Hành lá nếu bảo quản không đúng cách sẽ nhanh chóng bị dập úng, mất mùi vị và gây lãng phí.
Hành lá không đơn thuần là loại rau gia vị mà còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe do chứa nhiều khoáng chất, vitamin và phytochemicals giúp xương chắc khỏe, tốt cho tim mạch, mắt và hệ miễn dịch.
Vì là nguyên liệu quan trọng trong việc chế biến món ăn nên nhiều bà nội trợ muốn tích trữ hành lá để thuận tiện hơn trong việc sử dụng.
Cùng tham khảo ba cách dưới đây để hành lá được bảo quản lâu.
1. Đặt trong ngăn mát
Nếu đặt hành lá trực tiếp trong tủ lạnh, tối đa chỉ bảo quản được một tuần. Nếu như để lẫn hành lá lẫn với các loại rau củ khác, hương vị cũng như độ tươi ngon của chúng sẽ nhanh chóng mất đi.
Nên sử dụng màng bọc thực phẩm để bảo quản nguyên liệu này. Chia hành lá thành những phần nhỏ, đủ cho nhu cầu sử dụng mỗi lần. Sử dụng màng bọc thực phẩm bọc kín. Chú ý nên quấn chặt tay, sau đó cho vào ngăn mát tủ lạnh, nơi bảo quản rau củ tươi. Hành lá bảo quản theo cách này có thể sử dụng trong vòng một tháng mà không bị biến chất hay héo vàng.
Chú ý là hành lá chỉ nên bảo quản tối đa bốn tuần, khi lấy ra ngoài cần chế biến ngay.
2. Bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh
Ngoài bảo quản ở ngăn mát, có thể bảo quản hành lá ở ngăn đông lạnh.
Bước 1: Hành lá mua về nhặt sạch rễ, bỏ phần lá bị úa vàng hay dập nát.
Bước 2: Rửa sạch với nước, khoảng 2-3 lần cho hết hẳn bụi bẩn rồi để ráo nước (có thể dùng máy quay rau làm sạch nước khi rửa nếu có)
Bước 3: Thái nhỏ hành tùy theo mục đích sử dụng. Nếu làm các món xào, có thể cắt hành thành các đoạn dài 3 cm.
Bước 4: Hành vừa cắt cho vào túi ni lông hoặc hộp trữ. Chú ý là túi nilong hay hộp đựng phải thật sạch, khô ráo và không thấm nước. Nếu không, hành rất dễ bị đông đá thành cục.
Bước 5: Rút hết không кhí trong túi ra, buộc chặt lại để tránh làm mất độ ẩm của hành, bên cạnh đó ngăn cho hành không bay mùi ra ngoài, làm ảnh hưởng tới tủ lạnh. Hộp trữ phải đậy thật kín. Đặt hành thành phẩm vào ngăn đá tủ lạnh.
Bước 6: Khi cần chế biến có thể lấy ra dùng ngay và không cần rã đông trước như vậy hành sẽ không bị bầm.
Để dễ dàng hơn trong mỗi lần sử dụng, có thể chia nhỏ hành lá vào nhiều hộp hoặc từng túi nilon nhỏ. Khi đông đá, hành khó lấy ra, không nên bảo quản nhiều hành lá vào một hộp lớn.
3. Phương pháp thủy sinh
Nếu hành lá có rễ, tiếp tục phát triển khi mua về, có thể trồng thủy sinh.
Chai dầu ăn sử dụng hết cắt bỏ phần trên hoặc bất kỳ chiếc lọ nào có phần miệng lớn, xúc rửa sạch sẽ. Đổ lượng nước khoảng 3 cm cho ngập phần rễ hành lá. Để nơi thoáng mát, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên thay nước thường xuyên để hành lá tươi lâu và tiếp tục phát triển.
Vy Trang (Theo aboluowang)