Hải PhòngTừ ngày học chung lớp 2 với Anh Đức, Tuấn Khang tự nhận trách nhiệm đưa, đón bạn đến trường mỗi ngày.
Hơn bốn năm qua, người dân ở thôn 3, xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo đã quen với cảnh mỗi sáng cậu học sinh lớp 6 Bùi Tuấn Khang gồng mình, đẩy xe lăn nửa cây số, đưa cậu bạn thân liệt nửa người Vũ Anh Đức đến trường.
Tới cửa lớp, Khang trụ vững hai chân, tay xốc nách, đỡ Đức từ xe lăn đứng dậy. Thân hình gầy gò, nặng 30 kg của em thành cây nạng, dìu cậu bạn nặng gấp rưỡi mình vào chỗ ngồi, sau đó mới ra cất gọn xe lăn vào một góc.
“Không có Khang động viên và đưa đến trường mỗi ngày, chưa chắc em kiên trì đi học đến giờ”, Đức nói.
Anh Đức từng là đứa trẻ khỏe mạnh nhưng sau trận sốt cao năm ba tuổi, em liệt nửa người trái, bác sĩ chẩn đoán “bị virus chạy vào khớp, không thể cứu chữa”. Từ đó, cuộc đời cậu bé gắn liền với xe lăn, em về sống cùng bà ngoại khi bố mẹ làm công nhân ở Quảng Ninh.
Thể trạng ốm yếu không thể học mẫu giáo, bà Nguyễn Thị Thìn, 72 tuổi, bà ngoại Đức, dạy cháu tập viết tại nhà. Những ngày đầu. do tay trái bị liệt, không thể giữ vở theo ý muốn, các nét chữ Đức viết nguệch ngoạc “như vẽ giun, vẽ rắn lên giấy”.
Lên 6 tuổi, nhiều người khuyên gửi Đức vào trường khuyết tật nhưng bà Thìn từ chối, quyết cho cháu vào trường Tiểu học Giang Biên vì không muốn em tự ti. Ở lớp, nhà trường tạo điều kiện cho nam sinh ngồi bàn đầu, lớp học dưới tầng một để tiện di chuyển.
Thấy Đức ngồi xe lăn, một số bạn bè trêu, gọi “thằng què”, “đứa khuyết tật”, em tủi thân, mếu máo về mách bà. “Khi cháu học tập tốt, thành người có ích, các bạn không thể chê cười”, bà Thìn động viên cháu trai.
Lên lớp 2, Đức học chung lớp với cậu bạn Bùi Tuấn Khang, ở thôn 4, xã Giang Biên. Biết Đức sống với bà ngoại ốm yếu, Khang xin bố mẹ cho đi học trước 20 phút, đưa bạn cùng bàn đến trường. “Con muốn giúp lúc bố mẹ Đức đi làm xa. Chân của bà bị đau, không tiện đưa bạn đi học”, Khang nói với bố.
Nghe con bày tỏ mong muốn, anh Bùi Văn Đóa, 52 tuổi, bố Khang, đồng ý nhưng không quên con dặn cẩn thận, không để bạn ngã. Từ đó, cứ 6h10 mỗi sáng, cậu bé đều đi bộ đến nhà Đức, sau đẩy xe đưa bạn đến trường, kịp giờ lên lớp.
Một ngày bốn lượt, tổng cộng gần 2 km đi học, suốt bốn năm là sự nỗ lực không ngừng của Đức và Khang. Đường đến trường đều bê tông hóa, nhưng nhiều đá dăm, một số đoạn gồ ghề, buộc Khang phải “đánh võng”, không để ngã bạn. Đôi bàn tay của em trở nên thô cứng, chai sạn khi dùng lực mạnh đẩy xe. Nhiều hôm về nhà toàn thân cậu bé mỏi rã rời nhưng chưa lần nào em bỏ ý định đưa bạn đến trường.
Không ít lần thấy người Khang ướt đẫm mồ hôi, ngồi thở dốc trên bậc thềm sau khi đưa bạn về nhà, anh Đóa xót con. Nhưng nghĩ lại cảnh Đức tàn tật, không ai đưa đến trường, hai vợ chồng anh lại động viên con cố gắng.
“Em sợ nhất lúc đưa Đức đi học ngày mưa bão. Trời mưa to, đường trơn, đi không cẩn thận xe trượt bánh, bạn dễ ngã. Lúc nào em cũng đẩy xe thật chậm để đảm bảo an toàn”, Khang kể. Những lúc đó, cậu bé liên tục trấn an, nhắc bạn thân ngồi vững, tay phải bám chặt thành xe.
Sự kiên trì của đôi bạn khiến nhiều người ở xã Giang Biên không khỏi thán phục. “Bất kể mưa phùn, gió bấc hay nắng hè oi bức thằng bé Khang vẫn đến đón bạn. Chỉ hôm nào bị ốm hay có việc bận, bà Thìn mới đưa cháu đi. Suốt bốn năm qua, hiếm khi nào tôi thấy hai đứa nó tách rời”, bà Hoa, hàng xóm gần nhà Đức, nói.
Ở trường, Khang luôn chép bài đầy đủ, phòng lúc Đức đi chữa bệnh không kịp ghi, sau kiên nhẫn giảng phần kiến thức bạn chưa hiểu.
Ngoài giờ học trên lớp và làm việc nhà, Khang xin bà Thìn đưa Đức ra sân bóng hoặc đi quanh thôn cho khuây khỏa. Cậu bé nói muốn bạn trải nghiệm cảm giác được đá bóng, chơi những trò chơi như bạn bè đồng trang lứa, nhưng vẫn đảm bảo an toàn.
Từ ngày Khang đưa Đức đi học, người bà 72 tuổi an tâm, không lo cháu bị cô lập, không hòa nhập với bạn bè. “Thằng bé ngoan ngoãn, học giỏi lại thương người, ở trên trường còn giúp tôi trông nom, chăm sóc cháu Đức đi vệ sinh, ăn uống. Gia đình tôi biết ơn cháu nhiều lắm”, bà Thìn tâm sự.
Trưởng thôn 3, xã Giang Biên cho biết, gia đình bà Đào Thị Thìn có hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng con gái ở xa, một mình bà nuôi cháu trai khuyết tật. “Rất may cháu Đức được bạn đưa đến trường trong nhiều năm. Quãng đường không dài, nhưng đó là sự nỗ lực không nhỏ”, ông nói.
Nhắc về hai học trò, cô Vũ Thị Hà, giáo viên chủ nhiệm lớp 6B, trường THCS Giang Biên cho biết, Tuấn Khang và Anh Đức đều là học sinh ngoan, có ý thức học tập, tiếp thu bài tốt. “Sức khỏe của Đức hạn chế nhưng em không ỷ lại vào hoàn cảnh mà vươn lên. Còn Khang là cậu học trò có lực học khá, chăm chỉ, tốt bụng và giàu tình cảm. Quyết tâm đưa bạn đến trường của Khang không phải học sinh nào cũng có”, cô Hà nói.
Tuấn Khang nói sẽ tiếp tục đưa Anh Đức đến trường hết cấp 2, cấp 3 và lên đại học, nếu hai em tiếp tục học cùng nhau. “Đường xa em có thể đạp xe chở bạn đi học. Em mong có thể giúp Đức vượt lên nghịch cảnh và cả hai sẽ mãi là bạn tốt của nhau”, Khang tâm sự.
Quỳnh Nguyễn