Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Hai mẹ con bỏ phố về biển dọn rác

Hai mẹ con bỏ phố về biển dọn rác Thông tin
Rate this post

Khánh HòaNửa năm nay, cứ 5h sáng người dân thôn Bình Lập lại thấy chị Thiên Bình, người phụ nữ Hà Nội mới chuyển đến, lặng lẽ cầm cào ra bãi biển nhặt rác.

Chị Bình kể, ngày mới đến đây hồi đầu năm đã rất ngạc nhiên khi thấy mặt biển trước thôn bị phủ kín bởi rác thải nhựa. Dân trong vùng ví chúng giống tấm thảm rác khổng lồ, ngập ngụa, níu chân ngư dân mỗi khi lội ra nơi tàu thuyền neo đậu.

“Vịnh Cam Ranh là vùng nuôi thủy sản lồng bè nên mỗi ngày có hàng trăm bao nhựa đựng thức ăn cho cá, rác thải gia đình xả thẳng xuống biển. Chúng theo gió, mắc cạn tại các bờ biển rất mất mỹ quan”, người phụ nữ 41 tuổi nói.

Không chịu được cảnh này, chỉ vài ngày sau khi “bỏ phố về biển”, chị Bình rủ con trai sáng sáng đi nhặt rác, đốt và chôn xuống đất, bởi xã chưa có bãi rác, đơn vị thu gom và xử lý chuyên nghiệp.

Hai mẹ con bỏ phố về biển dọn rác Thông tin

Chị Thiên Bình cùng con trai 12 tuổi trong buổi dọn rác ở bãi biển trước thôn Bình Lập, tháng 6/2022. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tháng 6/2021, chị Thiên Bình và con trai 12 tuổi từ Hà Nội đến Phú Quốc, thuê nhà trên núi Hàm Ninh ở để giải tỏa căng thẳng sau thời gian ở nhà vì Covid-19.

Được hít thở không khí trong lành, đầu óc thư thái, sức khỏe cải thiện, con trai trở nên vui vẻ, thoải mái chia sẻ cảm xúc với mẹ, chị Bình bắt đầu suy nghĩ “bỏ phố về biển”.

Sau 6 tháng ở Phú Quốc, đầu năm nay, mẹ con chị Bình chuyển đến thôn Bình Lập, xã Cam Lập (TP Cam Ranh) nơi nổi danh với làn nước trong xanh, bãi cát trắng trải dài, phong cảnh hoang sơ, để sinh sống, mong có trải nghiệm mới.

“Nhưng ô nhiễm mỗi trường là điều đầu tiên tôi thấy. Toàn xã Cam Lập có hơn 300 hộ, gần 700 người với tổng diện tích hơn 21 km2 mà không có một điểm tập kết và xử lý rác thải”, chị Bình nói. Tất cả rác thải từ lồng bè nuôi tôm, túi nilon, chai lọ được xử lý bằng cách thuê người gom, sau tẩm xăng và đốt ngay trên bãi biển hoặc để trôi nổi tự do, dạt vào các bãi cát, ghềnh đá.

Không chịu được cảnh cả vùng biển xanh thẳm, nay la liệt rác cùng mùi hôi thối của xác cá dạt vào bờ, mẹ con chị Bình cùng một người bạn tự dọn rác quanh nơi sinh sống, sau mang về đốt và chôn ở vườn nhà. Dọn sạch vài hôm, rác từ các nơi khác lại trôi về, ba người tiếp tục phơi mình dưới nắng để vớt và đốt rác, nhưng chưa từng có ý định bỏ cuộc.

Hai mẹ con bỏ phố về biển dọn rác Thông tin

Một bãi rác tự hình thành trên biển bởi nhiều vỏ chai nhựa, túi nilon dạt vào bờ ở xã Cam Lập hôm 15/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thấy người mới chuyển đến cặm cụi nhặt rác, vận động từng hộ không xả thải ra biển, hướng dẫn cách xử lý an toàn, không ít người nói chị Bình rảnh rỗi, khùng, thích lo chuyện bao đồng bởi đó là trách nhiệm của chính quyền. Nhưng cũng có người thấy thương, cùng ra dọn.

