Trung QuốcHơn một triệu du học sinh về nước, trong bối cảnh nền kinh tế ảnh hưởng bởi đại dịch, khiến thị trường lao động nước này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.
Tại đất nước tỷ dân, hơn nửa mùa tuyển dụng 2022 đã qua nhưng người tìm việc vẫn khó khăn và ngay cả những du học sinh cũng cảm thấy áp lực. Trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp một người đi du học về than vãn không thể tìm được việc làm.
Thống kê trong năm 2021, lượng du học sinh về nước tìm việc lần đầu tiên vượt mốc một triệu người. Về phía cầu, các công ty lớn đang kêu gọi “thắt chặt hầu bao”, giảm chi phí, tăng hiệu quả, nên chỉ tiêu tuyển dụng ít. Ngoài ra, không ít du học sinh chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.
Yuzhe, 27 tuổi, ở Tây An, tốt nghiệp thạc sĩ ngành công nghệ thông tin ở Anh, về nước tháng 10/2021. Cô đã nộp hơn 20 hồ sơ ở Thượng Hải và nhận được hai cuộc gọi phỏng vấn, song cả hai đều là công ty nhỏ, đãi ngộ thấp nên Yuzhe không đi.
Mùa xuân này cô nộp hơn 100 hồ sơ tại quê nhà Tây An và được đi phỏng vấn gần 20 công ty, song vẫn chưa có hồi báo. “Tình hình việc làm trong những năm gần đây thực sự rất khó, các doanh nghiệp lớn rất ít chỉ tiêu tuyển dụng, trong khi doanh nghiệp nhỏ không mấy chào đón chúng tôi”, cô chia sẻ.
Yuzhen từng tham gia cuộc phỏng vấn nhóm cho một công ty Internet hàng đầu trong nước, có 9 ứng viên để chọn 4 người vào vòng cuối. Sau vòng giới thiệu bản thân, cô thấy mọi người đều có trình độ học vấn cao và kỹ năng tốt. Toàn bộ quá trình áp lực cao chưa từng có, cuối cùng người phỏng vấn hỏi cô: “Bạn đã đưa ra rất nhiều đề xuất, tại sao lại để những người khác làm phần tóm tắt cuối cùng?”, đồng thời yêu cầu cô nhận xét phần thể hiện của những người khác.
Mặc dù Yuzhen hiểu một chút về cách phỏng vấn ở công ty lớn, nhưng câu hỏi này khiến cô thấy căng thẳng. Không dám nhìn vào mắt những thí sinh khác nhưng cô buộc phải bày tỏ ý kiến loại bỏ ba ứng viên. Hiện cô đã vượt qua vòng thứ hai ở công ty này và đang chờ thông báo.
Yuzhen bộc bạch, ban đầu cô không đặt mục tiêu phải vào công ty lớn mà chú trọng đến việc được học hỏi, song khi phỏng vấn các công ty nhỏ, cô thấy bản thân không được coi trọng. Có lần cô phỏng vấn với một sinh viên trong nước mới tốt nghiệp. Người chủ hỏi: “Bạn mong đợi mức lương bao nhiêu?” và ứng viên này trả lời: “6.000 tệ (21,5 triệu đồng)”. Ngay lập tức họ nói: “Bạn có biết mức lương tối thiểu ở Tây An là bao nhiêu không?”. Cả Yuzhen và người kia đều cảm thấy bị coi thường vì lương tối thiểu chỉ 1.700 tệ (6,1 triệu đồng).
Yuzhen đồng ý rằng không nên so sánh chi phí du học với mức lương nhận được. Suy cho cùng du học không phải để nâng cao kiến thức hay kỹ năng mà nâng cao chất lượng tổng thể, bao gồm cả trí lực, khả năng chịu áp lực, tầm nhìn. “Vì thế tôi nghĩ số tiền bỏ ra là xứng đáng”, Yuzhen nói.
Ba năm trước, Zhang Lele, ở Bắc Kinh, cũng quyết định đi du học tại Anh sau khi có bằng đại học của một trường hạng 211 của Trung Quốc. Lúc mới tốt nghiệp năm 2020, anh đặt mục tiêu kiếm việc ở hai thành phố Bắc Kinh và Thượng Hải. Trải qua hơn 20 phỏng vấn lớn nhỏ, Zhang cảm nhận bằng du học không giúp mình có thêm điểm nào.
