TP HCMNửa năm nay, mỗi tối bà Nguyễn Thị Cấm, 85 tuổi và cháu ngoại Quang Nhật lại chụm đầu trên chiếc bàn gấp, mỗi người một cuốn vở ô ly tập viết.
Bà Cấm viết gần hết cuốn vở, nhưng bé Quang Nhật mới viết được mấy trang. “Thầy làm biếng quá”, bà ngoại trêu. Cậu bé nhanh nhảu: “Để thầy kiểm tra”, rồi tròn xoe mắt khi cuốn vở của ngoại gần hết.
“Nhờ có ngoại học cùng mà thằng bé có động lực hơn hẳn”, chị Hồng Điệp, 47 tuổi, (phường Thạnh Lộc, quận 12) con gái bà Cấm, bác ruột của bé Nhật kể.
Tháng 9 năm ngoái, Quang Nhật vào lớp 1 nhưng học online tại nhà. Một lần, mẹ bé phát hiện có những chữ lạ, nét run run, méo mó trong vở của con. Các con thắc mắc, bà Cấm nhận mình viết vào vở của cháu ngoại. “Má thương thằng nhỏ đang chơi lại bị réo vào học bài nên viết phụ nó”, bà giải thích và nói thêm bản thân bà cũng thích học viết.
Kể từ hôm đó, chị Hồng Điệp bảo cháu tặng ngoại một cuốn vở ô ly. Quang Nhật viết vào nhãn tên học sinh là “bau quải”, nghĩa là bà ngoại. Cậu bé lớp 1 nhận bà là học trò, xưng thầy.
Bà Cấm mồ côi cha mẹ từ hồi 6 tuổi, khi vừa học xong lớp ba. Năm 17 tuổi bà lấy chồng, nuôi chín người con trưởng thành, sau 11 lần sinh. Hiện tại, các con bà đều là giáo viên, giảng viên, giám đốc, kỹ sư…, trình độ từ cao đẳng đến thạc sĩ.
Nhưng lo được cho các con trưởng thành, chữ nghĩa của bà Cấm cũng rụng hết. “Tui đánh vần được một chữ trên TV thì nó đã chạy mất”, bà kể. Hơn chục năm trước, khi anh bé Quang Nhật vào lớp 1, các con vừa dạy con, vừa hướng dẫn mẹ tập đọc lại. Cháu lên lớp cũng là lúc bà Cấm khôi phục được việc đọc chữ.
Từ dạo đó, ngoài ra vườn trồng rau, dọn dẹp nhà cửa, chơi với các cháu, bà có thêm thú vui mới là đọc sách. Hết đọc báo, bà chuyển sang đọc truyện ngắn, truyện dài tập, từ Hạt giống tâm hồn đến Tích xưa truyện cũ, Đất rừng Phương Nam, Hồng lâu mộng… Đọc cuốn Harry Potter có những từ tiếng Anh không hiểu, bà gọi con cháu đến giải thích. Bà Cấm đọc thành tiếng, rất chậm vì mắt kém, nhưng sau 10 năm, đã hết tủ sách lớn của con cháu.
Đọc thông, nhưng trong lòng, bà Cấm vẫn thấy khó chịu vì viết mãi không được một chữ, lại hay sai chính tả. Mỗi lần đến ngân hàng ký giấy nhận tiền, cô nhân viên đợi lâu, không phàn nàn, nhưng bà áy náy. Thấy cháu ngoại có sách ô ly luyện viết, bà muốn theo học.
Từ hôm được con gái gợi ý, bà chịu làm học trò của Quang Nhật. Hai bà cháu người 6 tuổi, người 85 tuổi, cùng lõm bõm tập đặt câu. Được làm thầy, Quang Nhật siêng tập viết hơn. Cậu bé tỏ ra nghiêm khắc, bắt ngoại bôi rồi viết, sửa tới tới sửa lui tới khi chữ đẹp mới chịu. “Có bữa hai bà cháu cắm cúi bên nhau, chốc chốc nghe tiếng thằng nhỏ khen ‘đẹp rồi đó, ngoại cố lên'”, chị Điệp kể.
Nhiều hôm cháu làm xong bài, nằm lăn ra giường, bà ngoại vẫn lụi cụi viết. Nhưng càng về cuối năm, bà Cấm càng tiến bộ, tốc độ vượt cả thầy. Cháu trai sắp kết thúc lớp Một, bà ngoại cũng tự tin ký tên khi cần làm thủ tục.
Chị Hồng Điệp cho biết, bố mẹ chị chỉ làm nông, nuôi đàn con ăn học. Nghèo khó, nhưng con muốn mua máy tính để học hành, bà cũng ráng lo, không bao giờ than thở.
“Tui không biết má không biết viết cho đến hồi má gần 70 tuổi, phải ký tên làm thủ tục ngân hàng. Má bối rối mãi, chữ ‘ê’ trong từ ‘nguyễn’, má ký không đội nón và là hai cái chấm trên đầu. Tui nhìn mà rơi nước mắt”, chị Điệp kể.
Hiện tại, vợ chồng bà Cấm có 10 cháu nội, ngoại, 4 đứa chắt. Hàng ngày, ông bà trồng rau, cây ăn trái trong vườn rộng hơn 100 m2 để tự phục vụ và cho các con rau sạch, thi thoảng mang ra chợ bán. Đôi vợ chồng già vẫn lo được sinh hoạt phí, lo cơm nước ngày ba bữa.
“Má cũng là tấm gương cho con cháu không ngừng cố gắng học hành, làm việc. Thỉnh thoảng mấy đứa nhỏ lười, tui lại nói ‘các con nhìn ngoại coi, tóc đã bạc trắng ngoại còn muốn học, muốn biết thêm, sao các con lại không chịu học’ là chúng nó nghe lời”, chị Hồng Điệp kể.
Phạm Nga