Chế độ ăn uống, tập luyện trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội, nhưng không phải tất cả đều đúng.
Những năm gần đây, chế độ ăn uống và dinh dưỡng trở thành chủ đề nổi bật trên các nền tảng mạng xã hội. Người dùng dễ dàng tìm thấy các quảng cáo về thực phẩm giảm cân cho đến công thức nấu ăn, thói quen tập luyện. Nhưng phần lớn nội dung này đến từ những cá nhân không chuyên, bao gồm người nổi tiếng và các cá nhân có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Nghiên cứu phân tích khoảng 1,2 triệu lượt tweet trong 16 tháng trên thư viện quốc gia về y học Anh năm 2020 phát hiện, các bài chia sẻ về chế độ ăn uống, dinh dưỡng đa phần đến từ những người không phải chuyên gia y tế. Hay nghiên cứu được trình bày tại Đại hội châu Âu về bệnh béo phì năm 2019 cho thấy, chỉ một trong chín người có ảnh hưởng đến giảm cân ở Anh đủ khả năng đưa ra lời khuyên dinh dưỡng đáng tin cậy.
Nghe có vẻ đáng báo động nhưng người dùng mạng không nên bài xích hoàn toàn các thông tin đó, bởi vẫn có những lời khuyên đáng tin cậy. Điều bạn cần làm là xác định nguồn tin chính xác, được kiểm chứng.
Rủi ro và nguy hiểm khi nghe tư vấn dinh dưỡng trên mạng xã hội
Với nhiều người, chia sẻ câu chuyện, bài đăng hoặc video là quyền cá nhân nhưng chúng vô tình gây ra hậu quả nghiêm trọng. Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) gần đây đã yêu cầu Instagram kiểm soát các tài khoản quảng cáo và bán Apetamin, chất kích thích sự thèm ăn, thường được mời chào mời về khả năng tăng cường đường cong cơ thể. Hay các loại trà giải độc được giới thiệu giúp tăng cường trao đổi chất, đốt cháy mỡ và loại bỏ các độc tố có hại khỏi cơ thể.
“Hiện không có hành động nào được thực thi chống lại vô số tài khoản mạng xã hội bán loại thuốc không được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt”, NHS nói.
Năm 2020, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã đệ đơn kiện đơn vị tiếp thị trà giải độc, vì cho rằng những tuyên bố chữa bệnh ung thư và giúp thông động mạch, không không có bằng chứng xác thực. FTC cũng gửi thư cảnh báo tới 10 người có ảnh hưởng để cảnh báo về hành vi tuyên truyền thực phẩm không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh việc đưa ra những tuyên bố sai lệch về sức khỏe, các sản phẩm này ẩn chứa tác dụng phụ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng. Như trường hợp một phụ nữ 51 tuổi bị hạ natri máu nghiêm trọng sau khi sử dụng sản phẩm trà giải độc không kê đơn. Hay phụ nữ 60 tuổi bị suy gan cấp tính, xuất hiện các triệu chứng vàng da, suy nhược, tinh thần bất ổn định khi uống sản phẩm này ba lần mỗi ngày, suốt hai tuần.
Ngoài ra, chế độ ăn kiêng và thanh lọc theo trào lưu được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội cũng thúc đẩy chứng rối loạn ăn uống và gây hại sức khỏe tâm thần.
Theo các chuyên gia, những lời khuyên này không chỉ tăng nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng, dễ gặp vấn đề sức khỏe thể chất, tâm thần và thúc đẩy mối quan hệ không lành mạnh với thực phẩm.
Thậm chí, nhiều nội dung chia sẻ có xu hướng tán dương chế độ ăn kiêng nguy hiểm, thói quen không lành mạnh như nhịn ăn kéo dài, dùng thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc áp dụng chế độ tập luyện khắc nghiệt để giảm cân nhanh chóng.
Ngôi sao truyền hình Mỹ Kim Kardashian vừa gây xôn xao dư luận khi chia sẻ bí quyết giảm cân trong thời gian ngắn để đi dự tiệc. Tốc độ giảm cân của Kim bị cáo buộc nhanh hơn nhiều so với mức tiêu chuẩn được các chuyên gia khuyến nghị, từ 0,2 kg đến 0,9 kg mỗi tuần.
Nhiều xu hướng giảm cân đạt thân hình mảnh khảnh cũng đặt ra những kỳ vọng không thực tế, thúc đẩy văn hóa ăn kiêng và kéo dài nỗi ám ảnh về việc ăn uống không lành mạnh, nhất là ở người trẻ.
Làm thế nào để loại bỏ lời khuyên độc hại?
Kiểm tra tài khoản chia sẻ: Thay vì tin tưởng những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội bạn nên nhận lời khuyên dinh dưỡng từ các chuyên gia có trình độ học vấn, kinh nghiệm và đào tạo. Ngoài ra, người dùng có thể tham khảo thông tin từ các huấn luyện viên cá nhân được cấp chứng nhận để tìm hiểu về chế độ luyện tập, ăn uống.
Tránh nội dung quảng cáo: Theo FTC, những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội được trả tiền để quảng cáo sản phẩm, không quan tâm đến chất lượng. Khi tiếp nhận video quảng cáo, bạn nên tìm hiểu qua các bài đánh giá từ khách hàng thực hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe trước khi quyết định.
Thận trọng với những tuyên bố phi thực tế: Nhiều sản phẩm ăn kiêng và chất bổ sung được quảng cáo giúp tăng sức khỏe, giảm cân nhanh chóng. Nhưng các sản phẩm này gây hại đối với sức khỏe và không có khả năng giảm cân lâu dài, bền vững.
Tránh ăn kiêng quá mức: Các chế độ ăn kiêng hiện nay thường loại bỏ các thành phần dinh dưỡng hoặc toàn bộ nhóm thực phẩm để giảm cân dễ dàng. Nhưng về lâu dài chế độ này có thể gây ra một số hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe và tăng nguy cơ rối loạn hành vi ăn uống.
Minh Phương (Theo Healthline)