Địa điểm mới

Đàn ông Việt làm đẹp

Địa điểm giải trí dan-ong-viet-lam-dep Đàn ông Việt làm đẹp Thông tin

Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật 12 tiếng, đau đớn “sống không bằng chết” nhưng diện mạo của Phước Cường thay đổi hoàn toàn, sự nghiệp của anh cũng dần thăng hoa.

Mười năm trước, vừa tốt nghiệp phổ thông, chàng trai 29 tuổi quê Đà Nẵng sang Trung Quốc học ngành thiết kế nội thất. Mê nghệ thuật lại có chút năng khiếu, anh xin làm vũ công trong quán bar để có tiền trang trải thu nhập. Lần đầu đến xin việc, Cường bị từ chối thẳng thừng với lý do “chúng tôi cần người có gương mặt đẹp, cậu không phù hợp”. Cú sốc ngoại hình là động lực để anh đi bưng bê trong một quán ăn, dồn tiền làm phẫu thuật thẩm mỹ.

Năm 2011, Trần Đặng Phước Cường lần đầu đi nâng mũi với chi phí 5 triệu đồng.

Tết năm 2012, anh phẫu thuật cắt hai cánh mũi và kéo dài đầu mũi. Lần quay lại Thượng Hải này, thanh niên 19 tuổi tự tin xin làm mẫu ảnh cho các shop thời trang. “Tôi nhận ra nước sơn cũng quan trọng như chất gỗ. Đẹp cũng là một dạng tài năng”, anh nói.

Năm 2013, Cường cắt môi, độn cằm. Bốn năm sau, anh thực hiện ca phẫu thuật kéo dài 12 tiếng để hạ gò má, cắt xương hàm, làm lại mũi và trượt cằm. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, cơ thể anh nóng bừng, đầu óc choáng váng vì thuốc mê. “Lúc đó tôi mới hiểu thế nào là sống không bằng chết”, Cường kể. Nghĩ đến những cơ hội mà ngoại hình đẹp có thể mang lại, anh nghiến răng chịu đau.

Năm 2019, Cường một lần nữa bước chân vào phòng phẫu thuật để độn rãnh cười và sửa lại mũi. Tổng chi phí của 9 ca phẫu thuật trong 10 năm tiêu tốn gần một tỷ đồng.

Địa điểm giải trí a-8272-1649175537 Đàn ông Việt làm đẹp Thông tin

Trần Đặng Phước Cường trước (trái) và sau phẫu thuật thẩm mỹ (phải). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Anh Tuấn, 28 tuổi, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng hiểu hơn ai hết nỗi đau cắt da cắt thịt khi trải qua gần chục ca phẫu thuật thẩm mỹ để hoàn thiện nhan sắc. Trước đây, Tuấn không quá chú trọng chuyện ngoại hình, nhưng sau lần đầu hẹn hò bị cô gái mình thích nhận xét “nhìn anh như đồ dị dạng”, Tuấn quyết định cần thay đổi diện mạo.

Từ năm 2014 đến nay, anh tiêm collagen vào mặt, làm răng, phẫu thuật cằm và bốn lần làm mũi, tốn gần nửa tỷ đồng. “Tuần đầu tiên sau mỗi ca phẫu thuật, tôi đau đến tê dại, chỉ ước mình được chết đi vài ngày. Suốt một tháng tôi chỉ được ăn duy nhất thịt lợn và vài loại rau”, anh nói. Bù đắp cho nỗi đau đó, từ một chàng trai răng hơi hô, làn da rám nắng và mũi tẹt, khuôn mặt Tuấn giờ góc cạnh, sóng mũi cao kiểu Trung Hoa, đôi mắt to, lộ rõ hai mí.

Tuấn để ý, cùng đến chuẩn bị cho phẫu thuật với anh có năm người, hai trong số đó là nam. Nhận ra nhu cầu làm đẹp của nam giới Việt Nam cũng lớn mà chưa nhiều cơ sở cung cấp dịch vụ, năm 2020, Tuấn mở doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm và các liệu trình chăm sóc sắc đẹp ở Thái Nguyên và Hà Nội.

“35% khách hàng của công ty tôi là nam giới, độ tuổi từ 25-35. Họ đa phần làm trong khối ngân hàng và văn phòng, thường sử dụng các dịch vụ trẻ hóa làn da, làm trắng”, ông chủ trẻ cho biết.

Tiến sĩ – bác sĩ Phạm Thị Việt Dung, trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai, nhận định nam giới Việt Nam phẫu thuật thẩm mỹ chưa nhiều nhưng có chiều hướng tăng trong những năm qua, ước tính số khách hàng tăng khoảng 5% mỗi năm.

