Địa điểm mới

Cuộc đời của người đàn ông từng là trẻ bụi đời

Địa điểm giải trí cuoc-doi-cua-nguoi-dan-ong-tung-la-tre-bui-doi Cuộc đời của người đàn ông từng là trẻ bụi đời Thông tin

TP HCMBỏ nhà đi bụi từ năm 9 tuổi, vào tù ra trại “như cơm bữa” đến khi gặp người thầy trong nhà mở dành cho trẻ đường phố, Phùng Ngọc Phong bừng tỉnh ngộ.

Anh Phong (năm nay 44 tuổi) ở phường 25, quận Bình Thạnh sinh ra trên đất Campuchia khi cha mẹ anh đang mưu sinh nơi xứ người. Chẳng bao lâu, hai người chia hai ngả, cậu bé Phong hết ở với bố rồi lại dọn về với gia đình mới của mẹ. Được hai năm, đứa trẻ 9 tuổi bỏ nhà đi bụi, tự nuôi sống bản thân bằng nghề xách hàng lậu cho người Việt từ Campuchia về Việt Nam. Mánh khóe, lối sống của dân buôn lậu nhanh chóng biến Phong thành một đứa trẻ giang hồ.

Sau ba năm lang bạt xứ người, anh về Sài Gòn gia nhập vào nhóm bụi đời quanh chợ Cầu Muối, chân cầu Ông Lãnh, quận 1. Nhiệm vụ của Phong khi đó là che chắn, hỗ trợ đồng bọn giật túi xách, trang sức của người đi đường.

Năm 1993, anh bị bắt vào trại giáo dưỡng. Ở đó, với bản tính ngang tàng nên mới 15 tuổi, Phong trở thành đại ca của hơn 60 thanh thiếu niên. “Chúng nó còn có gia đình, có người này người kia để sợ, tôi thì có gì để mất đâu mà sợ”, anh nhớ lại.

Địa điểm giải trí 3-8010-1655475033 Cuộc đời của người đàn ông từng là trẻ bụi đời Thông tin

Anh Phùng Ngọc Phong, hiện là chủ gara ôtô tại TP HCM. Ảnh: Nhân vật cung cấp

18 tuổi, Phong rời trại giáo dưỡng, định quay về chợ Cầu Muối, tiếp tục sống đời giang hồ nhưng bạn cũ giờ chẳng còn ai. “Đứa chết vì sida, đứa đi tù, vào trại… Tôi nghĩ nếu mình cứ mãi thế này thì cũng giống chúng nó thôi”, anh nhớ lại. Phong đến nhà mở dành cho trẻ em đường phố, nơi anh Trần Minh Hải quản lý, sống.

Thạc sĩ Trần Minh Hải từng là cán bộ dự án hỗ trợ trẻ em đường phố tại TP HCM cho biết, trong những đứa trẻ bụi đời anh từng tiếp xúc, hướng nghiệp, Phùng Ngọc Phong thuộc nhóm đặc biệt nhất. “Cậu ta vào tù ra trại, nhưng nói được làm được, có khả năng làm thủ lĩnh. Tôi nghĩ nếu được định hướng tốt, giáo dục tốt, Phong rất có tương lai”, anh Hải nói.

Một tối, Phong dặn thầy Hải “tầm 2h thầy mở cửa cho con đi làm”. Nghĩ bọn trẻ giang hồ nói đi làm lúc nửa đêm nghĩa là trộm cắp, thầy Hải quát: “Vừa ra trại lại ‘đi làm’ gì. Thầy không mở cửa”. Đêm đó, Phong tức giận, cầm búa đập nát chiếc xe đạp vốn được mua bằng tiền lương hai tháng đi làm của thầy Hải, vốn là sinh viên ngành Công tác xã hội năm cuối.

“Tôi giận lắm, nhưng đi hỏi mấy đứa khác trong nhà mở. Chúng nó nói Phong xin đi làm bốc vác ở chợ Cầu Muối thật. Hối hận, tôi chạy đi xin lỗi nó”, anh Hải, vốn chỉ hơn Phong 7 tuổi, kể.

Đi bốc vác cực nhọc lại thường xuyên bị quỵt tiền, bị bắt nạt, Phong mới biết kiếm đồng tiền chân chính khó thế nào. “Tôi day dứt khi nghĩ đến những lần trộm cướp trước đây của mình”, anh nói. Phong về nhờ thầy Hải bảo lãnh cho đi làm việc khác như nhân viên quán cà phê, phụ hồ vì không có chứng minh thư.

Công việc mới ít cực nhọc hơn bốc vác, làm cả ngày được 100.000 đồng nhưng lại nhiều lần bị chửi mắng, sai vặt, Phong tức chí, tính lao vào đập đứa bắt nạt mình cho hả giận. Nhưng nghĩ đến thầy Hải phải đứng ra bảo lãnh, anh gắng kiềm chế.

Nghĩ nếu chỉ làm công sẽ mãi không khá lên được, Phong muốn học một cái nghề để làm chủ cuộc đời. “Hồi đó không hiểu sao nhìn thấy ôtô là tôi thích mê. Đi phục vụ quán cà phê, mấy anh chị sinh viên hỏi học gì, tôi toàn bảo học sửa ôtô”, anh kể.

