Khó tìm được sự cảm thông của người xung quanh, tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân hay khó chứng minh hành vi khiến các nạn nhân của quấy rối tình dục chọn giải pháp im lặng.
Buổi đầu đến ra mắt giám đốc tại nơi làm việc mới, Huyền bị “soi” từ đầu tới chân và cô bỗng thấy bất an khi ánh mắt của người đàn ông dừng lại ở ngực mình. Cô gái 22 tuổi lúng túng, cố kết thúc nhanh buổi chào hỏi. Khi Huyền bước ra khỏi phòng, sếp bỗng gọi giật lại: “Anh em mình còn gặp nhau nhiều đấy”.
Từ hôm đó, Vương Huyền, nhân viên một công ty thương mại ở Hà Nội luôn bắt gặp ánh mắt giám đốc mỗi khi ông đi ngang qua chỗ cô ngồi. Nhiều lần lấy lý do ký giấy tờ trong phòng riêng, người này cố tình đụng chạm vào những vị trí nhạy cảm như đùi, mông, thậm chí còn đặt tay lên eo cô rồi buông lời khiếm nhã núp bóng dưới những câu nói đùa. Những lúc như vậy, Huyền cố gắng né tránh, không dám nói to hay kêu lên cho người khác biết, một phần vì xấu hổ, một phần sợ bị mất việc, bởi cô mới được nhận vào làm.
Hoài Thu, 25 tuổi, nhân viên một công ty bất động sản, thường xuyên phải đi tiếp khách cùng cấp trên. Một hôm, sau khi kết thúc cuộc nhậu, vị sếp không đưa cô về công ty mà đỗ trước cổng nhà nghỉ ven đường, thẳng thắn đề nghị: “Em muốn gì cứ nói, chu cấp hay mua nhà riêng đều được. Chỉ cần chiều anh”. Trước lời đề nghị khiếm nhã, cô gái trẻ cương quyết đòi xuống xe. “Hôm đó, đầu óc tôi mụ mị, không hiểu đã về nhà bằng cách nào”, Thu nhớ lại.
Gần đây vị sếp còn thường xuyên gửi ảnh, clip nhạy cảm qua tin nhắn. Thu rơi vào trạng thái trầm cảm, ám ảnh mỗi khi phải đến công ty. Dù muốn chia sẻ câu chuyện này với đồng nghiệp nhưng cô sợ bị đổ lỗi, sợ người khác đánh giá “Nó phải thế nào thì sếp mới như thế”.
Tinh thần mệt mỏi, môi trường làm việc không an toàn, cô viết đơn xin nghỉ việc.
Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Văn phòng luật Hồng Thái, trường hợp của Huyền và Thu là quấy rối tình dục nơi công sở. Đây là việc sử dụng những hành vi hoặc lời nói liên quan đến tình dục nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm của người khác. Hành vi này mang tính xúc phạm đối phương, không được họ chấp nhận hay mong muốn.
Ông Thái nhấn mạnh, “công sở” không có nghĩa là giới hạn trong các văn phòng. Đó có thể là bất cứ địa điểm nào mà người lao động làm việc theo thỏa thuận hoặc được phân công, là không gian liên quan đến công việc như hoạt động xã hội, hội thảo, chuyến công tác…
Quấy rối tình dục công sở là hình thức phổ biến nhất nhưng ít bị đưa ra ánh sáng nhất. Báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho thấy, phần lớn nạn nhân bị quấy rối ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và có quan hệ với người quấy rối như đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới hoặc người có khả năng chi phối, gây áp lực cho người dưới quyền của mình. Người bị quấy rối vì sự phụ thuộc này mà không dám chống cự hoặc chống cự rất yếu ớt.
Năm 2019, khảo sát của tổ chức ActionAid phối hợp cùng Học viện phụ nữ Việt Nam trong gần 1.000 nữ công nhân may mặc ở Việt Nam cho thấy, khoảng 88% từng bị bạo lực hoặc quấy rối bằng lời nói; 34% bị quấy rối, xâm phạm thân thể; 29% bị quấy rối bằng hình thức phi ngôn ngữ như cử chỉ gợi dục; 10% bị đe dọa chấm dứt hợp đồng, giữ lương nếu tố giác hoặc phản ứng; 10% được hứa hẹn đổi tình dục để thăng chức.
Có nhiều nguyên nhân khiến vấn nạn này khó bị loại trừ. “Một trong số đó là nạn nhân thường chọn xu hướng im lặng, chịu đựng do e ngại, sợ tai tiếng, sợ mất việc”, luật sư Nguyễn Hồng Thái nói và nhấn mạnh, sai lầm phổ biến nhất của các nạn nhân là họ muốn tránh phiền phức và hy vọng sự im lặng sẽ khiến đối tượng sẽ không lặp lại hành vi đó.
