Cần ThơCác doanh nghiệp trong khu vực cùng chuyên gia tìm cách đa dạng hoá sản phẩm du lịch, liên kết vùng, số hoá hoạt động… trong hội thảo du lịch ĐB SCL chiều nay.
Điều hành một doanh nghiệp lữ hành lâu năm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Hồng Hiếu, giám đốc Hieutour Co., Ltd nhận định, các sản phẩm du lịch của vùng đang trùng lắp và bão hòa, chưa đầu tư để tạo tầm ảnh hưởng quy mô lớn.
Đại diện doanh nghiệp này làm phép so sánh với một số thị trường du lịch như Phú Quốc và Đà Lạt. Theo đó, Đà Lạt có khí hậu ôn hoà, được thiên nhiên ưu đãi, nhiều điểm đến mới lạ, làm mới thường xuyên để thu hút khách du lịch thì tại Phú Quốc, rất nhiều tập đoàn lớn đổ về đây đầu tư.
“Trong khi đó, Đồng bằng Sông Cửu Long chưa có một điểm tham quan nào xứng tầm, tạo một nam châm thu hút lượng khách du lịch”, ông nhận định. Đại diện Hieutour Co., Ltd cũng chỉ ra thực trạng, nhiều doanh nghiệp mới, sẵn sàng cạnh tranh giá, làm tour giá rẻ, dẫn đến tình trạng “loạn giá”.
Du lịch được xác định là một trong những thế mạnh phát triển kinh tế của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐB SCL) nhờ nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, nhiều sản phẩm du lịch đặc thù và cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện.
Trong bối cảnh đại dịch đang dần được kiểm soát, ngành du lịch cả nước cũng như ĐB SCL đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ tháng 3, Việt Nam dần mở cửa hoạt động du lịch để đón khách quốc tế và tích cực thực hiện nhiều biện pháp để kích cầu du lịch nội địa. Đây vừa là cơ hội và cũng là những thách thức trên con đường phục hồi của ngành trong bối cảnh bình thường mới.
Bà Ngọc Trinh, Phó giám đốc công ty Mekong Travel chia sẻ, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp thời điểm này đến từ tìm nhân sự. “Thời điểm trong dịch, mọi người đã xin nghỉ hết, nhiều người đi tìm việc khác, làm ngành khác, không quay lại”, bà Trinh nói. Bên cạnh đó là doanh nghiệp cũng đối mặt bài toán về vốn, chi phí để tu sửa lại cơ sở vật chất, tàu thuyền.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, hội thảo “Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội để bứt phá” do Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – Chi nhánh Cần Thơ tổ chức. Độc giả quan tâm cũng có thể đăng ký dự trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Tại đây, các chuyên gia đầu ngành sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, mở rộng thị trường, liên kết nâng cao chất lượng và năng lực đáp ứng phục vụ của cơ sở vật chất, phát huy vai trò của công ty lữ hành trong kết nối các điểm tham quan, tạo lập hệ sinh thái du lịch trong khu vực và đa dạng hoá sản phẩm du lịch.
Hội thảo cũng sẽ thảo luận về các định hướng phát triển du lịch ĐB SCL trong mối liên kết với TP HCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam, chia sẻ cơ hội hợp tác, giới thiệu các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy liên kết chuỗi để phát triển các sản phẩm dịch vụ du lịch mới cho ĐB SCL và ứng dụng công nghệ phân tích định hướng các điểm đến du lịch.
Cũng tại hội thảo, Dự án IPSC cũng sẽ giới thiệu các hoạt động và gói hỗ trợ của dự án dành cho các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển trong lĩnh vực du lịch.
Phong Vân