Food tour tại Hải Phòng, ngắm tam giác mạch ở Mộc Châu, cắm trại ở hồ Dầu Tiếng… là gợi ý của tuần này.
Cuối tuần này, miền Bắc kết thúc đợt mưa rét kéo dài, miền Nam nắng ấm, khô ráo, thích hợp để du khách khám phá ẩm thực và tham gia các hoạt động ngoài trời.
Thưởng thức ẩm thực Địa Trung Hải ở Hà Nội
Nếu muốn đổi gió ngay giữa lòng thủ đô mà không cần đi xa, bạn có thể ghé thăm nhà hàng Kalí bên hồ Tây. Nhà hàng được thiết kế theo phong cách Địa Trung Hải, tông màu trắng – xanh chủ đạo, liên tưởng tới đảo Santorini và Mykonos của Hy Lạp. Điểm nhấn của nhà hàng là bể bơi cạn giữa phòng, nơi thực khách có thể cởi giày và tận hưởng cảm giác nghỉ dưỡng trên đệm ngồi, nhâm nhi cà phê hoặc cocktail.
Menu đồ ăn có những món đặc trưng của ẩm thực Địa Trung Hải, với các biến tấu từ bánh pita. Tên món được đặt tên theo thần thoại Hy Lạp như Zeus (thần sấm), Poseidon (thần biển), Hades (thần địa ngục)… Giá cho mỗi suất ăn từ 100.000 đồng, đồ uống từ 30.000 đồng.
Địa chỉ: 102 Quảng An, Hà Nội
Đi food tour tại Hải Phòng
Cầu Rào 1 thông xe từ 25/1, giúp du khách đi thẳng từ trung tâm Hải Phòng đến Đồ Sơn nhanh hơn. Quán ốc Thủy Dương ngay gần chân cầu Rào 1 là địa chỉ nổi tiếng, với nhiều loại ốc, nước sốt đặc trưng. Trong đó, bạn nên thử ốc hương sốt bơ hoặc trứng muối.
Bánh mì cay, chè Thái ở 37 Đinh Tiên Hoàng ngay gần Nhà hát lớn có thể là điểm đến tiếp theo. Trên tuyến đường này còn có trà cúc cô Lý. Một số quán trà cúc khác ở Hải Phòng tập trung ở phố Phan Bội Châu và Minh Khai, có phục vụ hạt hướng dương rang muối, nóng hổi khi đem đến tận bàn. Nếu không ngại đồ lạnh, bạn có thể thử thêm cà phê cốt dừa và dừa dầm cô Hạnh ở 102 Lam Sơn.
Từ Hà Nội, du khách di chuyển tới Hải Phòng bằng ôtô theo cao tốc 5B, khoảng 120 km.
Ngắm tam giác mạch ở Mộc Châu
Nếu không kịp ngắm tam giác mạch vào tháng 10 hay 11 ở Hà Giang, bạn có thể chọn Mộc Châu là điểm để thưởng thức vẻ đẹp của loài hoa này ngay giữa mùa xuân. Đây gần như là cơ hội cuối trước khi phải đợi đến cuối năm để tiếp tục ngắm tam giác mạch. Hoa được bà con đem từ Hà Giang về gieo trồng kỳ công. Vườn hoa này nằm ngay trên mặt đường hướng từ Hà Nội đến Mộc Châu nên dễ tìm. Hoa sẽ tàn sau khoảng 2 tuần nữa.
Vườn hoa được cắt tỉa hình trái tim. Trong vườn bày nhiều tiểu cảnh như xích đu, chòi nghỉ phục vụ khách “sống ảo”. Sau khi ghé xem hoa tam giác mạch, đừng quên check-in với cung đường chữ S trên đường tới Mộc Châu. Tại Mộc Châu, có thể thưởng thức lẩu sữa tươi, dâu tây và các món ẩm thực Tây Bắc đặc sắc.
Địa chỉ: Vườn tam giác mạch, AH13, Lóng Luông, Mộc Châu, Sơn La. Khoảng cách từ Hà Nội đến Mộc Châu khoảng 200 km, qua Xuân Mai, đi theo quốc lộ 6, đèo Thung Khe qua ngã ba Mai Châu – Mộc Châu.
Check-in góc Thái Lan giữa lòng Đà Lạt
Nếu đã quá quen với các đặc sản của Đà Lạt thì Yam – Chiangmai in Dalat là lựa chọn giúp bạn có một ngày “đổi gió”. Đây là một nhà hàng, quán cà phê có kiến trúc độc đáo với nhiều góc chụp ảnh cho du khách mọi lứa tuổi.
Vào ban ngày, Yam là quán cà phê xinh xắn, còn sau 17h nơi này trở thành quán ăn Thái phục vụ nhiều món ngon. Khuôn viên quán được bao bọc bởi một bức tường màu than đen mộc mạc nhưng bước vào bên trong là vườn, nhà, cầu thang thép cùng không gian cây xanh tạo cảm giác như bước đến Chiang Mai. Thực đơn quán cũng rất đa dạng từ đồ uống đến đồ ăn, du khách có thể thưởng thức hầu hết các món Thái nổi tiếng như pad tôm, son tam, yam khai, cari tôm, lẩu…
Địa chỉ: số 286, Hai Bà Trưng, phường 6, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng
Cắm trại hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh
Cách TP HCM khoảng 90 km và Tây Ninh hơn 20 km, hồ Dầu Tiếng là điểm cắm trại cuối tuần phù hợp cho các nhóm bạn, gia đình nhỏ muốn tìm không gian xanh nhưng ngại đi xa. Hồ nước nhân tạo có cảnh quan hữu tình với bãi cỏ, mặt hồ rộng, bao quanh là núi non trùng điệp. Thời gian lý tưởng để cắm trại ở hồ Dầu Tiếng là vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.
Ban ngày trời nắng đẹp, đến Dầu Tiếng du khách có thể chèo thuyền, tắm hồ, câu cá, ăn bình minh, hoàng hôn, ngắm núi Bà Đen. Đêm xuống là lúc cắm trại quây quần bên bếp nướng, đốt lửa trại cùng bạn bè, gia đình.
Từ TP HCM du khách đi bằng ôtô hoặc xe máy cá nhân trong khoảng 1,5 tiếng sẽ tới hồ theo hướng: QL13 – ngã ba Suối Giữa, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương – rẽ đường Nguyễn Chí Thanh – ĐT744 – rẽ đường Cách Mạng Tháng 8 nối liền Trần Văn Lắc – rẽ vào ĐT702, men theo đường này sẽ tới hồ Dầu Tiếng.
Trung Nghĩa – Khánh Trần