Để tìm được người chồng tương xứng hoàn cảnh và phù hợp về tính cách, các cô gái Trung Quốc có học vấn cao phải chi hàng chục nghìn tệ.
Hai ngày trước lễ Tình nhân, nhiệt độ ở Bắc Kinh xuống âm 10 độ. Trong một quán cà phê ở phố Vọng Kinh, hơn 60 nam nữ độc thân khiến không khí trở nên nóng bức.
Họ là những người tốt nghiệp đại học thuộc dự án 985 (gồm 38 trường đại học đẳng cấp thế giới của Trung Quốc), ngoài ra còn có người tốt nghiệp ở những trường quốc tế danh giá như Cambridge, Stanford. Tuổi trung bình nữ giới là 30 với chiều cao trung bình 1m66, nam giới là 33, chiều cao 1m77.
Những người này đang tham gia buổi giao lưu có tên “8 phút hẹn hò”. Nam nữ được chia thành những dãy bàn riêng, sau 8 phút trò chuyện, chàng trai sẽ đứng dậy và đổi sang bàn tiếp theo, điều này đảm bảo mọi người đều có cơ hội giao tiếp với nhau.
Ý tưởng của chương trình “8 phút hẹn hò” xuất phát từ một nghiên cứu trong đó khẳng định 8 phút là khoảng thời gian đủ dài để hai người gây ấn tượng với nhau và thiết lập sự kết nối.
“Tai tôi ù đi”, Tiểu Nhiễm thở dài sau khi trò chuyện với hơn 30 chàng trai. Chiếc áo khoác len và cặp kính gọng đen khiến cô trông giống một nhân viên phỏng vấn nhân sự. Vì là lần đầu tham gia buổi hẹn hò kiểu này nên trên tay Tiểu Nhiễm luôn cầm danh sách tên tuổi, nghề nghiệp đối phương do ban tổ chức cung cấp, tránh nhầm lẫn.
Sau sự kiện kéo dài 3 tiếng rưỡi, cô gái này thừa nhận, không có chàng trai nào gây ấn tượng đặc biệt. “Hơi phí thời gian!” cô phàn nàn.
Học lên cao khiến ra trường muộn, cộng thêm áp lực công việc khiến thời gian yêu đương của những người sinh sau những năm 1990 như Tiểu Nhiễm bị thu hẹp. Dưới tác động của nhiều yếu tố, những cô gái này trở thành lực lượng chính trên thị trường hẹn hò ở các thành phố hạng nhất Trung Quốc.
Để tìm được đối tượng phù hợp với trình độ học vấn cũng như hoàn cảnh tương đương, mỗi cô gái sẽ tốn 50-200 tệ để nộp hồ sơ trực tuyến cho những công ty mai mối. Một số gói hẹn hò cao cấp thậm chí có giá hàng chục nghìn tệ. “Trung bình, tôi phải trả từ 4.000-5.000 tệ cho một buổi hẹn hò”, Tiểu Nhiễm nói.
Năm 2018, số người độc thân ở Trung Quốc đạt 246 triệu người, chiếm 17,65% tổng dân số cả nước, theo Cục Thống kê Quốc gia. Trong 3 triệu người từ 25-33 tuổi tham gia khảo sát “Báo cáo năm 2021 về hành vi kết hôn và hẹn hò của những thanh niên trình độ cao” cho thấy hơn 60% nữ giới dưới 30 tuổi có nhu cầu hẹn hò, trong đó con số này ở nam giới là 51,9%.
Từ năm 2015 tới nay, Trung Quốc xuất hiện một loạt các nền tảng hẹn hò cho những thanh niên trình độ cao. Moon – người sáng lập nền tảng hẹn hò có tên “Giải cứu thanh niên độc thân” cũng không ngờ rằng kết quả vượt xa mong đợi. “Từ vài chục, giờ trang web của tôi có hàng triệu thanh niên đăng ký”, Moon nói.
Một trang web hẹn hò khác có tên “Hoa nở nơi lạ HIMMR” yêu cầu thành viên tham gia phải tốt nghiệp đại học thuộc dự án 985 hoặc 100 trường đại học top đầu thế giới. Người dùng mới phải gửi tất cả các chứng chỉ giáo dục đại học của họ khi tạo tài khoản, trong khi những người đã học ở nước ngoài phải được Bộ Giáo dục Trung Quốc xác minh bằng cấp. Ngay cả khi điều kiện khắc nghiệt như vậy nhưng cũng không ít cô gái đăng ký cả hai tháng vẫn chưa tới lượt vì quá đông.
Hiện cách tính phí của những trang web hẹn hò như “Giải cứu thanh niên độc thân” hay “Hoa nở nơi lạ HIMMR” được chia làm hai loại: online và offline. Phí thành viên hàng tháng là vài trăm tệ. Mỗi khi xem hồ sơ của ai đó, các thành viên phải trả thêm phí.
