TP HCMNăm 18 tuổi, trước khi rời làng trẻ SOS, Phong cầm tập hồ sơ về mình và lúc này mới biết tên, ngày sinh lẫn ngày giỗ của mẹ và nơi mình sinh ra.
Nhìn thấy tên cha là Lê Hoàng Thái, mẹ là Kiều Thị Vân, nước mắt Phong trào ra, hai tay run run.
“Ở làng trẻ, nhiều người không có tên. Mọi người dùng tên do các mẹ trong làng đặt. Tôi cứ nghĩ tên mình cũng thế, nhưng nhìn họ tên cha, tôi tin tên Lê Hoàng Phong là cha mẹ đặt cho mình”, chàng trai 30 tuổi nói.
Trong hồ sơ, cha Phong sinh năm 1939, không rõ ngày mất. Mẹ anh sinh năm 1946, mất ngày 2/10/1992 vì bệnh nặng, sau khi sinh Phong 23 ngày. Công văn Hội Phụ nữ tỉnh Tây Ninh gửi làng trẻ SOS Gò Vấp (TP HCM) cho biết, Phong sinh ra tại ấp 4, xã Suối Ngô, huyện Tân Châu.
Cậu bé được một cán bộ phụ nữ ấp tên Bùi Thị Nghĩa nhận nuôi. Tuy nhiên, vì nhà chị Nghĩa nghèo, người trong thôn phải thay nhau đùm bọc đứa trẻ. “Việc đùm bọc, nuôi dưỡng cháu Phong thời gian qua là cả sự cố gắng của chị Nghĩa và người dân ấp 4”, công văn viết.
Theo trí nhớ của bà Nguyễn Thị Hạnh, 72 tuổi, mẹ nuôi Phong ở làng trẻ, năm 1993, đứa trẻ đến làng lúc 5 tháng tuổi, kèm giấy khai sinh. Anh công an trao Phong cho làng trẻ nói, trên Phong còn một người anh bị mù, hơn 3-4 tuổi. Nhưng hiện tại, chẳng ai biết người anh còn hay mất.
Cha mẹ Phong ở miền Bắc, vào Nam lập nghiệp, không có tin tức về quê hương, dòng họ. Vì không người thân, ngày bé, mỗi lúc nhức đầu, đau bụng, Phong hay làm nũng mẹ Hạnh và các anh chị trong nhà để được mọi người quan tâm hơn. Anh xem bà Hạnh là mẹ, làng trẻ là gia đình, chưa từng có ý niệm về ruột thịt, dòng họ.
“Nhưng rời làng trẻ, biết chút ít về mình, tôi khao khát nguồn cội. Không còn mẹ Hạnh và anh chị ở bên, khoảng trống trong lòng tôi vừa rộng, vừa sâu hơn”, anh nói. Biết ngày mẹ mất, giỗ bà, Phong mua cốc cà phê, ít hoa quả, đặt lên bàn trong phòng trọ khấn. Anh hay nhẩm trong miệng “Thái, Phong, Vân”, là tên của mình và cha mẹ, rồi cầu nguyện tìm được anh trai.
Một lần, Phong công tác ở Tây Ninh, phải nhập viện vì sốt xuất huyết. Một người bạn đưa anh vào viện rồi về. Khi bác sĩ hỏi “Người nhà của Lê Hoàng Phong đâu?”, Phong chợt hoảng hốt. “Mẹ Hạnh đã già yếu, theo lẽ tự nhiên sẽ đi trước tôi. Người yêu chưa có, gia đình, họ hàng cũng không. Vậy nếu một ngày tôi chết đi, có ai ở bên cạnh?”, anh kể. Kể từ giây phút đó, ước muốn tìm gia đình sục sôi trong lòng chàng trai trẻ.
Năm 2017, Lê Hoàng Phong theo học thạc sĩ ngành Lãnh đạo giáo dục ở Malaysia. Học giữa chừng, Phong biết đến chương trình Teach For Vietnam, thuộc mạng lưới Teach For All toàn cầu đang tuyển giáo viên dạy tiếng Anh ở Tây Ninh, anh bảo lưu việc học, trở về Việt Nam tham gia.
“Một trong những lý do tôi chọn về Tây Ninh là tìm họ hàng. Thời gian công tác ở đây, tôi đã hỏi các thầy cô, cán bộ, nhưng không có thông tin”, Lê Hoàng Phong nói.
Hầu hết cán bộ tỉnh Tây Ninh khi đó đều biết câu chuyện của một thầy giáo tiếng Anh mồ côi, mong ước tìm gia đình. “Nghe hoàn cảnh của Phong tôi rất thương và xúc động. Muốn giúp, nhưng cậu ấy nói các đầu mối trực tiếp liên quan như chính quyền, Hội phụ nữ, bà con địa phương… Phong đã dò hỏi mà không có manh mối”, ông Trần Hữu Hậu, nguyên ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Tây Ninh, Bí thư Thành ủy TP Tây Ninh, nhớ lại.
Có lần, đi dự buổi gặp mặt ở tỉnh ủy, một lãnh đạo hứa giới thiệu Phong với một chương trình tìm người thân trên truyền hình. Khi có cơ hội lớn nhất, Phong lại chần chừ. Lúc đó, thu nhập của anh giáo viên tiếng Anh chỉ hơn 8 triệu đồng, Phong sợ nếu tìm thấy anh ruột, chẳng thể bảo bọc nhau. “Vậy đoàn tụ cũng vô nghĩa”, anh nói.
Thay vì lên truyền hình tìm, những năm tuổi trẻ, Phong lao vào học tập, nỗ lực khẳng định bản thân để báo hiếu mẹ nuôi và đủ tự tin kinh tế khi cơ may đoàn tụ đến. Gặp những người khiếm thị mưu sinh, anh tặng chút tiền, dịp Tết tặng quà cho Hội người mù để bớt nặng lòng khi nghĩ đến anh trai.
Cuối 2021, anh là một trong bốn thủ lĩnh trẻ tương lai Việt Nam được lựa chọn vào chương trình kết nối các nhà lãnh đạo tương lai (Future Leaders Connect Program) của Hội đồng Anh. Chương trình có sự tham gia của 63 bạn trẻ đến từ 13 quốc gia, được lựa chọn từ hơn 9.000 hồ sơ xuất sắc nhất trên toàn thế giới.
Hiện tại, Phong là nhà sáng lập và giám đốc điều hành một doanh nghiệp xã hội, cung cấp các khóa học tiếng Anh tại TP HCM.
Cuộc đời chàng trai mồ côi như sang một trang mới, nhưng dịp lễ Tết, anh vẫn chẳng có nơi nào để về, ngoài quê mẹ nuôi ở Củ Chi. Đi khắp nơi trên thế giới, nhưng Phong chưa một lần được người thân tiễn hay đón ở sân bay, điều giản đơn với tất cả người bình thường.
Anh dành tâm huyết cho các học viên, như một người thầy, một người bạn, mong kết thân với nhiều người không chung ruột thịt.
Ước mong của Phong là những người họ hàng, biết tên cha mẹ mình sẽ kết nối với anh. Được đặt chân lên quê hương, thắp nén nhang lên bàn thờ gia tộc là điều cả đời Phong khao khát. Chàng trai cũng hy vọng anh ruột còn sống, để dựa vào nhau.
“Nếu chẳng may ốm đau, bác sĩ hỏi người thân đâu, tôi có thể tự tin gọi tên anh hoặc một người họ hàng nào đó”, chàng trai nói trong khi đang nằm sốt trong một khách sạn ở Mỹ khi đang tham gia chương trình Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á của Mỹ, nói.
Phạm Nga