“Nhiều người trực tiếp nói nếu không phải tốt nghiệp trường hàng đầu của nước ngoài thì thà học ở trong nước còn hơn”, Zhang chia sẻ.
Anh nhận được 5 lời mời, hầu hết là nghiệp vụ marketing, không phải ngành công nghệ yêu thích, song cuối cùng vẫn chọn vào làm một nơi có lương cao nhất. Tuy nhiên sau khi vào làm, Zhang không bao giờ được nghỉ làm trước 8 giờ tối, thậm chí có cuộc họp lúc 10 giờ đêm. Sau nửa năm Zhang bỏ việc.
Từ lúc đó Zhang khó khăn xin việc và đến nay đã nghỉ hơn một năm. Ở thời điểm này, Zhang thấy rất khó để tìm được một công việc ở Trung Quốc nên đặt mục tiêu sẽ “gap year” trong một năm nữa và từ từ tìm việc.
Cũng từng nghĩ sẽ khó tìm việc trong nước nếu chỉ tốt nghiệp cử nhân điện ảnh – truyền hình, Lu Chi, 24 tuổi, Bắc Kinh đã bàn với bố mẹ đi du học. Tháng 10/2021, cô trở lại Trung Quốc để kịp đợt tuyển dụng mùa thu, song từ hai tháng trước đó đã tìm kiếm các thông tin tuyển dụng, với hy vọng sẽ kiếm được việc ngay khi ra khỏi khu cách ly.
Cô nộp hồ sơ vào lĩnh vực công nghệ và điện ảnh – truyền hình. Kết quả không có công ty công nghệ nào phản hồi và chỉ có hai công ty điện ảnh gọi phỏng vấn. May thay tháng 12, cô nhận được việc làm, với mức lương 8.000 tệ.
“Gia đình tôi không giàu có nên tôi định sẽ trả lại bố mẹ nửa triệu tệ chi phí du học trong thời gian tới. Nhưng với mức lương này, chưa trừ thuế, tôi sẽ phải chi tiêu tiết kiệm trong 5 năm tới mới trả được”, cô chia sẻ.
Dù vậy, Lu cho rằng, không nên đo lường du học hoàn toàn từ quan điểm tài chính. Đây là khoản đầu tư cha mẹ dành cho con cái, để con nhìn thấy thế giới rộng lớn hơn. “Du học ở Anh chỉ mất một năm, ngắn hơn nhiều ba năm ở Trung Quốc, giúp tôi đi làm sớm hơn”, cô nói. Bên cạnh đó, học ngành văn hóa ở nước ngoài, cô thấy mình có tầm nhìn sâu rộng hơn.
Còn Xu Shu, 26 tuổi, Bắc Kinh, từng theo học kinh doanh ở Mỹ, với học phí gần một triệu tệ. Ở đó Xu xuất sắc đỗ một dự án quốc tế, có một năm làm việc ở Mỹ và 1,5 năm ở Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi về nước làm năm 2018, Xu đã rời bỏ vị trí này chỉ sau 6 tháng vì thấy không phù hợp.
Trước đại dịch, cô vẫn kiếm được việc với mức lương 7.000 tệ, nhưng dịch bùng phát bị giảm mức lương. Ngành du lịch ngày càng sa sút nên sau đó Xu buộc phải nghỉ. Trong khoảng thời gian này, cô đã nộp rất nhiều hồ sơ cũng không khả quan, nên đã dự định bỏ ngành du lịch.
Hiện Xu tham gia một số dự án thiện nguyện ở Đại Lý, với rất nhiều trải nghiệm. Mỗi ngày cô vẫn có thu nhập từ công việc tự do khoảng 100 tệ. Mục tiêu trước mắt của cô vẫn là trải nghiệm, hơn là quay lại công việc.
“Ngày nay, việc đi du học là rất phổ biến. Nhiều người đi về lập nghiệp, nhưng nhiều người lấy chồng, sinh con, không đi làm. Tôi nghĩ bất kể tình huống nào cũng phải học cách dung hòa với chính mình”, cô chia sẻ.
Bảo Nhiên (Theo Sina)