TP HCMHai mươi năm lăn lộn trong nam ngoài bắc, vô số lần khởi nghiệp thất bại, Mạc Như Nhân không ngờ mình lại gây dựng được cơ nghiệp từ những miếng xơ mướp bỏ đi.
Năm 2000, chàng trai 20 tuổi Mạc Như Nhân từ Gia Lai ra Hà Nội làm trông xe, phụ quán ăn. Bạn cùng trọ thấy khéo tay, xui anh đi làm nghề mộc “cho lương cao”. Nhân xin vào làm một cửa hàng đồ gỗ trên phố Bạch Mai. Sau ba năm, khi có kinh nghiệm và chút vốn, anh nhận thầu các công trình dân dụng rồi chuyển sang buôn đồ gỗ. Đang lúc kiếm được, chàng trai Gia Lai bất ngờ bỏ về quê. “Tôi không hạnh phúc và tìm thấy giá trị trong công việc”, anh nói với bạn.
Trở lại Gia Lai sau 8 năm bôn ba ở thủ đô, Nhân mở công ty sản xuất cà phê sạch với quyết tâm “phải sản xuất ra sản phẩm, không thể mãi làm con buôn”. Nhưng lần khởi nghiệp này, anh chỉ cầm cự được một năm rồi phá sản vì vị cà phê khác lạ, giá đắt nên không ai mua.
Chán chường, Nhân vào Sài Gòn làm đủ nghề từ cò đất đến bán phở… cho đến khi lập gia đình. Năm 2012, vì không tìm thấy món quà ưng ý tặng sinh nhật vợ, anh tự làm một chiếc ví từ xơ mướp. Nhận quà, người vợ thốt lên: “Sao đẹp vậy. Chúng ta có thể khởi nghiệp từ sản phẩm này”.
Mười năm sau, mỗi tháng xưởng sản xuất xơ mướp của Mạc Như Nhân cho ra đời 50.000 sản phẩm như miếng rửa chén, cọ chén, bông tắm… xuất đi nhiều nước trên thế giới. Doanh thu có tháng lên đến cả tỷ đồng.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên Mạc Như Nhân muốn làm một thứ gì đó “từ A-Z là của người Việt”. Năm 16 tuổi, đi qua Quảng Trị được dân địa phương tặng cho đĩa râu mực, cậu bé hỏi ra mới biết, thân mực mang xuất khẩu, râu mực bỏ lại bà con ăn. “Tại sao toàn mang nguyên liệu tốt xuất khẩu, rồi mua lại sản phẩm hoàn thiện với giá cao?”, Nhân thắc mắc rồi tự nhủ, sau này phải làm ra sản phẩm 100% của người Việt.
Thời đó, tình cờ phụ mẹ cắt xơ mướp làm giẻ rửa bát, thấy sợi xơ đan vào nhau đều, đẹp, Nhân nảy ý định làm kẹp tóc. Anh mua khung, tự cắt dán thành chiếc cặp hình cây đàn tặng bạn cùng lớp. Thấy mọi người thích thú, lúc rảnh Nhân lại lôi xơ mướp ra chế tác, bán cho cửa hàng lưu niệm.
Tốt nghiệp phổ thông, thấy xung quanh nhà có nhiều tre, nhưng mọi người chỉ đào măng ăn, chàng trai 18 tuổi lấy tiền tiết kiệm từ bán xơ mướp quyết khởi nghiệp. Anh cùng bạn thuê một xưởng tự sản xuất đồ mỹ nghệ từ tre. Những năm đó, Internet chưa phát triển, không có sẵn mẫu mã cũng như thông số kỹ thuật, hai người làm theo hình dung trong đầu, sai đâu sửa đó. Chiếc ghế tre đầu tiên ra đời nhưng không thể ngồi vì… quá cao.
Để sửa sai, Nhân đến quán cà phê đo kích thước bàn ghế cả buổi dù bị chủ quán lườm “cháy mặt”. Kể từ đó, những sản phẩm từ tre khác như lọ hoa, đèn treo, ấm phích lần lượt ra đời và được nhiều người đón nhận. Nhưng chỉ một năm sau, chàng trai bị lừa, mất hết nhà xưởng, đành bỏ nghề rồi mở quán cà phê nhưng cũng không thành công. Thất bại liên tiếp, anh bỏ quê ra Hà Nội rồi Sài Gòn lập nghiệp cho đến khi được vợ gợi ý “sao không khởi nghiệp lần nữa với xơ mướp”.
