Đến muộn kinh niên gây căng thẳng không đáng có cho chúng ta, đe dọa đến sự nghiệp và cả tình bạn. Dẫu biết vậy, nhiều người bất lực thay đổi thói quen này.
Tại sao một số người luôn đến muộn?
Chuyên gia tâm lý lâm sàng Linda Blair, thành viên Hiệp hội tâm lý Anh, cho biết đến muộn là sự kết hợp của nhiều nguyên nhân.
Một số người thiếu tự tin, không chắc chắn về bản thân. “Nếu luôn đi làm muộn, bạn nên tự hỏi bản thân có đang hài lòng với công việc hay cảm thấy căng thẳng? Đi muộn có phải chiến lược tránh né một cách vô thức cho cảm giác căng thẳng đó?”, Linda đặt vấn đề.
Đôi khi, bạn đi muộn đơn giản chỉ vì không phải là kiểu người đúng giờ. Một số người lại có bản tính lạc quan, nghĩ đến muộn thì vẫn làm tất cả mọi việc như đã kế hoạch. Những người thích làm hài lòng tất cả người khác cũng hay đến muộn. Họ không dám từ chối những lời mời nên bối rối vì quá nhiều lịch.
Nhiều người “mù thời gian”, gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian và công việc thường xuyên đến trễ.
Vì vậy, để thay đổi thói quen đi trễ, cần lưu ý:
Làm việc có tổ chức
Nhà trị liệu tâm lý Somia Zaman cho biết, để phá bỏ một thói quen xấu cần trung bình 66 ngày. Vì vậy, để thay đổi thói quen đến muộn cần sự kiên trì.
Một số người gặp khó khi sắp xếp những việc cần làm để đến đúng giờ. Vì vậy, phải học cách suy nghĩ trước nên mặc gì cho buổi hẹn hoặc chắc chắn không có công việc gì chen chân vào kế hoạch đã lên lịch.
“Vô tổ chức dẫn đến vội vàng, khiến bạn đến muộn. Tôi thường đặt điện thoại và chìa khóa ở đúng vị trí của chúng”, Somia nói.
Thấy ngại với người đang chờ
Hãy nghĩ đến những ảnh hưởng tiêu cực của việc bạn đi muộn với người khác. “Đó là động lực mạnh mẽ vì hầu hết chúng ta đã thoát khỏi đại dịch nên nhận ra giá trị của các mối quan hệ và kết nối xã hội”, chuyên gia tâm lý Linda khuyên.
Học cách nói không
Linda cho rằng với những người thích làm hài lòng người khác, cần thiết lập những ranh giới mới. Nên học cách nói không để tập trung vào những việc bạn cần làm.
Khi có thời gian và lịch trình rõ ràng, khoa học cho những điều bạn thực sự muốn làm, bạn sẽ có động lực để không đến trễ.
Tập trung vào những mặt tích cực của việc đi sớm
Hầu hết những người thường xuyên đi muộn đều nhận thức rõ về ấn tượng xấu mà nó tạo ra. Vì vậy, để có động lực đến sớm hãy nghĩ về lợi ích của nó.
“Khi đưa con đến trường năm phút trước cổng mở, tôi có thể tìm thấy một chỗ đậu xe tốt. Đó là động lực. Đến sớm cũng chứng tỏ bạn là người sống có kế hoạch, đáng tin, bạn coi trọng cuộc gặp hoặc trải nghiệm này”, Somia nói.
Nhật Minh (Theo Metro)