Nếu chuẩn bị tốt vào ngày Chủ nhật, bạn sẽ không còn tình trạng mệt mỏi, chán nản khi bắt đầu công việc vào sáng hôm sau.
Cho bộ não nghỉ ngơi
“Bộ não giống một cỗ máy an ninh ở sân bay, tất cả hành lý đều phải đi qua nó để xử lý”, Sarah Knight, người sáng lập Học viện Mind The Gap, giải thích. Cô khuyên nên cho não trong trạng thái tạm dừng, để được nghỉ ngơi tích cực.
Bạn có thể tận hưởng ngày chủ nhật bằng cách nhâm nhi cốc trà với một cuốn sách, lướt mạng… Làm vậy đồng nghĩa bạn đang cho não cơ hội xử lý và thiết lập những điều tích cực cho tuần mới.
Nếu căng thẳng vì đang nhàn rỗi, hãy nghĩ đang dành thời gian cho não “đóng một số tab đang mở”.
Lập kế hoạch
Thói quen tốt có sức mạnh giúp cuộc sống của bạn tích cực hơn. Dù tạo và tuân thủ thói quen có vẻ đơn giản, nhưng quá trình nhận thức liên quan đến nhiều kỹ năng khác nhau, xảy ra ở nhiều vùng não bộ.
Xây dựng thói quen lập kế hoạch giúp bạn giải quyết các ưu tiên, mang lại sự tự do, khả năng kiểm soát và bớt lo lắng hơn. Ví dụ, vào chiều thứ sáu hãy liệt kê ba ưu tiên hàng đầu cần chú ý nhất vào thứ 2. Hãy đặt mục tiêu thực tế cho tuần tiếp theo.
Ngày chủ nhật dành chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thứ hai. Trong khoảng thời gian này, bạn có thể làm bữa ăn, sắp xếp túi đi tập thể dục và xem lại lịch trình.
Sarah khuyên nên bắt đầu thói quen phù hợp với bản thân. Khi thấy tốt, bạn sẽ muốn làm lại.
Viết ra giấy
Khi lập kế hoạch xong, hãy viết ra giấy.”Bằng cách viết, bạn sẽ đưa ra khỏi đầu một lượng thông tin đáng kể để não có thêm chỗ”, cô nói.
Bạn có thể ghi chép về mọi thứ trong một cuốn sổ. Hãy viết các nhiệm vụ, các hành động, công việc quản trị cuộc sống đang tắc nghẽn bộ não để bắt đầu mọi thứ trong trật tự và rõ ràng.
Chọn ngôn ngữ giao tiếp với bộ não
Nếu bạn ép buộc bản thân “Tôi phải làm việc này”, lập tức sẽ thấy một gánh nặng đè lên người. “Chúng ta phải nhớ mình có quyền lựa chọn. Mỗi ngày, chúng ta có quyền chọn cách nói chuyện với chính mình, ngôn ngữ sử dụng với chính mình”. Sarah nói.
Sắp xếp lại ngôn ngữ khi nói chuyện với bản thân về cách thực hiện công việc đó. Nếu bạn chỉ chỉnh sửa chút thôi và nói với bộ não “Mình phải làm việc đó vì nó giúp mình tốt hơn, làm thứ Hai dễ dàng hơn” thì đột nhiên não coi đó là một lợi ích, nó thấy nhẹ nhàng và dễ thực hiện hơn.
Nhật Minh (Theo Metro)