Trung QuốcVợ chồng Thượng Kiếm Ba cùng nhau rời bỏ Bắc Kinh, về quê ở Hồ Bắc tự tay trộn đất sét, đắp ngôi nhà có hình dáng pháo đài của người Hobbit.
Thượng Kiếm Ba, 29 tuổi, vốn là một kỹ sư cơ khí, quê ở Hồ Bắc. Anh từng làm việc trong một nhà máy ôtô rồi chuyển sang trang trại sinh thái ở Bắc Kinh. Vài lần thay đổi công việc anh vẫn cảm thấy tương lai mông lung, bất định.
“Tôi không biết mình muốn sống như thế nào. Trong đầu chỉ luôn nhớ về thuở bé được trèo cây, bắt tổ chim”, Kiếm Ba chia sẻ. Sau đó anh gia nhập một tổ chức phi chính phủ về nông nghiệp và biết đến khái niệm Permaculture (Nông nghiệp vĩnh cửu).
Permaculture là một phương pháp quản lý đất đai và thiết kế xã hội dựa vào các sắp xếp vốn đã hình thành trong hệ sinh thái tự nhiên. Khái niệm này ảnh hưởng rất lớn đến Kiếm Ba. Anh bắt đầu suy nghĩ về việc rời bỏ thành phố, tìm kiếm cuộc sống khác.
Khi bắt đầu có những thay đổi lớn trong suy nghĩ, Kiếm Ba gặp Vạn Đình Đình, cô gái học về thủ công dân gian, yêu thích thiết kế sinh thái. Sau một năm quen biết, hai người kết hôn. Năm 2017, họ quyết định rời Bắc Kinh về Hồ Bắc, cùng xây dựng ước mơ về một cuộc sống gần gũi với thiên nhiên.
Ở quê, Kiến Ba muốn tự tay làm cho vợ một ngôi nhà thân thiện với môi trường, nơi cô có thể ngắm được cảnh sắc thay đổi bốn mùa. Từ 230.000 tệ (795 triệu đồng) tiền vốn liếng và mừng cưới, họ quyết định dựng nhà trên trang trại nuôi vịt cũ của bố mẹ. Công trình này là không sử dụng bê tông cốt thép hay bất kỳ vật liệu xây dựng hiện đại nào, chỉ dùng đất sét và rơm, những vật liệu sẵn có ở vùng nông thôn.
Kiếm Ba ưa thích sự bí ẩn và mạnh mẽ. Từ lâu anh đã say mê kiến trúc nhà giống như pháo đài của người Hobbit trong phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn“. Anh quyết xây một ngôi nhà với kiến trúc như vậy tặng vợ.
Đình Đình chịu trách nhiệm thiết kế chính, còn Kiến Ba giải quyết các vấn đề kỹ thuật của ngôi nhà. Công trình của họ không chỉ là tác phẩm của hai người mà là kết tinh trí tuệ, công sức của các tình nguyện viên yêu thích kiến trúc từ khắp Trung Quốc. Tình nguyện viên cùng tham gia lên ý tưởng các hạng mục, giúp hai vợ chồng đắp đất, dựng nhà từ tay không.
Vật liệu xây nhà được trộn thành từng khối với thành phần chính gồm đất sét, cát và rơm. Ngôi nhà có tường đất, phần mái được làm từ lớp cỏ tranh dày 30 cm. Bức tường cong hình vòm, không gian lưu trữ được đục ngay trên tường để làm giá sách, nơi cất đồ. Nhiều hệ cửa sổ với hình dáng khác nhau bố trí khắp nhà khiến không gian bên trong luôn tràn ngập ánh sáng.
Hệ thống làm mát và sưởi ấm của ngôi nhà cũng được Kiến Ba thiết kế cẩn thận. Mùa hè, gia chủ không cần dùng điều hòa nhờ hệ thống địa nhiệt thông qua các ống ngầm. Theo tính toán của anh, khi nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C, dưới lòng đất sâu 2 m chỉ còn 25 độ C, không khí mát được dẫn vào nhà qua ống ngầm, nên nhiệt độ trong phòng thấp hơn bên ngoài 10 độ C. Mùa đông, lò sưởi ít khói giữa phòng khách làm ấm toàn bộ căn nhà.
Việc xây dựng hoàn toàn thủ công, không có máy móc nên anh mất hai năm để hoàn thiện. Hè 2020, hai vợ chồng mới chính thức chuyển đến đây sinh sống. Ngôi nhà cổ tích của vợ chồng Kiếm Ba, Đình Đình trở thành địa điểm nổi tiếng nhất trong ngôi làng họ đang sinh sống.
Từ khi về quê xây nhà, hai vợ chồng làm nông nghiệp, tự cung tự cấp thực phẩm nên không chi tiêu nhiều. Kiếm Ba tính toán, gia đình ba người của anh cộng thêm các tình nguyện viên sống cùng, chi tiêu trung bình hàng tháng không vượt quá 1.000 tệ (3,5 triệu đồng) cho 10 người.
Mọi người ăn ở cùng nhau, tự tay trồng trọt, chăn nuôi. Giờ làm việc cố định là 6 tiếng, họ thay phiên nhau nấu ăn, rửa bát, buổi tối lại ngồi trò chuyện, chơi nhạc, khiêu vũ. Để tăng thêm thu nhập, mọi người còn chế tạo và kinh doanh một số sản phẩm như kem đánh răng, sữa tắm, cao gội đầu, thuốc nhuộm quần áo… hoàn toàn từ cây cỏ tự nhiên.
Sau 5 năm bỏ phố về quê, Kiếm Ba nói anh đang thảnh thơi tận hưởng không gian yên bình, được làm công việc gần gũi thiên nhiên mỗi ngày. Người đàn ông này hy vọng trong tương lai sẽ có một cộng đồng cùng chung chí hướng, không chỉ giúp thay đổi môi trường sinh thái mà còn thay đổi tư duy, cách sống của giới trẻ.
“Ở thành phố, chúng tôi phải làm việc 30 năm mới có thể mua được nhà. Nhưng giờ chúng tôi mất hai năm để xây dựng ngôi nhà nhỏ, 28 năm còn lại, chúng tôi được tự do”, anh nói.
Một số hình ảnh về ngôi nhà của vợ chồng Kiếm Ba – Đình Đình.
Vy Trang (Theo sohu)