Hàn QuốcKhác với sự hào hứng của dân công sở khi được tăng lương, các chuyên gia lo ngại sẽ tạo hiệu ứng ngược: tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ.
Nhiều công ty lớn trong lĩnh vực điện tử bán dẫn, công nghệ thông tin, năng lượng, ôtô tại Hàn Quốc đang tăng mức lương, khi thiếu hụt nhân lực và người trẻ đặt ưu tiên việc kiếm tiền.
Theo Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, lương tại 100 công ty lớn nhất, tính theo doanh số bán hàng, đã tăng 9,1% trong năm 2021. Samsung Electronics đã tăng lương thêm 9% trong tháng 5/2022, mức tăng lớn nhất trong một thập kỷ. Các tên tuổi lớn khác như LG Electronics tăng mức lương thêm 8,2%, Kakao tăng 15% và Naver là 10%.
Theo Bộ Lao động và Thống kê Hàn Quốc, số người có việc làm trong tháng 5 đã tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái. Số người thất nghiệp giảm xuống 259.000 người so với 889.000, với tỷ lệ thất nghiệp là 3%. Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc cũng đề xuất mức tăng lương trung bình thêm 8,5% trong năm nay, do lạm phát đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ.
Nhưng tiền lương cao hơn dễ làm tăng chi phí lao động, khiến phí hàng hóa và dịch vụ tăng lên.
Shin In-seok, giáo sư kinh doanh tại Đại học Chung Ang, cho biết có thể chấp nhận việc các công đoàn lao động yêu cầu tăng lương khi chi phí sinh hoạt do lạm phát cao, nhưng dễ tạo ra một vòng luẩn quẩn.
“Để nền kinh tế hiện tại không phải đối mặt với tình trạng đại lạm phát như những năm 1970, điều quan trọng là để mọi người hiểu chỉ số giá tiêu dùng cần giảm xuống, do nhu cầu tăng lương có vẻ không cần thiết”, giáo sư Shin nói.
Christopher Pissarides, nhà kinh tế học tại Trường Kinh tế London (Anh) cho biết, tăng lương không kiểm soát dễ gây ra một vòng xoáy gia tăng đối với lạm phát. “Nếu điều đó xảy ra, sẽ mất nhiều thời gian hơn để thoát khỏi lạm phát”, ông Pissarides nói.
Trong báo cáo được công bố vào tháng 5, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cũng chỉ ra, “trong thời điểm vật giá leo thang, giá tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn mức bình thường bởi chi phí lao động, dẫn đến lạm phát thậm chí còn cao hơn”.
Một vấn đề lớn hơn liên quan đến lạm phát do tăng lương là bất bình đẳng kinh tế, tạo ra khoảng cách lớn hơn giữa mức lương trung bình tùy thuộc vào quy mô của từng công ty. Hiện, mức lương trung bình của các công ty lớn là 9,2 triệu won một tháng, trong khi ở các công ty vừa và nhỏ là 3,8 triệu won, tính đến tháng 1/2022. Do đó, người lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi lạm phát, bởi tiền lương không thể bắt kịp với tốc độ tăng nhanh của giá tiêu dùng. Thực tế, nhiều nhân viên thuộc nhóm này cho biết rất khó được tăng lương.
Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi website tuyển dụng trực tuyến của Hàn Quốc Saramin, 31,4% các công ty vừa và nhỏ cho biết họ không có kế hoạch tăng lương trong năm nay, thậm chí có thể cắt giảm lương.
Chính phủ đã yêu cầu các công ty lớn hạn chế tăng lương hoặc tăng với tốc độ phù hợp với tăng năng suất. “Việc tăng lương quá mức không chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát mà còn nới rộng khoảng cách lương giữa các công ty lớn, nhỏ”, bộ trưởng Tài chính Choo-Kyung phát biểu trong cuộc họp với Liên đoàn Doanh nghiệp Hàn Quốc hôm 28/6.
Minh Phương (Theo koreajoongangdaily)