Bà Rịa – Vũng Tàu3h30 sáng, nhóm của Anh Thư nín thở nhìn những chú rùa lớn từ dưới biển bò lên bãi cát.
Bãi biển ở Hòn Bảy Cạnh là một trong những điểm làm tổ quen thuộc của quần thể rùa Xanh (Chelonia mydas) tại Côn Đảo, nơi có số lượng rùa biển về đẻ trứng nhiều nhất Việt Nam. Đây là loài vật có tên trong sách đỏ, với tỉ lệ sống sót 1/1.000 sau khi chào đời. Muốn đến đây, du khách phải xin giấy phép tại Vườn quốc gia Côn Đảo hoặc đi theo tour.
Mùa sinh sản của rùa biển là khoảng tháng 4 đến tháng 10, cao điểm là tháng 7 đến tháng 9 hằng năm. Lê Hoàng Anh Thư, 24 tuổi, làm sự kiện tại TP HCM, mới đây đã có quãng thời gian trải nghiệm canh rùa đẻ và thả rùa con về biển tại Hòn Bảy Cạnh. Cô đi theo một đơn vị chuyên tổ chức tour du lịch trải nghiệm, cùng 11 người bạn khác.
Từ TP HCM, nhóm của Thư di chuyển 6 tiếng trên xe khách đến Sóc Trăng, đi tiếp 2,5 tiếng tàu cao tốc ra Côn Đảo, và thêm một hành trình ngắn nữa để cập bến Hòn Bảy Cạnh. “Nhóm mình gặp may vì biển êm, dù hôm trước đó còn mưa bão lớn. Do thời tiết không tốt nên chúng mình còn là nhóm duy nhất ngày hôm đó ra Hòn Bảy Cạnh”, Thư kể.
Tùy theo con nước, thời gian rùa mẹ lên bờ đẻ trứng dao động vào nửa đêm đến rạng sáng. 3h sáng, nhóm của Thư tụ tập ở bờ biển chờ rùa. Trước đó, họ được kiểm lâm dặn dò kỹ về những quy tắc quan sát rùa đẻ trứng. “Chúng mình được dặn chỉ quan sát, tuyệt đối không được chạm vào khi rùa đẻ, không chạm vào trứng rùa. Điện thoại phải tắt đèn flash, tắt âm thanh, đi chân trần trên cát, không làm ồn”, Thư cho hay.
Nửa tiếng sau, Thư phát hiện có một rùa mẹ lên bãi. Nhóm của cô chỉ được đứng từ xa nhìn. “Lúc đó trời còn tối, không được bật đèn, cả bọn nín thở, nhìn lờ mờ từ xa thấy những hòn đá đen to lớn chầm chậm bò lên bãi cát mà lòng cảm thấy hạnh phúc lạ lùng”, Thư bày tỏ. Họ chỉ có thể tiếp cận gần, bật đèn mờ lên quan sát khi rùa bắt đầu đẻ. “Rùa rất nhạy cảm với âm thanh, tiếng ồn, ánh sáng. Chỉ cần lúc đang bò lên hay chuẩn bị đẻ mà cảm thấy không an toàn, chúng sẽ bỏ về biển, ảnh hướng rất nhiều đến việc sinh sản”, cô lý giải.
Như Thư quan sát, mẹ rùa mất khoảng 15-20 phút đào một cái hố sâu chừng 50-70 cm, rồi rặn từng đợt để sinh trứng, có lúc phải dừng nghỉ vì mệt. Sau đó chúng sẽ mất thêm 20-35 phút nữa để lấp và ngụy trang hố, đảm bảo an toàn cho trứng. Hoàn thành trách nhiệm làm mẹ, chúng quay về biển. “Cho đến khi rùa con ra đời, chúng sẽ không quay trở lại nơi đã sinh trứng nữa”, Thư kể.
Mẹ rùa mà Thư quan sát hôm đó đẻ được hơn 100 trứng. Nói thêm về những quả trứng rùa, Thư cho biết: “Trứng rùa nhỏ, tròn đều. Vỏ trứng mỏng và mềm để quá trình rùa mẹ đẻ sẽ không làm vỡ khi trứng va vào nhau. Đây là trứng vô tính, bên trong chỉ có lòng trắng mà chưa hình thành lòng đỏ. Giới tính rùa con nở ra sẽ phụ thuộc vào nhiệt độ xung quanh. Nhiệt độ càng cao, tỷ lệ nở ra rùa cái sẽ càng lớn”.
4 tiếng sau khi ra khỏi bụng mẹ, trứng rùa sẽ không được phép di chuyển nữa. Vì vậy, kiểm lâm luôn túc trực để thực hiện hoạt động bảo tồn. Sau khi rùa mẹ trở về biển, họ đào hố lên, đưa trứng về bãi ấp. Ở bãi ấp có một khu trong bóng râm và một khu ngoài nắng, nhằm đảm bảo nhiệt độ để cân bằng giới tính rùa.
Sau đó, nhóm của Thư còn được trải nghiệm hoạt động thả rùa con về biển. Tuy nhiên họ không được chạm tay vào cơ thể rùa con. Thư lý giải: “Rùa biển nở ra sẽ lập tức được đem về biển thả. Do nhiệt độ cơ thể người cao, dễ gây bỏng nhiệt cho rùa con, nên các công đoạn bắt rùa con bỏ vào rổ đều được phía kiểm lâm làm. Họ dùng găng tay hoặc dụng cụ riêng”.
Rùa con sau đó sẽ được đưa trở lại bãi biển nơi mẹ chúng đẻ trứng, để có được nhận thức về đại dương. Với bộ định vị tự nhiên đáng kinh ngạc, rùa biển có thể trở lại chính xác nơi chúng được sinh ra để làm tổ. Thời gian đó có thể lên đến hơn 30 năm.
Nhớ lại cảnh những chú rùa con cặm cụi hướng về biển và bắt đầu hành trình sinh tồn, Thư không khỏi bồi hồi: “Có một bé rùa sinh non, yếu hơn các bé khác. Nhưng bản năng của em rất mạnh mẽ. Có đoạn em lết từng bước, từng bước về biển nhưng rồi bị sóng đánh vào bờ. Nhưng em vẫn cố gắng, hội mình ở trên còn la hét cổ vũ. Lúc em ra được biển, bọn mình chắc còn vui hơn em ấy nữa”.
Chứng kiến nỗ lực sinh nở của rùa mẹ và bản năng đi tìm sự sống của rùa con, Thư cho rằng rùa biển đã dạy cô cách yêu thiên nhiên nhiên. “Nếu con người không chung tay bảo vệ thì rất có thể con cháu chúng ta sau này sẽ mãi mãi không còn có thể nhìn thấy rùa biển nữa”, Thư nói.
Minh Đức
Ảnh: NVCC