Hà NộiDưới tán bồ đề, Kiều Cao Dũng nhấc chiếc lá rụng khỏi đầu, soi dưới ánh mặt trời và phát hiện lá vàng như quả bưởi chưng Tết mà không hề héo úa, cong vênh.
Chàng trai quê Đại Đồng, huyện Thạch Thất nhận ra lá bồ đề có hệ thống xương chằng chịt như mạng nhện nên cứng chắc và có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm khác nhau.
“Tôi nghĩ mình sẽ làm nón lá bồ đề – một sản phẩm chưa có ai làm cả”, Dũng, 39 tuổi, kể về nguyên nhân của quyết định khởi nghiệp, giữa năm 2021.
Chiếc nón lá là biểu tượng của Việt Nam tự bao đời nay với các nguyên liệu quen thuộc từ cọ, tre, dừa, lá nón và cũng đã có rất nhiều người đã sáng tạo thêm như nón lá sen, lá bàng ở Huế, nón lụa ở làng Chuông (huyện Thanh Oai). Cao Dũng muốn góp thêm một cách làm nón mới, để khi nhắc đến nón lá bồ đề là gắn với Hà Nội.
Bằng kinh nghiệm của người đầu tiên ở Việt Nam làm thành công hoa sen bất tử, Dũng áp dụng vào lá bồ đề nhưng khi khâu nón, sản phẩm cục mịch, nặng nề, nếu bán chẳng ai mua. Dũng biết cần phải tách thịt lá khỏi xương.
Những ngày đầu tháng 5/2021, cả nước gần như đóng băng trước làn sóng dịch Covid-19, Dũng một mình lặn lội về làng nghề làm tranh lá bồ đề ở Ninh Bình, học cách tách lá bằng nước vôi. Song phương pháp này cũng không khiến anh hài lòng vì cần tới 60 ngày.
Anh vào Huế, gặp người làm nón lá bàng rừng để học được cách ủ bằng clo, thời gian vẫn mất 60 ngày. Dũng tiếp tục vào TP HCM gặp người làm sen bất tử dựa trên kỹ thuật ủ muối của người Nhật.
Kết hợp kỹ thuật của những người đi trước với kiến thức học hỏi từ các chuyên gia hóa sinh, Dũng rút ngắn được thời gian từ 60 xuống 30 ngày, cuối cùng chỉ còn một ngày. Tuy nhiên, với phương pháp này anh gặp tình trạng xương lá bị mềm dẻo, không thể làm nón. Trong xương lá có hai thành phần cơ bản là photpho và canxi, Dũng đã bổ sung canxi mà vẫn không ra được chiếc lá ưng ý.
Một đêm tháng 6 quá mệt mỏi, Dũng quyết định nghỉ sớm. Đang miên man nghe nhạc, bỗng một ý tưởng lóe lên trong đầu anh: Tại sao chiếc lá có xương sống to, xương cánh, xương màng nhỏ dần đều? Nếu vậy cùng một lực tác động thì những xương bé hơn sao chịu nổi. “Tôi nhận ra sai lầm bấy lâu là nghiên cứu trên tổng thể chiếc lá. Thực tế một chiếc lá đang có ít nhất ba bộ phận khác nhau”, Dũng chia sẻ.
Bật dậy, anh bắt tay vào thử nghiệm. 5h sáng hôm sau, Dũng có bộ xương lá như mong muốn.
Thành công bước đầu, Kiều Cao Dũng về làng Chuông tìm người chằm nón lá bồ đề cho mình. Ở đây cả tuần, anh tìm gặp những người làm nón có tay nghề nhất nhưng tất cả đều từ chối vì không ai nghĩ thứ lá đó có thể khâu thành nón.
Cao Dũng tiếp tục tìm đến làng nón Phú Mỹ, huyện Quốc Oai. Một lần nữa, những người làm nghề lâu năm nhất ở đây đều từ chối. Chàng trai buồn song không nản. Qua người quen, anh được giới thiệu tới bà Doãn Thị Thái, 61 tuổi, đã có 56 năm tuổi nghề.
