Thay vì xếp hàng nhận cơm như mọi ngày, trưa 30/12, bà Tuyết, quê Thanh Hóa nhận hộp bánh cuốn đầy ắp và một phần quà từ quán Yên Vui.
Anh Nguyễn Cao Sơn, chủ quán cho biết, đây là 500 suất bánh cuốn Thanh Trì nhằm đổi bữa ngày cuối năm cho khách hàng là bệnh nhân ung thư đang điều trị tại Bệnh viện K cơ sở Tân Triều, giúp họ ngon miệng và hồi sức sau những đợt điều trị dài. Những suất bánh với đầy đủ giò, chả, rau thơm và nước chấm, dưa góp đúng vị được chuẩn bị và đóng hộp ngay trước giờ phát, giữ được hương vị tươi ngon. Ngay sau khi đóng gói, bánh được vận chuyển đi khắp các khu trọ xung quanh bệnh viện K Tân Triều để tặng cho những gia đình bệnh nhân.
Quán Yên Vui có hai cơ sở ở Hà Nội, trung bình mỗi ngày bán 500 suất cơm 1.000 – 2.000 đồng cho người dân. Khác với cơ sở Đống Đa, nơi tập trung nhiều lao động tự do, người vô gia cư, cơ sở Tân Triều tập trung bệnh nhân và người nhà bệnh nhân ung thư. Tại đây, họ phải vật lộn với bệnh tật trong những căn phòng trọ với giá trung bình khoảng 100.000 đồng mỗi ngày. Mỗi suất cơm bình dân, giá thấp nhất 20.000 đồng vẫn là cao với những gia đình. Việc quán lấy tiền 1.000 đến 2.000 đồng chỉ là giá tượng trưng để mọi người thấy họ đang bỏ tiền ra mua cơm và ăn trong tâm trạng thoải mái, vui vẻ.
Tay phải cầm hộp bánh, tay trái xách túi quà, gồm bánh, sữa, khẩu trang, bà Nguyễn Thị Tuyết thoăn thoắt bước về nhà trọ sâu trong con ngõ ở gần Bệnh viện K. “Ông nhà tôi mới truyền về đang nhạt miệng, có món này hy vọng ông ấy ăn được nhiều hơn”, bà nói.
Mười tháng qua, người phụ nữ lục tuần bám trụ lại thành phố, chăm chồng bị ung thư trực tràng. Ngày ngày đưa chồng đi viện và giãn cách không kiếm được việc làm, bà chỉ còn biết chắt chiu những đồng tiền con cháu ở quê gửi ra. “Những suất cơm từ thiện đã giúp tôi tiết kiệm được phần nào số tiền ít ỏi để chữa bệnh cho chồng”, bà nói cảm ơn, đồng thời giọng chùng xuống khi chia sẻ Tết này chưa biết có thể về được quê không.
Ông Nguyễn Thế Hải quê ở Tứ Kỳ, Hải Dương mới lên Hà Nội gần một tháng để khám ung thư dạ dày. Ban đầu nhận cơm ông thấy ngại, sau mới biết quán đã bán cơm 2.000 đồng quanh năm nên ông vui vẻ đến nhận. “Hôm nay lại có quà thế này làm tôi cảm thấy ấm áp hơn khi phải xa nhà chữa bệnh”, ông nói.
“Ông nhà tôi rất thích ăn cơm của quán Yên Vui vì sạch và ngon, nên tôi thường tìm đến quán để mua. Có một thùng để bỏ vào đó 1.000 đồng đến 2.000 đồng, có người không bỏ cũng không sao”, bà Ngân, người cũng đang chăm chồng ở viện K nói.
Chỉ riêng trong ngõ 15, đối diện bệnh viện K, anh Sơn và các tình nguyện viên luôn mang cơm tận phòng trọ để tặng cho anh Lò Văn Thee chăm vợ Lò Thị Tuyết bị ung thư vú và tử cung. Cặp vợ chồng quê Điện Biên đã phải vay mượn 200 triệu đồng chữa bệnh. Hay như hai mẹ con cô bé Nguyễn Thị Hương, 17 tuổi, ở Hải Phòng. Người mẹ bị AIDS và u vùng bụng, trong khi Hương bị khối u to ở vai.
Anh Sơn cho biết, hoạt động của quán đã nhận lại rất nhiều tình cảm và sự ủng hộ từ chính những người bệnh. Không ít người nhà bệnh nhân đã đóng góp thực phẩm và tiền bạc, để mang những suất cơm, phở, bánh ngon, sạch và đầy yêu thương đến với nhiều cảnh đời hơn.
Hai cơ sở quán Yên Vui tại Hà Nội, nằm trong chuỗi cơm Yên Vui và Nụ Cười, ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM do quỹ từ thiện Bông sen tài trợ. Quán ở Trần Quý Cáp (Đống Đa) mở cuối năm 2020, còn ở Tân Triều mở giữa cao điểm dịch tháng 6/2021. Suốt hai tháng Hà Nội giãn cách, hàng vạn suất cơm miễn phí, 3.000 suất nhu yếu phẩm và hàng trăm tấn rau đã được quán Tân Triều gửi tặng đến đồng bào khó khăn, người dân trong khu cách ly.
Phan Dương