Từ ý tưởng của vợ, giống như lần khởi nghiệp với tre, mọi thứ Nhân đều tự mày mò học hỏi. Anh thu gom xơ mướp ở quê, tự tay thiết kế sản phẩm, tìm kiếm vật tư, chế tạo máy móc…
Để duy trì cuộc sống gia đình cũng như nuôi nghề, Nhân làm nhiều việc cùng lúc như thợ mộc, thợ hàn. Ngày đi làm, tối thức đến 2-3 giờ sáng làm xơ mướp. Đầu bàn tay anh khi đó chi chít vết thương do kim đâm mỗi lúc buồn ngủ.
Khi số lượng sản phẩm và mẫu mã phong phú, hai vợ chồng quyết định mang đi chào hàng tại các hội chợ, triển lãm, bắt đầu từ năm 2014. Tại hội chợ đầu tiên, Nhân nhẩm tính, hàng ngàn người tham gia, chẳng nhẽ không bán nổi vài cái.
“Thế mà người tính không bằng trời tính, chẳng bán được cái nào thật”, anh nhớ lại.
Rất nhiều khách ghé qua, trầm trồ khen sản phẩm độc lạ nhưng không ai mua. “Tại sao khách khen mà vẫn không bán được?”, Nhân đặt câu hỏi và phát hiện cùng số tiền đó, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm cùng tính năng rẻ hơn, lại quen thuộc hơn. “Tôi thức trắng nhiều đêm để tìm cách phân bố lại nguyên liệu trong sản phẩm, quyết giảm giá thành”, anh kể.
Để thu hút khách chú ý tới gian hàng của mình, Nhân tìm tòi sản xuất thêm những sản phẩm bắt mắt như mũ, nón, giày dép… từ xơ mướp. Anh cũng chú trọng vào sản xuất những mặt hàng liên quan tới đồ bếp, phòng tắm… rồi kết hợp bán những sản phẩm phụ trợ như xà phòng, tinh dầu hay bồ hòn.
Nhân bắt đầu nhận được những đơn hàng lớn trong nước và xuất khẩu với mặt hàng chủ yếu là đồ gia dụng như miếng rửa chén, cọ ly, cọ nồi; sản phẩm sử dụng trong phòng tắm như bông tắm, chà lưng, tẩy tế bào chết.
Khởi điểm ban đầu xưởng chỉ có hai vợ chồng, 5 năm sau, Nhân tuyển hơn chục nhân viên, trả lương mỗi người từ 7 đến 9 triệu đồng một tháng.
Sau hai năm Covid-19 sản phẩm bán chậm, chưa kịp mừng khi sản xuất được khôi phục thì đầu tháng 2 năm nay, xưởng của Nhân bất ngờ bốc cháy. Cơ nghiệp và toàn bộ vốn liếng bao năm mất trắng. Đứng giữa làn khói đen ngùn ngụt, Nhân quay sang động viên vợ: “Quan trọng là người còn, của sẽ còn”.
Anh Nguyễn Thành Đạt, một công nhân của xưởng chia sẻ, sau vụ cháy, ông chủ bảo mọi người chủ động tìm việc khác vì không còn tiền trả công. “Nhưng ai cũng tình nguyện ở lại với hy vọng xây dựng lại xưởng”, Đạt kể. Thấy quyết tâm của mọi người, Nhân cũng quyết tâm “sẽ mở lại xưởng trong thời gian sớm nhất”.
Một tuần sau, từ số tiền vay mượn, anh lập một xưởng sản xuất mới ở quận 12, TP HCM. Tất cả máy móc và nguyên vật liệu đều vay nợ.
Hiện mọi quy trình sản xuất được Nhân chú trọng hơn, từ khâu chọn nguyên liệu, cắt may cho đến công tác phòng cháy. Dù mất trắng do trận hỏa hoạn nhưng khi khôi phục lại xưởng, đơn hàng vẫn tiếp tục tăng khiến ông chủ Nhân phải tăng số công nhân từ 12 lên 20 người. Anh dự tính, cuối năm nay, sẽ trả hết nợ.
Bà Trần Thị Hường, tổ trưởng tổ phụ nữ phường Thới An, quận 12 – nơi đặt xưởng sản xuất cũ của Nhân- cho biết thêm, đợt Covid-19 năm ngoái dù xưởng phải ngừng hoạt động, kinh tế khó khăn Nhân vẫn tham gia nhiệt tình công tác cứu trợ bà con khó khăn trong phường và được bà con quý mến.
Giờ, mỗi khi con gái Nhân được bạn bè hỏi bố làm nghề gì, cô bé đều trả lời: “Ba tớ buôn xơ mướp”. Dù thấy buồn cười với câu trả lời của con, nhưng ông bố 42 tuổi thực lòng muốn trở thành “nhà buôn” có tâm, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân mỗi khi bị thương lái ép giá.
“Nếu ai không bán được mướp, hãy để già và bán lại cho tôi”, ông chủ xưởng sản xuất xơ mướp khẳng định.
Hải Hiền