Hà NộiMỗi lần mở tủ quần áo, thấy “không còn chỗ nhét” mà chẳng biết mặc gì, Huyền Trang biết mình cần làm phải cách mạng khu vực này.
Nhưng cô gái 32 tuổi ở quận Thanh Xuân cũng hình dung được để sắp xếp lại toàn bộ chỗ quần áo của mình, ít nhất cũng vài ngày. Do mua sắm quá tay cùng thói quen tích trữ, đồ của Trang chất đống trong tủ, xếp dưới chân giường và thậm chí còn phải gửi một phần ở nhà mẹ đẻ.
Cuối tháng 4, nhân khi chuẩn bị chuyển về nhà mới, Trang được bạn bè giới thiệu dịch vụ sắp xếp tủ quần áo chuyên nghiệp. “Họ nói mỗi ca phải thuê tối thiểu hai nhân viên trong hai giờ, giá từ 250.000 đồng đến 400.000 đồng một giờ tùy thuộc vào độ ‘bừa bộn’ của tủ đồ”, Trang chia sẻ. Hôm đó, hai người thợ gấp quần áo mất bốn tiếng để đưa tủ đồ của cô vào khuôn khổ, bình thường số quần áo phải nhét vào hai, ba tủ đồ nay xếp gọn, phân loại từng món đồ và màu sắc, trong một tủ. Tổng chi phí hết hai triệu đồng.
“Số tiền đó xứng đáng vì nếu để mình tự làm chẳng biết đến bao giờ xong”, Trang nói vì cả tuần bận đi làm và trông con nhỏ.
Theo tìm hiểu, dịch vụ này ở Hà Nội chủ yếu được cung cấp bởi các công ty dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, vệ sinh công nghiệp và chuyển nhà trọn gói. “Mình tìm được một bên chuyên sắp xếp tủ quần áo và cung cấp các phụ kiện đi kèm, giá cũng rẻ nên thử liên hệ”, bà mẹ trẻ nói. Hôm đó Trang phải chụp ảnh hiện trạng tủ quần áo và chọn ngày để hai chuyên viên đến hỗ trợ.
“Ngoài tăng tính thẩm mỹ, khiến tủ quần áo ngăn nắp, tôi cũng học cách tiết chế mua sắm, vì mọi món đồ cần mặc đều bày trước mắt”, cô nói và cho biết không còn mất hàng giờ đồng hồ tìm quần áo hay ngại mời bạn bè đến chơi vì nhà bừa bộn.
Dịch vụ dọn tủ quần áo cũng là cứu tinh của Thúy Vy ở quận Bắc Từ Liêm, khi chuẩn bị chuyển mùa. Cô gái 27 tuổi từng nghi ngờ khi tìm đến dịch vụ, do loại hình mới, ít người biết và giá khá cao.
Nhẩm tính chỉ mất hơn một tiếng để sắp xếp tủ đồ, nhưng chứng kiến hai nhân viên lên kế hoạch và làm việc liên tục suốt ba tiếng, cô thừa nhận gấp đồ không đơn giản. Quần áo được phân loại theo chất liệu, tính năng, màu sắc… sắp xếp phù hợp cho từng loại.
“Nhiều người nghĩ bỏ 1,5 triệu đồng thuê người gấp quần áo là xa xỉ, dành cho người giàu. Nhưng nếu chúng giải quyết sự bừa bộn, tủ đồ gọn gàng, ngăn nắp, tiết kiệm thời gian tìm kiếm, tôi thấy phù hợp. Mỗi năm nhờ sắp xếp một, hai lần tôi vẫn đủ chi trả”, Vy nói.
Còn khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng dịch vụ này được cho là bắt nguồn từ Mỹ trong những năm 1980, phát triển ở Nhật Bản và đang là một nghề rất hot ở Trung Quốc.
Không còn là dịch vụ tự phát, đầu năm 2021, công việc sắp xếp nhà cửa (từng được coi là một nghề làm thêm) dần trở nên phổ biến khi được đưa vào danh sách nghề nghiệp mới ở Trung Quốc. Đặc biệt trong đại dịch, nhu cầu thuê chuyên gia dọn dẹp của nước này tăng tới 400%, do người dân có nhiều thời gian ở nhà và mua sắm trực tuyến, khiến tủ đồ không còn chỗ chứa.
Theo số liệu của Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quốc, hơn 40% người sắp xếp quần áo có thu nhập hàng năm là 100.000 tệ (340 triệu đồng) và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ.