Văn Tĩnh là thành viên của một trang web hẹn hò cách đây khá lâu. Tuy vậy, nữ nhân viên văn phòng nhận thấy trang web này có ít thành viên là nam giới. Cách đây không lâu, một bác sỹ đẹp trai xuất hiện trong danh sách giới thiệu, ngay lập tức Văn Tĩnh đã chi 50 tệ để được liên lạc với đối phương. Tuy nhiên, do có quá nhiều hồ sơ gửi đến, chàng trai đã không chọn Văn Tĩnh. Theo quy định, cô được trả lại 50 tệ.
“Không đáng tin cậy”, cô gái 33 tuổi phàn nàn. Trải nghiệm thất bại này khiến cô không còn tin tưởng hẹn hò qua Internet nữa. Dù bản thân cô hiểu rõ việc hẹn hò trực tuyến như vậy ít chi phí hơn nhiều so với việc hẹn hò trực tiếp, có thể lên tới cả nghìn hay hàng chục nghìn tệ.
Sau khi bước qua tuổi 27, Lâm Y trở nên khẩn trương hơn với việc hẹn hò của mình. Cô đã tham khảo một loạt công ty hẹn hò trên internet. Theo đó, để được sắp xếp gặp gỡ một nam giới có hoàn cảnh tương tự, giá khởi điểm từ 20.000 tệ đến 60.000 tệ.
Sau ba năm khảo sát, cuối cùng cô gái 30 tuổi đồng ý trả tiền để trở thành thành viên của một trang web hẹn hò mới. Theo đó, Lâm Y phải trả 14.000 tệ để được sắp xếp cuộc hẹn với bốn người. Đây là mức giá được coi là thấp nhất thị trường. May mắn, ở buổi gặp gỡ thứ hai, cô tìm được người phù hợp. Quá phấn khích, Lâm Y chia sẻ kinh nghiệm hẹn hò của mình trên trang cá nhân, nhận được hàng nghìn lượt bình luận.
So với Lâm Y, Vương Nghiên, 35 tuổi có lịch sử hẹn hò lâu hơn. Kể từ năm 2010 tới nay, cô liên tục là thành viên của những trang web hẹn hò lớn. Thậm chí năm 2020, cô gái này chi tới gần 15.000 tệ để trở thành thành viên cao cấp, nhưng đến giờ vẫn lẻ bóng. “Tôi chỉ tin tưởng những ai có nền tảng gần giống như mình”, Vương khẳng định.
Là nhân viên ngân hàng cao cấp với mức lương hàng năm gần một triệu tệ, Vương Nghiên luôn làm việc với cường độ cao, không có thời gian hẹn hò. Càng lớn tuổi, cơ hội của cô càng ít đi. Cô gái này nhận thấy thị trường hẹn hò cho những người trình độ cao ở thành phố lớn như Thượng Hải hay Thâm Quyến, hiện tượng phụ nữ nhiều hơn nam giới là phổ biến.
Thực tế, ở nhiều thành phố khác của Trung Quốc, thị trường hẹn hò dành cho người có trình độ từ lâu đối mặt với tình trạng “nữ nhiều hơn nam”. Khi đăng ký tham gia các hoạt động offline của các trang web hẹn hò, chỉ vài giây, suất cho nữ giới hết sạch, còn nam giới rất lâu sau mới lấp đầy.
Lấy số liệu của trang web hẹn hò “Giải cứu thanh niên độc thân” năm 2021 làm ví dụ. Tỷ lệ người dùng nam trên nữ là 46/54 ở Quảng Châu, ở Thâm Quyến tỷ lệ này cao hơn là 43/57. “Đối với những phụ nữ độc thân sẵn sàng kết hôn, thị trường hẹn hò lại không bình đẳng. Tuổi tác không gây áp lực cho đàn ông, nhưng đối với phụ nữ lại là một vấn đề lớn.”, Moon, người đồng sáng lập trang web này nêu lý do.
Trong khi đó, Jesse Fang, chuyên gia mai mối cho trí thức trẻ ở Trung Quốc cho rằng, có người sẽ gặp bạn đời phù hợp chỉ vài tháng, nhưng có người tìm mãi chẳng ra. “Nhiều cô gái độ tuổi 30 có trình độ, việc làm lương cao, ăn mặc sành điệu và sở hữu căn hộ riêng. Họ chắc chắn sẽ không hạ tiêu chuẩn chọn chồng nhưng sự thật là đàn ông cùng lứa lại có xu hướng chọn người trẻ tuổi hơn”, Jesse Fang nói.
Thực trạng phụ nữ học vấn cao khó tìm được người tương xứng ở Trung Quốc ngày càng nhiều. Bởi vậy, với những người như Vương Nghiên, sau cả chục năm không tìm được đối tượng phù hợp, cô cho rằng, nếu thành đôi thì đó là phần thưởng, nếu không phụ nữ vẫn phải vui vì còn sự nghiệp riêng.
“Thế giới còn rất nhiều điều đáng quý. Cuộc sống không thể mất giá trị chỉ vì bạn không lấy được chồng”, cô nói.
Vy Trang (Theo qq)