Hơn 10 năm trước, khi nhận điện thoại của người thân nói con trai mình thực ra là con gái, bà Trần Thị Thắm gào khóc, gục ngã vì không tin đó là sự thật.
Người phụ nữ 53 tuổi ở TP Hải Phòng kể, sau khi lấy chồng, bà sinh được một trai, một gái. Lê Kim Tùng, cậu con trai cả chào đời là đứa trẻ bụ bẫm, đáng yêu. Con gái Yến Nhi có mái tóc dài óng ả, xinh xắn. “Tôi mãn nguyện vô cùng”, bà nói.
Nhưng là con trai mà Tùng chỉ thích chơi đồ hàng, búp bê và hay e thẹn. Còn cô con gái Yến Nhi lại không thích mặc váy, muốn cắt tóc ngắn kiểu đầu đinh. Bạn bè, người thân đều nói các con bà khác lạ, nhưng người mẹ nghĩ chúng trẻ con, sở thích có thể còn nhiều thay đổi khi lớn lên.
Nhưng càng lớn, Tùng càng sống thật với bản chất bên trong mình. Người xung quanh lại nói, nhưng bà Thắm gạt đi. “Tôi không muốn những ý nghĩ đó rót vào tai mình”, người mẹ nói. Năm Tùng 20 tuổi, nghe tin con trai đánh phấn, mặc váy đi diễn giả gái, bà Thắm đang trong nhà tắm liền lao đầu vào tường, người nhà phải bế ra ngoài trong vô thức.
“Tôi từng tự tử nhưng được người thân cứu kịp thời. Không thể chấp nhận Tùng là con gái”, người mẹ nhớ lại.
Sốc, đau đớn và kiên quyết không chấp nhận thực tế như bà Thắm là diễn biến tâm lý của nhiều bậc cha mẹ khi biết con mình mang giới tính khác với hình hài bên ngoài. “Một số người đưa con đến gặp chuyên gia tâm lý, đề nghị chữa bệnh cho con. Nhưng tôi nói, người cần điều chỉnh tâm lý là họ chứ không phải bọn trẻ”, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm (TP HCM) nói.
Chưa có con số thống kê chính thức về số người thuộc cộng đồng LGBT (đồng tính nam, đồng tính nữ, song giới và chuyển giới) tại Việt Nam. Tuy nhiên, ở các nước đã thừa nhận quyền của cộng đồng LGBT, tỷ lệ chiếm khoảng 5-10% dân số. Nếu áp dụng tỷ lệ này, cộng đồng LGBT ở Việt Nam có khoảng 5-10 triệu người.
“Tuy là thiểu số, nhưng đây là bản chất giới tính và xu hướng tình dục thật của họ. Gia đình, bạn bè và xã hội không chấp nhận cũng không thể thay đổi”, ông Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia thúc đẩy quyền LGBT Việt Nam, nói.
Ông Thảo cho hay, cũng như bà Thắm, nhiều bậc cha mẹ vì kiến thức về cộng đồng LGBT còn hạn chế, nên nghĩ những người như con mình đang sống lệch lạc, trái tự nhiên. “Một nguyên nhân nữa là những cái nhìn sai lệch của xã hội đối với đời sống, hình ảnh của những người thuộc LGBT. Ví dụ, họ bị mô tả là sống thác loạn, sa đoạ, không có tương lai, về già neo đơn, trong khi, thực tế có thể ngược lại”, ông Thảo nói.
Vợ chồng bà Thắm từng dùng roi vọt để uốn nắn con. Bố bắt Tùng phải “ăn to, nói lớn”, giõng dạc, mạnh mẽ. Có lần, bà Thắm mua một chiếc váy bò rất đẹp về cho con gái Yến Nhi, nhưng đứa trẻ khóc thét nhất định không mặc. “Tôi dùng roi đánh thật đau nó mới chịu mặc, nhưng chỉ mặc một lần rồi thôi”, bà hồi tưởng.
Nhiều trường hợp ông Thảo tiếp xúc, cha mẹ còn dùng các hình thức bạo lực nghiêm trọng hơn như giam giữ, đánh đập, bỏ đói, thậm chí dẫn con đi làm bùa chú, cho uống thuốc… để sống như giới tính bên ngoài. “Một người mẹ ở TP HCM còn dẫn con đi điều trị tâm thần suốt 10 năm. Đến khi người mẹ dần chấp nhận con không điên mà là người đồng tính, thì người con gặp vấn đề về tâm thần thật”, ông kể.
Trong nghiên cứu “Có phải bởi vì tôi là LGBT” (Thư viện Quốc hội), dựa trên khảo sát gần 2.400 người, hơn 62% cho biết bị gia đình ép thay đổi ngoại hình, cử chỉ và 60,2% bị la mắng, gây áp lực.
Nghiên cứu do CCTHP (Trung tâm sáng kiến và sức khỏe và dân số) và iSEE (Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường), năm 2011, thực hiện về bạo lực với đồng tính nam cũng cho hay, có 13 trong 17 trường hợp bị chính thành viên trong gia đình bạo hành. Tất cả 17 trường hợp trong nghiên cứu đều trải qua trầm cảm ở mức độ khác nhau.