Nhớ lại ngày Dũng mang tệp lá bồ đề đến nhà, bà Thái chỉ biết đang có một loại nguyên liệu làm nón mới, nhưng không tin tưởng sẽ thành công. Bà thử những cách chằm khác nhau, vẫn không tài nào thành được chiếc nón ưng mắt. “Thôi trả cháu, bác không làm được”, bà nói sau ba lần thất bại.
Mỗi lần cầm chiếc nón hỏng, lòng đau xót, tay Dũng run run nhưng miệng vẫn cười nài nỉ: “Chúng ta đã đi được nửa chặng đường rồi. Bác cố giúp con lần nữa thôi”.
Người ngoài không biết rằng, để chằm một chiếc nón mất trên 500 xương lá, tương đương hai ngày làm việc của Dũng. Để có tiền trả công thợ, anh thạc sĩ từng du học phải nghỉ việc đi buôn bưởi. Anh tự leo cây hái quả, ngày đêm chở bưởi từ quê sang nhà ở Long Biên bán, mong có thêm đồng lãi.
“Nhưng trên tất cả sự vất vả ấy là cảm giác bất lực và hoang mang vào con đường đang đi, bởi tôi không phải là thợ chằm nón. Thành bại phụ thuộc vào người khác”, Dũng chia sẻ.
Lần thử thứ tư, một chiếc nón thành hình. Dũng tiếp tục góp ý nên sắp xếp cho xương sống lá thành một hàng và giấu đường chỉ để thẩm mỹ hơn. Cuối cùng, nhiệt huyết của chàng trai cùng sự khéo léo của người nghệ nhân đã tạo ra một kỹ thuật làm nón mới không lộ đường chỉ.
Nón có chín tầng lá được xếp từ nhỏ đến lớn, trong đó hai tầng trên cùng xếp hình xoáy trôn ốc, giúp chóp nón cứng, bền, che mưa nắng tốt hơn các nón thông thường. Chưa hài lòng, Dũng tiếp tục học cách nhuộm xương lá, từ đó tạo ra những chiếc nón như bông hoa sen ở nhiều giai đoạn khác nhau. Khi là nụ xanh mướt hay phớt hồng chúm chím, lúc là bông sen nở bung rực rỡ. Ngoài nón sen hồng, sen trắng, còn có cả sen vàng.
Thành công với nón lá, chàng trai tiếp tục dùng xương lá bồ đề kết đèn hoa đăng, đan thành quạt và những chiếc lá lưu niệm từ xương lá bồ đề.
Trước khi theo đuổi làm các đồ thủ công, Kiều Cao Dũng là quản lý một khách sạn ở Hà Nội. Hơn 15 năm làm trong ngành du lịch, anh biết khách luôn có nhu cầu mua đồ lưu niệm ở những nơi đặt chân tới, song thực tế hầu hết đồ lưu niệm bị lai tạp xuất xứ.
Cơ duyên đưa anh trở thành học trò của Nghệ nhân nhân Nguyễn Bá Mưu – người được mệnh danh ông tổ của ngành hoa khô Việt Nam. Đam mê bí quyết làm hoa lá bất tử, Dũng bỏ nghề du lịch. Từ những bài học của thầy, Dũng đã dành ba năm nghiên cứu để sáng tạo ra những sản phẩm gắn liền với tên tuổi mình, như hoa sen bất tử, tranh Đông Hồ, tranh Hàng trống trên lá sen… Nay, một lần nữa nón lá bồ đề gắn với tên Kiều Cao Dũng.
“Có lẽ là một người học văn chương nên trong tôi luôn có thôi thúc được khẳng định cái tôi trong xã hội, để một khi hóa thành cát bụi không bị vô danh”, Dũng bộc bạch về động lực đằng sau mọi sáng tạo của mình.
Giờ đây, chàng trai Hà Nội mong chiếc nón được làm từ lá của loại cây mang biểu tượng Phật giáo sẽ che mát cho các phật tử khắp nơi trên thế giới trong hành trình tu hành, giống như hơn 2.600 năm trước, Phật Thích ca mâu ni ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề, được cây toả mát chở che và đắc đạo.
Phan Dương