Bian Lichun, người sáng lập Liucundao – ngôi trường dạy về nghệ thuật sắp xếp đồ đạc cho những người giàu có tại Trung Quốc, cho biết hiện có hơn 3.000 chuyên gia trong lĩnh vực dọn dẹp. Đài truyền hình CCTV dự tính ngành nghề mới nổi này có thể đạt doanh thu 100 tỷ nhân dân tệ (14,9 tỷ USD) chỉ trong năm 2020.
Dịch vụ này xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2019, ban đầu để phục vụ nhu cầu của người nước ngoài. “Với nhu cầu và thu nhập ngày càng cao của người dân, dịch vụ dọn tủ đồ sẽ trở nên phổ biến, được ưa chuộng. Trước hết là các thành phố lớn”, chị Cao Thị Lê Hiền, 36 tuổi, người sáng lập một công ty sắp xếp tủ quần áo tại Hà Nội, nói.
Hai năm qua, công ty của chị Hiền với các nhân viên được đào tạo bài bản từ khóa học chuyên nghiệp của Trung Quốc và Nhật Bản, phải hoạt động cầm chừng do vướng giãn cách, nhiều khách hàng thành F0, F1. Nhưng trong vài tháng gần đây, lượng khách tăng chóng. Chỉ trong bốn tháng đầu năm, công ty của chị Hiền đã phục vụ hàng trăm gia đình, tổng thời gian làm trên 2.000 giờ.
Chị cho biết, khách hàng đa phần là nữ, có thu nhập khá, nhiều quần áo, trong độ tuổi từ 25 đến 40, đã lập gia đình, công việc bận rộn. Mùa cao điểm của nghề này là vào lúc giao mùa, khách cần thay đổi quần áo hoặc chuyển nhà. Hiện công ty đã kín lịch cho các cuối tuần đến hết tháng 5. Lượng khách đặt trong tuần ít hơn, do bận đi làm.
Tùy từng diện tích nhà, khối lượng quần áo và nhu cầu của khách hàng, sau khi khảo sát các chuyên viên sẽ lên phương án thiết kế tủ đồ khoa học và cung cấp lời khuyên giúp gia chủ gọn gàng, ngăn nắp. Trung bình mỗi gia đình mất khoảng bốn tiếng nhưng với người nổi tiếng, nhiều quần áo, phụ kiện phải đến 3-4 ngày.
Theo chị Hiền, vấn đề lớn nhất của khách hàng là mua sắm nhiều nhưng không có thời gian để phân loại, sắp xếp và quản lý lượng đồ sở hữu. Đặc biệt thói quen thích nhồi nhét khiến nhiều quần áo mua về vài tháng, thậm chí vài năm mà gia chủ chưa từng sử dụng.
“Có những khách hàng mua đến hàng trăm chiếc quần legging đen cùng kiểu, nhiều chiếc váy áo còn nguyên mác, nhưng họ luôn phàn nàn không có đồ để mặc”, bà chủ 36 tuổi chia sẻ. Không chỉ giúp cho tủ đồ của khách ngăn nắp hơn mà trong quá trình sắp xếp, các chuyên viên còn có nhiệm vụ tư vấn, hướng dẫn cách sắp đặt sao cho khoa học, tối giản. “Tức là phải xếp đồ ở đâu để gia chủ dễ tìm thấy. Chỉ khi ngăn nắp họ mới tiết chế được sức mua”, chị nói.
Cái khó của nghề này là mới, giá thành khá cao và đòi hỏi tính tỉ mỉ. Nhiều khách có nhu cầu nhưng khi nghe đến giá dịch vụ họ lại thay đổi ý định, lượng khách thường xuyên hoặc đặt định kỳ còn hạn chế. “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ có thêm ưu đãi cho nhiều khách hàng ở các phân khúc khác nhau, từ đó để loại hình này trở nên phổ biến hơn”, chị Hiền cho biết.
Còn với Huyền Trang, cô nói bỏ tiền triệu để thuê người gấp quần áo khá xa xỉ nếu làm định kỳ. Nhưng trong điều kiện tài chính cho phép, có thể cố gắng một năm hai lần, để làm mới tủ đồ, loại bỏ những món đồ không cần thiết.
“Nếu giá rẻ hơn, có nhiều chính sách ưu đãi, tôi sẽ thuê thường xuyên”, cô cười.
Quỳnh Nguyễn