“Cứ hô hào mọi người phải bảo vệ môi trường nhưng chính mình không hành động thì ai tin. Tôi hy vọng mọi người thay đổi nhận thức, cùng dọn sạch rác thải ven biển Cam Lập và xa hơn là các tỉnh lân cận”, chị Bình nói.

Muốn nhiều người biết và cùng hành động, giữa tháng 6, chị Bình lập nhóm “Touch Blue” với hàm ý “chạm tay vào màu xanh, chạm tay vào biển”. Sau hơn một tháng thành lập, nhóm có gần 400 thành viên, gồm mẹ con chị Bình, ngư dân trong thôn và người quan tâm đến môi trường biển trên khắp cả nước.

Ngoài hoạt động nhặt rác hàng ngày với 5-6 thành viên chủ chốt, chị Bình cũng tổ chức chương trình dọn rác kết hợp với nghỉ dưỡng cho người lớn và trẻ nhỏ ở các tỉnh vào cuối tuần. Mới đây, vào hai ngày 23-24/7, hơn 20 người ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Nha Trang và Hà Nội đã về mũi Ca Dao, thôn Bình Lập để dọn rác.

Anh Nguyễn Minh Đức, 47 tuổi, quản lý của nhóm “Bỏ phố về biển” trên mạng xã hội cho biết, ô nhiễm môi trường biển là một vấn đề nhức nhối, cần được quan tâm. Không chỉ người yêu thiên nhiên, mà những người bỏ phố về biển cũng dần thay đổi nhận thức bảo vệ môi trường. Chị Bình là một trong số ít người có hoạt động cụ thể và thiết thực nhất. Một số thành viên trong nhóm cũng chủ động đến Cam Lập dọn rác, số khác bắt đầu làm sạch ở vùng biển mình đang sinh sống.

“Nhóm còn mới, hoạt động tại các điểm nhỏ lẻ có nguy cơ như ‘muối bỏ bể’ nếu không có kế hoạch cụ thể, dài lâu. Nhưng nếu tập hợp thành một khối, xây dựng mạng lưới bảo vệ đường biển ở tất cả các tỉnh trên cả nước, chắc chắn tình trạng ô nhiễm môi trường được cải thiện”, anh Đức nói.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, chủ tịch UBND xã Cam Lập, cho biết nhóm của chị Thiên Bình mới thành lập, nhưng đã hỗ trợ, cải thiện môi trường biển, trong điều kiện địa phương chưa có nơi tập kết và thu gom rác thải chung. “Hoạt động của nhóm vừa kịp thời, cần thiết mà còn tạo ra nét sống văn minh cho những người dân địa phương. Đây cũng là lần đầu tiên một người dân mới chuyển đến địa phương nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và bắt tay thực hiện”, ông Mỹ nói.

Hiện UBND xã đã có phương án thu gom rác và trình thành phố phê duyệt. Khi có phương án cụ thể chính quyền địa phương sẽ phối hợp cùng nhóm, các đơn vị kinh doanh du lịch tổ chức thu gom và đưa rác về nơi xử lý tiêu chuẩn, đảm bảo cuộc sống cho bà con.

Hai mẹ con bỏ phố về biển dọn rác Thông tin

Những thành viên trong nhóm Touch Blue dọn rác tại Mũi Ca Dao, thôn Bình Lập, xã Cam Lập, hôm 10/7. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sau vài tháng, chị Bình chia sẻ nhiều bãi biển, ghềnh đá ngập rác ở Cam Lập trở nên sạch, thoáng đãng. Những bãi cát trắng dần hiện ra, biển xanh hơn, người nuôi tôm bắt đầu có ý thức thu gom rác. Song hành cùng việc nâng cao nhận thức của người dân, “Touch Blue” dự định mua máy ép nhựa, nilon để xử lý rác lượng rác được thu gom và đem bán cho những đơn vị tái chế. Tiền thu về sẽ tiếp tục sử dụng cho những hoạt động bảo vệ môi trường biển.

“Biển nước mình rất đẹp, tôi mong muốn có thêm nhiều bàn tay cùng góp sức bảo vệ, làm sạch bờ biển dọc Việt Nam không chỉ riêng Cam Ranh”, chị Thiên Bình nói.

Một số hoạt động dọn rác của mẹ con chị Thiên Bình cùng các thành viên Touch Blue.

Quỳnh Nguyễn

Hoa tiền