Bún cá không phải cái tên nhắc đến đầu tiên khi nói về ẩm thực của thành Nam, nhưng lại là thứ được bày bán nhiều nhất dịp Tết.
Bắt đầu từ chiều mùng 1 Tết, nhiều hàng bún cá bắt đầu mọc lên “như nấm” tại các khu chợ địa phương, hoặc vỉa hè vắng vẻ của các con phố. Đó cũng là khi, người dân đã bắt đầu “ngấy” với các món ngon nhưng nhiều dầu mỡ như bánh chưng, gà luộc, măng mọc… Và các hàng bún cá bắt đầu tấp nập thực khách ghé thăm.
Bún cá Nam Định nấu đơn giản, không cầu kỳ với nước dùng hầm xương, những sợi bún trắng lấp ló sau những miếng cá rán vàng ươm kèm rau thơm, hành lá và rau cần chần tái. Nước dùng có vị thanh, ngọt dịu và được phục vụ thêm một rổ rau sống nhỏ. Chừng đó thôi cũng khiến thực khách là người dân xa quê trở về, du khách đến đền Trần hành hương hay người địa phương ăn uống ngon lành và hứng thú giữa tiết trời lạnh.
Giá mỗi bát bún từ 40.000 đồng. Ban đầu, bún cá chỉ gồm cá trôi thái mỏng, tẩm ướp, chiên giòn, có thể nhai được cả xương và không bị ỉu hay bở dù ngập lâu trong nước dùng. Nhưng sau này, để chiều lòng thực khách, các hàng quán bắt đầu bán thêm các loại “topping” khác như thịt viên, mọc hay sườn sụn.
Trên thực tế, bún cá không phải đặc sản được nhắc đến đầu tiên trong danh sách ẩm thực nổi tiếng Nam Định. Nhưng nó là món nhất định phải thử trong những ngày đầu xuân năm mới nếu bạn ghé thăm thành phố. Sự xuất hiện của món ăn này cũng không mang ý nghĩa đặc biệt hay gắn liền với một điển tích, điển cố nào xa xưa. Nó đơn giản chỉ được coi là món ăn chống ngấy cho ngày Tết, và truyền thống ăn bún cá này đã xuất hiện từ hơn 20 năm trước.
Vào những ngày thường bún cá thường chỉ bày bán trong các khu chợ. Chỉ vào dịp Tết, đường phố mới đầy ắp các hàng quán tự phát mọc lên để bán món ăn này. Sau ngày rằm tháng giêng, các quầy hàng tự phát này sẽ ít dần đi, rồi hết hẳn. Nếu muốn được tận hưởng lại không khí “nhà nhà, người người” ăn bún cá này, thực khách lại phải đợi đến dịp Tết năm sau.
Phương Anh