Những đứa trẻ coi trọng vật chất thường định hình niềm tin rằng thành công được đo bằng việc sở hữu những món đồ đắt tiền hay lượng lớn của cải vật chất.
Điều này khiến chúng coi thường những người nghèo, có cái nhìn sai lệch về giá trị cuộc sống khi trưởng thành. Do đó, để nuôi dạy những đứa trẻ không coi trọng vật chất, các chuyên gia giáo dục chỉ ra bốn phương pháp.
Thay đổi quan điểm và niềm tin của trẻ
Đa phần các cha mẹ có quan điểm rằng cần nuôi dạy, dẫn dắt để con học được ở một trường (trung học, đại học) tốt, có một công việc tốt khi ra trường, một cuộc sống ổn định, giàu có khi trưởng thành.
Tuy nhiên, Leonard Sax, nhà tâm lý học trẻ em hàng đầu của Mỹ, đã viết cuốn sách có tựa đề “The Collapse of Parenting” (Sự sụp đổ của việc làm cha mẹ) để thay đổi quan niệm đó. Trong sách, ông chỉ ra vai trò đúng mà cha mẹ phải đảm nhận không liên quan gì nhiều đến việc đảm bảo cho con một tương lai thành đạt, giàu có. Ông cho rằng không nên giúp trẻ bằng cách thúc giục con học hành nỗ lực để giành thành tích cao, vào được các trường đại học hàng đầu, xin được việc lương cao… Thay vì thế, cha mẹ nên trang bị kiến thức, để con có thể đối diện với những thách thức của thế giới người lớn và cuộc sống thực một cách chủ động.
Rất khó để các cha mẹ chấp nhận một thực tế rằng có một cuộc sống bình thường không phải là điều xấu. Miễn là đứa trẻ có công việc có ý nghĩa để làm, một người để yêu thương và một lý tưởng để phấn đấu, điều đó mới là quan trọng.
Dạy trẻ về lòng biết ơn
Các nghiên cứu chỉ ra, lòng biết ơn có mối quan hệ chặt chẽ nhất với sự hài lòng trong cuộc sống. Nó cũng đặc biệt có lợi cho trẻ.
Những đứa trẻ biết bày tỏ lòng biết ơn thường trở nên ít thực dụng, đề cao vật chất hơn. Chúng cũng thể hiện sự tử tế, hào phóng đối với người khác và cảm thấy tích cực về bản thân. Lòng biết ơn bảo vệ trẻ khỏi căng thẳng và trầm cảm theo thời gian.
Loh Shurn Lin, một nhà tài chính, giáo dục trẻ em người Singapore, chia sẻ để nuôi dưỡng lòng biết ơn của con, cô và gia đình quyết định bảo trợ một trẻ em Campuchia trong trại trẻ mồ côi do Tổ chức Operation Hope điều hành. Thông qua việc tiếp xúc với những đứa trẻ mồ côi, con trai cô không còn muốn nhận quà từ cha mẹ, thậm chí sẵn sàng bỏ tiền tiết kiệm để hỗ trợ những em bé ở trại trẻ.
Đi du lịch để trải nghiệm thay vì học quá nhiều
Thay vì tham gia quá nhiều các lớp học ngoại khóa, trẻ nên được trau dồi các kỹ năng sống có mục đích chung như tư duy phản biện, giao tiếp, hợp tác và sáng tạo.
Các kỹ năng cần thiết của trẻ em cần liên quan đến việc học cách thích nghi và có tinh thần vững vàng để đối phó với tốc độ thay đổi không ngừng của cuộc sống. Thay vì đổ tiền vào các lớp học, khóa học, cha mẹ nên cho con dành nhiều thời gian tham gia các chuyến đi, cho trẻ cơ hội hòa mình vào thiên nhiên, thử sức trước những khó khăn. Các chuyến đi cùng gia đình cũng giúp trẻ lưu giữ những kỷ niệm đẹp đáng nhớ.
Jack Ma từng nói: “Con cái của chúng ta không cần thiết phải đứng ở ba vị trí cao nhất trong lớp. Vị trí bình thường cũng tốt, vì nhờ thế, trẻ có nhiều thời gian rảnh để học các kỹ năng khác”.
Coi việc nhà như bài tập về nhà
Nhiều bài báo từng viết về lợi ích của việc khuyến khích trẻ em làm việc nhà. Nó không chỉ giúp dạy trẻ kỹ năng sống mà còn giúp hình thành lòng tự trọng, ý thức làm chủ và trách nhiệm với gia đình, bản thân.
Thông qua việc giao cho trẻ làm việc nhà, cha mẹ khắc sâu trong suy nghĩ của trẻ rằng vai trò của chúng trong gia đình không chỉ xoay quanh việc học. Chúng cũng cần phải đóng góp vào hạnh phúc của gia đình bằng cách hỗ trợ cha mẹ.
Đừng quên, khi bạn để con cái không phải làm việc nhà, điều này giống như bạn đang nói với chúng rằng: “Thời gian của con là quá quý giá để dành cho những công việc vặt vãnh”, cũng như là “Con quá quan trọng để làm những việc vặt”. Thay vào đó, cần nhấn mạnh việc với con rằng làm việc nhà cũng là “bài tập ở nhà” cho con.
Thùy Linh (Theo Asianparent)