Nhưng theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), nguyên nhân lớn nhất khiến các hành vi quấy rối tình dục ít bị đưa ra ánh sáng ở Việt Nam là sự ít cảm thông và xu hướng đổ lỗi cho nạn nhân. “Khi câu chuyện lọt ra ngoài, nhiều người thường đặt câu hỏi: Tại sao chỉ con bé đấy bị quấy rối?”, bà Hồng lấy ví dụ.
“Bởi sự ác ý của dư luận, nạn nhân thường thấy bị cô lập, ảnh hưởng cuộc sống và danh dự; thông cảm ít mà nghi kỵ, đổ lỗi lại quá nặng nề”, bà Hồng chia sẻ. Đây là một trong những nguyên nhân khi hành vi lạm dụng càng nghiêm trọng, nạn nhân lại càng có xu hướng “đào sâu chôn chặt, chịu đựng một mình”.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật, từng chứng kiến không ít nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc gặp khủng hoảng tâm lý, giữ kín câu chuyện trong thời gian dài, thậm chí hàng chục năm. Nhiều người có cảm giác mình là người có lỗi, sợ hãi, hoảng loạn, dẫn đến các hành vi tự hại bản thân.
Thế nhưng, khi một số ít nạn nhân dám lên tiếng lại bị đổ lỗi, bị quy kết về nhân phẩm, tính cách, bị nghi ngờ các động cơ vụ lợi…Thậm chí khi thảo luận vấn đề này, một phần dư luận còn nhìn nhận đó là “chuyện vui đùa, không trầm trọng”.
Trong một cuộc khảo sát trên VnExpress về quấy rối tình dục nơi công sở, 13% độc giả cho rằng những tin nhắn, lời nói trêu đùa về tình dục, không phải là hành vi quấy rối; 14% lựa chọn im lặng khi được hỏi sẽ làm gì nếu bị quấy rối trong cơ quan.
Bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ chương trình Chấm dứt bạo lực với phụ nữ của UN Women cho biết, thực tế tham vấn với sinh viên và học sinh, những con số hiện nay chưa phản ánh được tình hình vấn nạn quấy rối tình dục vì “nhiều sinh viên nữ sợ khi nói ra sẽ bị mang tiếng, sợ không lấy được chồng”.
Luật sư Diệp Năng Bình cho hay, ngoài những lý do trên, hành vi quấy rối tình dục nơi công sở cũng khó chứng minh hành vi, hậu quả. Nhiều vụ quấy rối diễn ra tại những khu vực khuất tầm nhìn, không ai làm chứng. Nếu tố cáo, ngoài khả năng bị cho là bịa đặt, nạn nhân còn rất sợ bị thủ phạm đe doạ, trả thù… Việc này sẽ khiến nhiều nạn nhân nản lòng.
“Tuy nhiên, im lặng không phải là giải pháp giải quyết vấn đề triệt để”, ông Bình khẳng định. Tại nơi làm việc, người lao động bị quấy rối có thể nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức như công đoàn, hội phụ nữ, ban giám đốc yêu cầu giải quyết. Đối với các hành vi xâm phạm nghiêm trọng, có thể tố cáo lên công an.
Để tránh bị quấy rối tình dục nơi công sở, theo luật sư Bình, nên thận trọng với những người có dấu hiệu quấy rối ngay từ đầu, tập trung vào công việc và tránh tiếp xúc để làm giảm sự hứng thú của đối tượng với mình.
Nếu bị quấy rối, cần bình tĩnh tìm ra cách ngăn chặn hành vi của kẻ quấy rối. Sự hốt hoảng, sợ hãi của nạn nhân đôi khi lại trở thành nhân tố kích thích “thú tính” của thủ phạm.
Đến giờ khi nghĩ về sự việc đã qua, cả Hoài Thu lẫn Vương Huyền đều cảm thấy đáng tiếc. “Đáng nhẽ tôi nên dũng cảm lên tiếng tố cáo thủ phạm thay vì lặng lẽ xin nghỉ việc như lỗi của chính mình'”, Hoài Thu nói. Cô tự trách bản thân nếu can đảm hơn, đưa vụ việc ra ánh sáng, sẽ tạo được hiệu ứng xã hội tốt, ủng hộ tinh thần cho những nạn nhân đơn độc như mình.
“Có thể thủ phạm không bị xử lý theo cách tôi mong muốn, nhưng ít nhất họ cũng không thể mãi nhởn nhơ, tiếp tục đi quấy rối người khác”, cô gái 25 tuổi nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Hải Hiền