Năm 2007, bức ảnh Yu Yanqia, 8 tuổi, tươi cười ôm cáp treo vượt sông đi học lan khắp Trung Quốc, đánh dấu sự thay đổi của đời cô bé và cả ngôi làng.
Hồi đó, một nhà báo bắt gặp Yu Yanqia, người dân tộc thiểu số Lisu, thuộc vùng tự trị dân tộc Lật Túc Nộ Giang, Vân Nam, trượt trên sợi cáp thép gắn trên vách đá để qua sông Nữ Giang tới trường. Nhà báo chụp lại cảnh đó, còn Yu kể về trải nghiệm của mình.
“Cháu có thể cảm nhận được tiếng gió bên tai, dòng sông ầm ầm bên dưới và nhịp tim đập nhanh của mình”, Yu nói. Làng cô bé bị ngăn cách với thế giới bên ngoài bởi dòng Nữ Giang. Trẻ muốn tới trường, người lớn muốn rời làng phải đu cáp qua sông.
Bức ảnh lan khắp Trung Quốc. Một sáng kiến gây quỹ trên toàn quốc được thành lập ngay sau đó. Tiền quyên góp giúp ngôi làng nghèo khó của Yu Yanqia có cây cầu qua sông vào năm sau. Yu và những đứa trẻ địa phương không còn phải liều mạng hàng ngày để có con chữ.
Không những thế, năm 2011, chính quyền địa phương khởi động dự án “thay cáp thành cầu”. Hơn 40 dây cáp thép đã được dỡ bỏ, thay bằng 36 cây cầu bắc qua sông Nữ Giang và hai con sông khác trong tỉnh. Nhờ xóa đói giảm nghèo, những ngôi nhà mới được xây dựng ven sông, những con đường vào làng của Yu dần hình thành.
Yu được đến thủ đô Bắc Kinh và thành phố lớn Côn Minh bằng tiền quyên góp của những người từ thiện. “Nó như một ngọn đèn thắp sáng con đường tăm tối trong cuộc đời tôi, khiến tôi chăm chỉ học hành hơn”, cô kể.
Năm 2018, Yu đậu Đại học Y Côn Minh, trở thành đứa trẻ đầu tiên trong làng học đại học.
Tháng trước, Yu nhận bằng tốt nghiệp. Cô từ chối ở hội việc làm ở nơi khác để về Bệnh viện nhân dân Nữ Giang, gần nhà, làm việc.
Yu hy vọng cùng với các nhân viên y tế ở bệnh viện Nhân dân Nữ Giang, cô sẽ đóng góp cho sự phát triển của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở quê hương.
“Trong suốt chặng đường học tập, tôi đã được nhận sự giúp đỡ của rất nhiều người. Khoảnh khắc trở thành sinh viên đại học, tôi đã tự nhủ sẽ đền đáp bằng cách cống hiến hết mình cho quê hương”, cô nói.
Nhật Minh (Theo SCMP)