Nhóm thứ nhất làm phẫu thuật là đàn ông khiếm khuyết cơ thể như bỏng, tai nạn, chấn thương, dị tật bẩm sinh… Trước đây, họ chỉ muốn chữa khỏi, cải thiện chức năng nhưng bây giờ muốn đẹp. Nhóm thứ hai là những người không muốn mình già nua, nhàm chán để bỏ lỡ các cơ hội trong công việc, giao tiếp xã hội.

“Xã hội ngày càng phát triển, cuộc sống không dừng lại ở cơm ăn, áo mặc mà phát sinh nhiều nhu cầu khác, trong đó có hoàn thiện hình thể. Phụ nữ hay nam giới đều có quyền làm đẹp”, bà Dung nói.

Không đến mức phải đụng dao kéo, nhưng kỹ sư IT Nguyễn Đức, ở Hà Nội thấy mình cần phải cải thiện hình thức khi da sạm, tóc bạc, bụng phệ, cơ bắp biến mất sau hơn 10 năm cống hiến cho sự nghiệp. “Dạo đó vợ hay than phiền tôi xuống mã. Đã có lần tôi bị nhầm là bố của vợ. Bạn bè hay lấy ngoại hình tôi ra để trêu đùa”, anh Đức nói.

Năm ngoái, tranh thủ được làm ở nhà vì Covid-19, anh đặt mua một liệu trình chăm sóc da tại nhà. Mỗi tối, vợ anh sẽ làm mặt nạ cho hai người cùng dưỡng da. Khi vợ ngồi vào bàn bôi kem dưỡng ẩm, dưỡng trắng, anh cũng làm việc tương tự. Dù bận cỡ nào Đức cũng phải dành 20 phút chăm sóc da mỗi ngày, với hơn 10 loại kem dưỡng, serum các loại.

Sau nửa năm, da anh Đức trắng mịn hẳn lên, cân nặng từ 90 kg xuống 75 kg. Đi làm, anh nhuộm tóc đen vuốt keo khiến bạn bè không nhận ra.

Những khách hàng như anh Đức đang góp phần vào sự phát triển của thị trường mỹ phẩm dành cho nam giới ở Việt Nam những năm gần đây. Chị Lê Thị Ngọc Ngân, trưởng phòng nghiên cứu và phát triển của một doanh nghiệp chuyên sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm nam ở TP HCM cho hay, so với năm đầu thành lập (2016) với năm 2021, doanh số tiêu thụ của công ty đã tăng ba lần. “Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang kinh doanh mỹ phẩm cho nam, khi nhận ra đây là thị trường tiềm năng, ít cạnh tranh hơn so với mỹ phẩm nữ”, chị Ngân nói.

Trên thế giới, ngành công nghiệp mỹ phẩm trang điểm và chăm sóc cá nhân dành cho nam giới được dự đoán sẽ đạt 166 tỷ USD vào năm 2022, theo nghiên cứu của Allied Market Research. Năm 2018, riêng các sản phẩm chăm sóc da nam giới có doanh số tăng hơn 7%, đạt giá trị 122 triệu USD (năm 2019), theo hãng nghiên cứu thị trường NPD Group.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, 56% đàn ông Mỹ khẳng định họ đã sử dụng kem nền, kem che khuyết điểm hoặc kem BB (kem dưỡng làm đẹp) ít nhất một lần trong năm 2018. Đó là một bước nhảy vọt đáng ngạc nhiên về thái độ của người tiêu dùng.

Động lực thúc đẩy ngành công nghiệp mỹ phẩm cho nam giới nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo Mintel, thị trường làm đẹp trị tại đây giá 13,1 tỷ USD và đứng trong top 10 thị trường làm đẹp trên thế giới.

Thống kê tại một hệ thống siêu thị lớn ở Việt Nam, sản phẩm chăm sóc da dành cho nam giới chiếm 20% trong nhóm ngành này với mức tăng trưởng 10-20% mỗi năm.

Địa điểm giải trí 1-2334-1649146322 Đàn ông Việt làm đẹp Thông tin

Bác sĩ vẽ lên khuôn mặt một chàng trai Trung Quốc, trước khi làm phẫu thuật, tại một phòng khám ở Bắc Kinh, năm ngoái. Ảnh:AFP.

