Hỏi tuổi bị coi là bất lịch sự ở nhiều nước nhưng tại Hàn Quốc, đó lại là điều cần thiết.
Lần đầu đến Hàn Quốc, nam du khách người Anh Joel Bennett đã cố gắng tỏ ra lịch sự nói lời cám ơn chủ quán, sau khi dùng bữa. Nhưng lời cám ơn lại bị coi là một câu nói thô lỗ và xúc phạm người lớn tuổi.
Khi đó, Bennett 23 tuổi, đã nói “Gomawo” (cám ơn) với chủ quán 60 tuổi. Chàng trai trẻ không biết rằng câu anh nói là một phiên bản thân mật của từ “cám ơn”, và anh cần dùng kính ngữ khi nói chuyện với người hơn tuổi. “Tôi luôn nghĩ cám ơn là cám ơn và không biết Hàn Quốc có nhiều cách để nói lời này”, chàng du khách nhớ lại sự cố gặp cách đây 10 năm.
Trong văn hóa hàn Quốc, những người trẻ sẽ phải dùng kính ngữ với người lớn tuổi hơn. Bên cạnh đó, họ cũng phải dùng kính ngữ với những người có thâm niên trong công việc, địa vị xã hội hơn mình.
Đó là lý do người dân luôn hỏi tuổi người đối diện (không quen biết). Việc chia sẻ năm sinh, tuổi tác đơn thuần được coi là một quy ước xã hội. Dựa vào đó, họ sẽ điều chỉnh cách xưng hô, trò chuyện, thậm chí là cách ăn, uống khi dùng bữa chung.
Jieun Kiaer, giáo sư ngôn ngữ tại Đại học Oxford, Anh, giải thích: “Yếu tố đầu tiên quyết định nên nói theo cách nào là tuổi tác. Đó là lý do ở Hàn Quốc mọi người luôn hỏi tuổi người mới gặp. Không phải họ thực sự quan tâm bạn bao nhiêu tuổi, mà vì họ thực sự cần tìm ra phong cách nói chuyện phù hợp”. Ro Young-chan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàn Quốc tại Đại học George Mason ở, Virginia, Mỹ nói: “Đó là lễ nghi” khi nói về truyền thống hỏi tuổi. Ro cho rằng quan điểm của người Hàn là mọi người đều có vai trò nhất định trong xã hội, và họ hiểu rõ vị trí của mình. Qua đó, họ sẽ có cách xưng hô phù hợp khi trò chuyện.
Hệ thống kính ngữ tại quốc gia này có bảy cấp độ trong các bài diễn văn và viết. Các cuộc trò chuyện hàng ngày thường được chia thành hai cấp độ: banmal (cách nói bình thường, thân mật) và jondaemal (cách nói trang trọng). Cũng theo giáo sư Kiaer, các loại kính ngữ này đòi hỏi người sử dụng phải rất cẩn thận. “Chỉ cần bạn dùng sai cách, nó có thể tạo ra nhiều tình huống khó xử, hoặc xung đột và không thể trò chuyện thành công với người đối diện”.
Đó cũng là lý do trước khi đến Hàn Quốc, Delia Xu, sống ở Canada, đã quyết định học tiếng Hàn để tránh sự khó xử khi giao tiếp. “Vì tôi không bao giờ muốn mình trở thành người thô lỗ, dù vô tình”, Xu nói.
Tương tự cách nói, có một số cử chỉ và hành động cũng được phân cấp trong xã hội Hàn Quốc để thể hiện mối quan hệ người lớn – bé, cấp trên – cấp dưới, cha mẹ – con cái…
Một trong số đó là nghi thức uống rượu. Người ít tuổi sẽ phải rót rượu cho người lớn, rót bằng hai tay thể hiện sự tôn trọng. Khi uống, bạn cũng phải quay mặt sang một bên, thay vì nhìn thẳng mặt người đối diện. Khi chén rượu của người lớn tuổi, đàn anh đã cạn, phải nhanh chóng rót đầy. Bạn cũng không được phép đặt ly của mình xuống bàn trước trưởng bối. Bennett nói anh “chóng mặt” với những phép tắc này.
Xu cũng đồng tình với quan điểm của Bennett. “Việc đó (uống rượu) rất áp lực vì đột nhiên bạn được giao rất nhiều trọng trách trên bàn nhậu. Nếu bạn uống một ngụm mà quên không nhìn đi chỗ khác, bạn đã bất ngờ xúc phạm ai đó”, cô nói. Nhưng đổi lại, cả hai vị khách đều cảm thấy thú vị với cách mà người lớn tuổi chăm sóc người bé. Đó là việc họ sẽ thanh toán cho bữa ăn đó. “Đó là một khái niệm xoay quanh nguyên tắc về lòng hiếu thảo và kính ngữ, sự tôn trọng”, Xu nói.
Trong các mối quan hệ thân thiết hơn, mọi người sẽ gọi những người lớn tuổi hơn mình là noona, unni (chị gái) hoặc oppa, hyung (anh), thay vì gọi tên người đó. “Nếu bạn gặp một người lớn tuổi hơn, bạn đối xử với họ tôn trọng như anh trai, chị gái mình. Đó là một cách thú vị”, một du khách khác chia sẻ về truyền thống kính trên nhường dưới của người Hàn Quốc.
Hiện tại, Hàn Quốc đã mở cửa đón khách Việt ghé thăm. Việt Nam có đường bay thẳng đến Hàn Quốc qua các hãng như Vietjet Air, Vietnam Airlines của Việt Nam và Korean Airlines, Asiana Airlines của Hàn Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc cấp lại visa ngắn hạn C-3 cho du khách đến từ các nước thuộc cấp độ 1, trong đó có Việt Nam, từ 1/6 và gỡ bỏ nhiều hạn chế phòng ngừa dịch bệnh. Tuy nhiên, khách quốc tế vẫn cần kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 (PCR hoặc test nhanh) trước khi nhập cảnh. Trong 72 tiếng sau khi vào Hàn Quốc, khách sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR. Quốc gia này cũng dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang ngoài trời.
Anh Minh (Theo BBC)