Cũng như bà Thắm, vợ chồng ông Trần Văn Nam, ở Đồng Nai, không chấp nhận khi con gái đưa một cô gái về giới thiệu là người yêu. Ông chửi mắng, đánh đập khiến con day dứt vì tội bất hiếu. Chiều lòng cha mẹ, Thu Hồng đi lấy chồng. Nhưng hai năm hôn nhân như trong địa ngục. Cô luôn sợ hãi khi chồng muốn gần gũi. Hồng ly hôn, sống như một người đàn ông và công khai tình cảm với một cô gái.
Vợ chồng ông Nam như rơi xuống vực. Đứa con gái xinh đẹp, giỏi giang, lấy chồng Hàn Quốc bỗng dưng ly hôn, biến thành người đồng tính. Ông bà từ mặt con hai năm liền, cho đến khi Thu Hồng dọa “không cho con cưới thì con chết”. “Thôi thì thà rước dâu về còn hơn làm đám ma cho con”, ông nói.
Để thay đổi mẹ, Tùng (đã đổi tên thành Kim) âm thầm giới thiệu mẹ với cộng đồng LGBT để bà tìm hiểu. “Hóa ra rất nhiều bà mẹ đau khổ giống tôi, nhưng họ vẫn chấp nhận cho con được sống thật”, người mẹ nói.
Không đồng tình nhưng cũng không phản ứng mạnh mẽ, bà Vũ Thị Giám, 66 tuổi, ở Thủy Nguyên, Hải Phòng âm thầm chịu đựng nỗi đau, để con được sống vui.
Sau khi có một con trai cả và bốn con gái, vợ chồng bà Giám cố thêm đứa con trai út. Từ bé, cậu bé đã thích lấy guốc của các chị ra đi, nói năng nhỏ nhẹ. Nhưng cũng như bà Thắm, bà Giám nghĩ con trẻ con. “Đến tuổi trưởng thành, tôi bảo con ‘lấy vợ đi’, nó bảo ‘mẹ thích đi mà lấy’, nhưng tôi có nghĩ gì đâu”, bà nói.
Chứng kiến con làm công nhân, mang vác máy lọc nước đi lắp, bán cho khách, người mẹ nghĩ cậu con út chỉ có vẻ ngoài “hơi ẻo lả”. Bà Giám đâu biết con đang cố làm việc để tích tiền đi chuyển giới.
Sang Thái Lan, phẫu thuật, đổi tên thành Hà An xong, con bà mới gọi về báo tin với mẹ và anh chị. “Trời đất như sụp đổ. Tôi sốc, buồn khổ lắm”, người mẹ nói. Một tuần liền bà không ăn, mất ngủ. “Tôi ước con lấy vợ, sinh cho mình một đứa cháu nội. Ước muốn đơn giản vậy mà không được”, giọng bà trầm lại.
Nhưng được các con gái động viên, xem các chương trình trên mạng, người mẹ tự động viên mình “quan trọng là con hạnh phúc”.
Trong một khảo sát của VnExpress với gần 500 độc giả, 70% cho biết sẵn sàng đón nhận giới tính thật của con, miễn con hạnh phúc. Có 21% giống bà Giám, ông Nam ban đầu sốc, đau khổ, nhưng vẫn ủng hộ con. Trong khi đó, 9% (44 độc giả) không chấp nhận thực tế này.
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm khuyên các bậc cha mẹ nên tìm hiểu kiến thức về cộng đồng LGBT để hiểu, đồng cảm và dẫn dắt con sống đúng với giới tính thật của mình. “Tại sao khi con sống như giới tính bố mẹ sinh ra thì yêu thương, chăm chút con, còn công khai giới tính thật lại hắt hủi, dằn vặt, xấu hổ. Nếu như vậy, cha mẹ đang yêu mình, coi trọng sĩ diện của mình chứ đâu phải yêu con”, bà Tâm phân tích.
Một khảo sát năm 2010 của Táo Xanh, diễn đàn dành cho cộng đồng LGBT cho thấy, 80% người thuộc cộng đồng này muốn được gia đình yêu thương và thừa nhận. “Lạt mềm buộc chặt. Tôi mong những người làm cha làm mẹ sẽ là chỗ dựa tinh thần cho con, chứ không phải nỗi ám ảnh”, ông Huỳnh Minh Thảo nói.
Hiểu hơn về cộng đồng LGBT, bà Thắm dần đón nhận Kim trong hình hài nữ giới. Khi mẹ mở lòng hơn, Kim rủ bà và em đến dự một sự kiện về LGBT. Trong sự kiện đó, bà Thắm được mời lên sân khấu. Đứng trên bục, người phụ nữ òa khóc, nói: “Tôi thực sự rất buồn khi biết cả hai đứa con đều là người chuyển giới. Chúng không thể sinh cho tôi những đứa cháu. Nhưng giờ đã hiểu hơn, tôi chấp nhận sự thật này, miễn sao các con hạnh phúc, được là chính mình”.
Sau này, khi con gái Yến Nhi thay đổi vẻ ngoài, sống như đàn ông, bà Thắm bình thản đón nhận.
Bà nhận ra khi sống đúng với giới tính thật, cả hai người con đều hạnh phúc, vui vẻ, vững vàng trước sóng giớ cuộc đời. “Giờ tôi chẳng đau khổ, buồn phiền gì nữa. Kim vừa kết thúc đợt phẫu thuật chuyển đổi giới tính, nhưng trong lòng tôi, từ lâu con đã là một cô con gái”, người mẹ cười, nói.
Phạm Nga