trả dần tiền điều trị”, bác sĩ Thắng nói và cho biết, bệnh viện cũng tìm kiếm các nguồn hỗ trợ, mong ông chuyên tâm điều trị.

Ngoài viện phí, mỗi tháng ông phải trả hơn 3 triệu đồng tiền trọ trên phố Lò Sũ, cách chỗ bán hàng chừng 500 m nhưng thi thoảng vẫn xin nợ vì không còn tiền. “Dẫu vậy, trong mọi hoàn cảnh ông Khalaf luôn là người rất uy tín. Tháng nào chậm tiền nhà ông đều nói trước vài ngày, hứa trả đúng hẹn. Ông cũng là trường hợp duy nhất chúng tôi không bắt đặt cọc, thậm chí giảm nửa giá vì biết hoàn cảnh khó khăn”, Lê Xuân Nhân, 20 tuổi, quản lý chỗ trọ nói.

Địa điểm giải trí va-04583-jpg-1648316102-2710-1648319469 Người đàn ông Palestine hai năm mưu sinh trên đất Việt Thông tin

Ông Khalaf Abuawad kể về cuộc sống mưu sinh ở Việt Nam trong hai năm qua, chiều 24/3. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nói chuyện với phóng viên VnExpress, ông Khalaf tiết lộ lý do lớn nhất khiến ông không muốn về nước là cái tình của người Việt. Ông bảo, cả đời đi qua bao nhiêu quốc gia nhưng chưa ở đâu gặp những người xa lạ sẵn sàng tặng tiền cho chữa bệnh còn các bạn sinh viên, người đi đường thường xuyên mua bánh mì, sữa, cháo, phở giúp ông qua cơn đói. Ngay cả các bác sĩ cũng nhiệt tình hỗ trợ người ngoại quốc nghèo.

“Sau 60 năm cuộc đời, bôn ba tứ xứ nhưng hai năm qua tự trái tim mình tôi đã coi Việt Nam là nhà, người Việt là gia đình. Khi sức khỏe ổn định, tôi sẽ mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ nhỏ, để các em tự tin giao tiếp, học cách phát âm chuẩn, nói giống người bản địa. Tôi muốn được trả ơn đất nước xinh đẹp này”, ông Khalaf bật khóc và khẳng định “chỉ cần còn sức khỏe, tôi luôn mong được cống hiến cho Việt Nam”.

Nhiều người khuyên ông tìm nơi có mái che để ngồi bán hàng, sợ ông ngồi ngoài đường ảnh hưởng sức khỏe nhưng Khalaf từ chối. “Tôi bán ở đây quen rồi”, ông cười.

Mấy ngày trước, trên mạng xã hội chia sẻ đoạn clip dài 30 giây ghi cảnh người đàn ông ngoại quốc ngồi bán kẹo trên bờ hồ khiến nhiều người xúc động. Sau khi chia sẻ, clip và hình ảnh nhận hàng triệu lượt thích, nhiều người từng là khách hàng đã nhận ra ông Khalaf để lại bình luận đồng cảm.

“Hôm vừa rồi tình cờ gặp bác bán hàng ở phố đi bộ. Bác rất lịch sự và thân thiện. Bác còn nhặt và dọn rác xung quanh chỗ bán kem vì nhiều người vứt rác bừa bãi. Nhìn rất thương”, người dùng có tên Quỳnh Như bình luận.

Quỳnh Nguyễn