3 đề án ứng dụng công nghệ thay đổi cộng đồng của Đài Loan, Philipines và New Zealand xuất sắc vượt qua 781 đối thủ để hiện thực hóa ý tưởng.
Hành trình 5 tháng của Sharing is Caring do Taiwan Excellence tổ chức đã đi đến hồi kết với chiến thắng thuộc về Đài Loan, Philippines và New Zealand. Cả 3 đề án đều sở hữu những ý tưởng sáng tạo độc đáo, thiết thực bắt nguồn từ tinh thần hành động vì cộng đồng và môi trường. Đó là những vấn đề tồn đọng tại chính khu vực họ sinh sống gồm: chăm sóc sức khoẻ răng miệng, “số hoá” giáo dục và tiết kiệm năng lượng mặt trời.
3 đề án đều trải qua vòng đánh giá và vấn đáp trực tuyến của hội đồng tuyển chọn. Qua đó chứng tỏ năng lực để xứng đáng với giải thưởng 10.000 USD/kế hoạch và ngân sách đầu tư 150.000 USD/đề án dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Phát triển ngoại thương Đài Loan (TAITRA).
Mang nụ cười về với người cao tuổi
Đề án mà đại diện Đài Loan mang đến Sharing is Caring là “Phòng khám nha khoa kỹ thuật số với dịch vụ du lịch y tế và dịch vụ nha khoa tận nhà”. Nguyên nhân xuất phát từ thực trạng đất nước này chưa đủ phòng nha để chăm sóc cho đối tượng người cao tuổi ở vùng quê. Vì thế, Yilan và cộng sự đã ứng dụng công nghệ biodata vào chăm sóc răng miệng và tạo nên những “chiếc xe nha khoa” tiên tiến nhằm đảm bảo chất lượng trong việc chăm sóc y tế cho các cụ già ở vùng sâu vùng xa.
Theo ban tổ chức, đề án không chỉ mang tâm niệm và nghĩa cử tốt đẹp của nhóm Yilan, mà còn mang theo trải nghiệm các sản phẩm chất lượng được giải thưởng Taiwan Excellence bảo chứng. Theo Yilan nói, “Đây là hành trình ý nghĩa gói gọn trong một ngày để mang lại nụ cười cho các cụ già tại vùng xa”.
Phổ cập giáo dục di động rộng khắp Philippines
“Giáo dục và trao quyền cho cộng đồng sử dụng ứng dụng Mobile Kart” là đề án của Jonathan J. Cartilla đến từ Philippines. Anh mong muốn mang giáo dục tiên tiến đến với trẻ em và những người trẻ không có cơ hội học tập, từ đó mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Từ mẫu phòng học di động tự cấp điện do đội ngũ dựng nên, Jonathan J. Cartilla đã sử dụng những chiếc xe trang bị pin năng lượng mặt trời, máy tính xách tay và internet để dễ dàng di chuyển đến các vùng xa của đảo quốc nhằm nâng cao dân trí. Có thể nói, đây là đề án giáo dục mang đậm tính nhân văn và bền vững. Lớp học di động này sẽ giúp kỹ năng của người dân được cải thiện và đáp ứng các nhu cầu việc làm trong nước cũng như quốc tế.
“Kéo” điện mặt trời cho người bản địa
New Zealand vẫn còn tồn tại vùng đất của cộng đồng người Māori với mạng lưới điện chập chờn. Marareia Hamilton – người con bản địa đã tạo nên “Dự án ứng dụng năng lượng mặt trời trong đời sống người dân tộc Māori”. Đề án của cô đưa ra đề xuất lắp đặt pin mặt trời đến từ Đài Loan và xây dựng một hệ thống phát điện năng lượng xanh tự duy trì trong cộng đồng.
Với tương lai tươi sáng này, người Māori đã có thể vượt qua thời tiết khắc nghiệt ở New Zealand và có điều kiện phát triển các mô hình kinh doanh phù hợp. Có thể nói, việc trở thành một trong những đề án xuất sắc tại “Sharing is Caring” của Marareia Hamilton không chỉ mang tiện nghi hiện đại đến với người bản địa Māori, mà còn kéo gần thêm tình hữu nghị của Đài Loan và New Zealand.
Theo ban tổ chức cho biết, “Sharing is Caring” là dự án trách nhiệm xã hội được Taiwan Excellence tổ chức trên quy mô toàn cầu. Mục tiêu của đề án nhằm tạo nên những thay đổi, từ đó giúp xã hội trở nên tốt đẹp hơn bằng cách mang đến một sân chơi cho mọi người. Tại đây người tham gia sẽ thoả sức đưa ra ý tưởng về các hoạt động thiện nguyện liên quan đến sự phát triển bền vững của xã hội và bảo vệ môi trường. Để xem lại các đề án được lựa chọn, xin vui lòng truy cập tại đây.
Huyền My