Từ khi sửa sang ngoại hình, Trần Đặng Phước Cường tự thấy tính cách anh thay đổi hẳn. Trước đây anh sẵn sàng ăn miếng trả miếng với người miệt thị mình. Nhưng giờ Cường không chấp nhặt nữa. “Vui tôi để trong lòng, buồn thì bỏ đi. Phải ứng xử đẹp để xứng đáng với ngoại hình đang có là việc tôi luôn hướng tới”, anh chia sẻ.

Sự nghiệp của anh cũng tốt lên trông thấy. Sau ca phẫu thuật đầu tiên, anh được nhận làm vũ công như mong ước. Ngay khi kết thúc ca phẫu thuật thẩm mỹ cuối cùng năm 2019 tại một công ty thẩm mỹ lớn của Trung Quốc, Cường được giám đốc công ty này mời làm đại diện gương mặt. Ở Việt Nam, Cường kinh doanh thời trang và làm stylist cho một số nghệ sĩ. Đồng thời, ở Thượng Hải, anh làm mẫu ảnh và quay quảng cáo.

Cũng như anh Đức, Hoàng Anh Tuấn cho biết, hình thức giúp anh tràn đầy năng lượng tích cực và tự tin trong mọi việc. Anh gặp gỡ nhiều người, chơi thân với giới showbiz. Đứng trước đám đông, anh đi lại, nói năng tự nhiên nên luôn thu hút người nghe.

Gần đây, Tuấn gửi kết bạn với cô gái từng phũ phàng với mình 5 năm trước, trên một ứng dụng mạng xã hội khác. “Phải nói chuyện rất lâu cô ấy mới nhận ra tôi chính là Hoàng Anh Tuấn mà cô ấy từng quen biết”, anh nói. Hiện tại, Tuấn hẹn hò với một cô gái có ngoại hình xinh xắn mà khi chưa phẫu thuật, anh nghĩ không thể với tới.

Tuy nhiên, khi xã hội xem việc phụ nữ làm đẹp là đương nhiên, đa phần vẫn khắt khe với nam giới. Hai năm mở spa, anh Tuấn nhận thấy nam giới sử dụng dịch vụ làm đẹp đều đặn và tuân thủ liệu trình hơn nữ. Tuy nhiên, vì e ngại, đàn ông thường đặt dịch vụ về làm tại nhà thay vì trực tiếp đến trung tâm.

Những người xung quanh biết Tuấn phẫu thuật thẩm mỹ vẫn hỏi với vẻ khó chịu “có đến nỗi nào đâu mà phải đi thẩm mỹ” hay “mày bê đê hả”.

Theo tiến sĩ Dung của bệnh viện Bạch Mai, cũng chính vì ngại định kiến xã hội, nhiều nam giới tìm đến các trung tâm thẩm mỹ chui hoặc lựa chọn cơ sở không uy tín, không có chuyên môn và gánh chịu nhiều biến chứng nguy hiểm. Anh Nguyễn Văn Tiến, 22 tuổi, ở Hà Nam từng lên mạng tìm nơi sửa chiếc mũi bị vẹo bẩm sinh.

Muốn thay đổi nhưng sợ bị dị nghị, anh không tham khảo ý kiến bất kỳ ai. Sau khi tìm hiểu trên mạng xã hội, Tiến được đưa đến một cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ không treo biển, không cam kết.

Qua hai lần phẫu thuật, tiêu tốn hơn 50 triệu đồng, cứ vài tháng mũi anh lại trở về hiện trạng ban đầu. “Tôi vừa chịu đau đớn vừa tự ti khi mặt chẳng đẹp hơn mà còn xấu đi”, anh kể. Sau hai lần gặp sự cố, Tiến mạnh dạn hỏi han những người có kinh nghiệm về phẫu thuật và được giới thiệu đến một trung tâm có tên tuổi ở Hà Nội. Lần phẫu thuật thứ ba hơn 30 triệu đồng chàng trai đã có mũi như ý.

Dù xã hội còn cái nhìn khắt khe với nam giới thẩm mỹ, nhưng theo tiến sĩ Phạm Việt Dung, trong tương lai không xa, đàn ông Việt Nam làm đẹp cũng được thoải mái đón nhận như phụ nữ bây giờ.

Bây giờ, Cường thường được khen đẹp trai, hot boy. Thăng tiến trong sự nghiệp, anh đã xây cho mẹ một căn nhà bốn tầng thay ngôi nhà cũ xuống cấp. Còn Anh Tuấn cho biết sẽ mở rộng hoạt động của doanh nghiệp, tập trung hơn vào nhóm khách hàng là nam giới.

“Tôi tin đây sẽ là một thị trường rộng lớn mà nhiều doanh nghiệp sẽ hướng tới khai phá”, anh Tuấn nhận định.

Phạm Nga