Địa điểm giải trí 4-5184-1655475033 Cuộc đời của người đàn ông từng là trẻ bụi đời Thông tin

Anh Phong (sơ mi) thảo luận giải pháp cho một chiếc xe cần sửa. Ảnh nhân vật cung cấp

Phong tìm thầy Hải, nhờ xin cho đi học nghề. “Mấy đứa nhỏ khi đó chỉ thích học nghề mộc, nghề sửa xe máy. Không hiểu sao Phong nó cứ đòi học sửa ôtô, mà những năm 1990, ở TP HCM có mấy ôtô đâu”, anh Hải nhắc chuyện cũ. Dù vậy anh vẫn đồng ý chở Phong đi qua ba tiệm sửa ôtô xin, trước khi được nhận vào một lớp học nghề.

Cứ một tháng, anh Hải lại ghé tiệm một lần. “Tôi nghĩ học ba bữa Phong sẽ bỏ vì chán, nhưng em ấy lại rất chăm”, anh kể. Được dự án hỗ trợ trẻ đường phố tài trợ một nửa học phí, một buổi Phong đi học, một buổi đi làm thêm có tiền trang trải.

Anh Nguyễn Hải, bằng tuổi anh Phong, chung lớp học nghề sửa ôtô cho biết, hồi đó học viên chỉ được học lý thuyết, chẳng thầy nào dám cho sờ vào xe của khách vì sợ hỏng sẽ rắc rối to. Muốn được thực hành, anh Phong xin đến tiệm xe gắn máy học thêm.

“Về nguyên lý, động cơ xe máy với ôtô gần giống nhau. Nhưng để đi học ở tiệm sửa xe máy thôi cũng không dễ, nếu không mất tiền thì việc vất vả nhất mình phải làm, các thầy thì khắt khe, chửi mắng nhiều. Vì muốn học nghề, Phong chấp nhận hết”, người bạn, giờ là chủ một gara ôtô, nhớ lại.

Sau 9 tháng, Phong nhận tấm chứng chỉ học nghề sửa ôtô. Suốt ba năm liền, anh xin làm không lương ở một gara để được thực hành. “Người đi ôtô đa phần là người giàu có, học thức. Nhìn họ, tôi lại muốn học hành tử tế hơn”, anh giải thích lý do xin đi học bổ túc văn hóa ngay sau đó.

Năm 2006, Phong được nhận vào làm cho một hãng ôtô của Nhật Bản. Thạo nghề, anh được cử sang Nhật đào tạo nhưng ở tuổi 28, Phùng Ngọc Phong vẫn chưa có chứng minh thư hay giấy tờ tùy thân gì. Một lần nữa, anh tìm đến thầy Hải nhờ trợ giúp. Nhờ sự kết nối của anh Hải, chàng trai không danh phận được làm chứng minh thư.

Nhưng đúng lúc đó, một người bạn rủ Phong góp vốn mở gara sửa xe để làm chủ. Bao năm lang bạt, làm công ăn lương, chàng trai khi đó nghĩ đã đến lúc phải tạo lập sự nghiệp cho riêng mình. Bằng chiếc xe gắn máy cũ, thầy Hải chở Phong đi khắp nơi, tìm thuê mặt bằng mở cửa hàng. Cuối cùng, chàng trai đi bụi năm nào trở thành chủ gara sửa ôtô như mơ ước. Anh cũng tìm được người bạn đời hiểu rõ quá khứ, sẵn sàng hỗ trợ chồng nâng đỡ những đứa trẻ chung cảnh ngộ.

Hiện tại, gara của anh Phong có 15 nhân viên, làm không hết việc, khi ôtô trở thành phương tiện phổ thông ở thành phố sôi động nhất Việt Nam. Từ gara của chính mình, anh xây được nhà, sở hữu ôtô như giấc mơ thời trẻ. Phong dạy nghề, tạo việc làm cho nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.

Địa điểm giải trí 5-6171-1655475033 Cuộc đời của người đàn ông từng là trẻ bụi đời Thông tin

Tổ ấm hiện tại của người đàn ông từng là trẻ không nhà. Ảnh nhân vật cung cấp

Cuối năm ngoái, dịch bệnh tạm lắng, anh Phong đến gặp bà Thi Thị Ánh Loan, một tổ trưởng tổ dân phố ở quận 8, nơi anh từng sống vài năm trước. “Cô coi có đứa nhỏ nào mồ côi hay khó khăn quá cần giúp đỡ thì cô nói con hỗ trợ. Nếu không đủ sức thì con kêu thêm mạnh thường quân chung tay”, anh chủ gara ôtô, đặt vấn đề.

Bà Ánh Loan chia sẻ: “Cậu ấy bảo tôi nếu biết thanh thiếu niên có hoàn cảnh muốn học nghề, cứ nói, cậu sẵn sàng giúp. Hiện tại, cậu ấy hỗ trợ thường xuyên cho hai trẻ mồ côi ở địa bàn. Cuối năm, Phong kêu gọi thêm mạnh thường quân tặng quà cho các gia đình khó khăn”.

Anh Phong cũng thành lập một quỹ hỗ trợ trẻ mồ côi trên địa bàn TP HCM, nâng đỡ họ như mình từng được giúp đỡ.

Rũ bỏ quá khứ để làm lại, anh Phong không quên những người bạn chí cốt bên mình lúc khó khăn, người thầy không nề hà trợ lực khi anh chỉ có con số 0 tròn trĩnh.

Mỗi dịp gặp gỡ bạn bè ở nhà mở, nay đã hoàn lương, Phong lại đánh xe đến tận nhà đón thầy Hải cùng dự. “Cuộc đời tôi đã rẽ sang hướng khác nhờ thầy. Môi trường mới thầy Hải tạo lập để tôi tiếp xúc đã cho tôi cơ hội sống tốt hơn. Tôi luôn biết ơn thầy và cảm ơn đời vì điều đó”, anh nói.

Phạm Nga