PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, sự chia sẻ và thấu hiểu trong gia đình là điều kiện quan trọng để trẻ mở lòng với chính cha mẹ.
Trong buổi livestream kéo dài hơn 60 phút, trực tiếp giải đáp thắc mắc của người xem xung quanh vấn đề trầm cảm vị thành niên, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa – Viện trưởng Viện tâm lý học và truyền thông đã tập trung chia sẻ hai khía cạnh là tạo sự kết nối với con cái và phương thức đồng hành cùng con trẻ trong hành trình vượt qua trầm cảm, khó khăn về tâm lý.
Làm bạn với các con để tìm hiểu tâm tư, sinh lý
Một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm và đặt câu hỏi là làm thế nào để có thể nói chuyện và giữ sợi dây kết nối khi con cái bắt đầu bước vào lứa tuổi dậy thì. PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, ở tầm tuổi này, trẻ sẽ có nhu cầu giao tiếp, tạo kết nối với bạn bè nhiều hơn. Vì vậy, nếu muốn gắn kết với con, phụ huynh cần phải nhìn nhận, mối quan hệ với con cái cũng như sự tin tưởng, gắn bó cần đến từ hai chiều.
“Nếu muốn trẻ tin tưởng, trao đổi về điều bí mật với mình, các bậc phụ huynh cần phải tự xét xem mình đã tin con chưa, liệu có đến mức để con cũng tin tưởng mình ở mức độ đó không. Có một vấn đề là cha mẹ thường lo lắng con sẽ sinh hư ở tuổi vị thành niên. Nhưng các nhân cách của trẻ hình thành rất sớm, từ khi ở trong bụng mẹ. Đến 3 – 4 tuổi, nét chính trong nhân cách đã hình thành và sau đó xã hội sẽ hoàn thiện dần những nét tính cách đó. Vì vậy, phụ huynh không nên sợ hãi là trong một vài tháng mà nhân cách con có thể thay đổi. Hãy tin tưởng, trao đổi thẳng thắn nhiều hơn để gắn kết với con hơn”, vị chuyên gia cho biết.
Trẻ ở lứa tuổi vị thành niên thường khó nói chuyện với cha mẹ, một trong số các phương pháp được các chuyên gia gợi ý để cải thiện tình trạng này là viết thư cho con. Phụ huynh không nên lo lắng quá nhiều khi thấy con không trả lời, hãy tin rằng những lá thư của mình ít nhiều đều tác động đến trẻ. Đây là một cách để tăng cường giao tiếp với con.
Đặc biệt, bà Hoa cũng cho biết, dấu hiệu của trầm cảm không chỉ xuất hiện trong các biểu hiện nổi loại, hoặc trẻ sinh hư, bà nhấn mạnh những trẻ ngoan và học giỏi càng phải cần được quan tâm nhiều hơn. Việc học giỏi và sự khỏe mạnh về sức khỏe tinh thần không liên quan và gắn bó với nhau. Tiến sĩ chia sẻ: “Có một loại trầm cảm là trầm cảm chức năng cao, xảy ra khi các em rất giỏi và đặt ra cho mình mục tiêu lớn, nhưng lại đánh giá mình rất thấp, thấp hơn nhiều so với thực tế khả năng và tự đặt ra áp lực cho bản thân, vì vậy trẻ học càng giỏi càng cần chăm sóc quan tâm sức khỏe tinh thần”.
Ở lứa tuổi vị thành niên, nếu phát hiện con gặp vấn đề về tâm lý, vị chuyên gia khuyên phụ huynh nên đưa các đến thăm khám bác sĩ. Đặc biệt, cha mẹ cần quan tâm đặc biệt đến giấc ngủ, bữa ăn, khuyến khích con tham gia hoạt động thể chất, hoạt động nghệ thuật. Trị liệu về nghệ thuật có ích trong rất nhiều trường hợp, giúp trẻ bộc lộ những khó khăn về tâm lý.
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa khuyến nghị cha mẹ không nên tự gắn mác trầm cảm con cái thông qua một vài biểu hiện hành vi. Thay vào đó, nếu thấy con có triệu chứng kéo dài, thường xuyên nên động viên trẻ thăm khám bác sĩ và tham vấn các chuyên gia.
Đồng hành cùng con cái trên hành trính vượt qua trầm cảm
Đối với những phụ huynh có con đang điều trị trầm cảm, PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết bà thấu hiểu với những khó khăn mà họ phải đối mặt khi chứng kiến con cái trải qua những cơn trầm cảm ngắn, dài, liên tục tái phát. Bà cho biết, đều trị trầm cảm cần phải kiên trì, không nên nản chí
Đối với câu hỏi đâu là biện pháp để tránh các cơn trầm cảm, điều này rất khó bởi dau khi điều trị bằng thuốc, trầm cảm vẫn có thể tái phát, tùy thuộc vào từng đối tượng. Có trầm cảm theo mùa, nhiều trẻ trở bệnh vào mùa đông khi thiếu ánh nắng mặt trời, hoặc phát bệnh vào mùa hè khi thời tiết bức bối khó chịu.
“Trong quá trình điều trị, nếu các cơn trầm cảm bớt dần, thời gian trầm cảm ngắn dần, ít đi về số lượng, giảm đi về biên độ thì cũng là thành công”, vị chuyên gia cho biết. Đặc biệt, bằng cách ghi chép, trẻ có thể khám phá được cách đối phó với trầm cảm như: tập thở, tập thiền, ngồi một mình, đọc bài chú, hoặc đi tắm nước nóng… Hoặc trong thời gian căng thẳng, cảm thấy cơn trầm cảm sắp tới có thể tập yoga, ăn đồ ngọt… điều đó cũng giúp trầm cảm tới ngắn hơn, nhẹ hơn.
PGS. TS Nguyễn Thị Phương Hoa khuyên các bậc cha mẹ cần duy trì sự kiên nhẫn và tin tưởng, đồng thời thời ghi chép lại hành trình cùng con đấu tranh với chứng trầm cảm. Thông qua những ghi chép, phụ huynh có thể nhận thấy con mình có những bước biến chuyển theo từng tháng, từng năm, từ đó xây dựng niềm tin là theo thời gian, con mình sẽ học được cách để đối phó với bệnh tật.
“Các con có thể phải sống với trầm cảm thời gian dài, nhưng nếu ghi chép, bố mẹ sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để đối mặt với trầm cảm của con, biết được cách ứng xử tốt trong từng hoàn cảnh. Ghi chép cũng có thể cho chúng ta thấy vấn đề ở chính mình để chủ động sửa chữa và thay đổi”.
Trong hơn một tiếng hỏi đáp, bà Hoa đã đưa ra hàng loạt tư vấn hữu ích, giải đáp những thắc mắc cho phụ huynh trong việc phòng ngừa, nhận biết, chữa lành. Những chia sẻ từ buổi livestream cũng hướng đến việc giải quyết những vấn đề thực tế khi cha mẹ có con mắc trầm cảm.
Thảo Miên