Khi “mọi điều mong ước đều đã trong tay”, chị Liên từng nghĩ cuộc sống gia đình mình sẽ cứ yên ả trôi đi cho đến khi con gái Minh Anh phát hiện ung thư.
Sát Tết 2019, Minh Anh khi đó 11 tuổi, thường xuyên kêu đau răng. Chị Sầm Thị Liên đưa con đi khám thì được chẩn đoán sâu răng, chỉ cần vệ sinh, hàn lại là khỏi. Sau Tết, thấy con vẫn kêu đau, chị đưa vào Bệnh viện huyện Mường La, Sơn La khám, bác sĩ nói bị viêm tai, kê kháng sinh nhưng không đỡ. Lần thứ ba đưa con đi viện tỉnh cách nhà 40 km, chị Liên lại nhận kết quả là Minh Anh bị viêm hạch, cần truyền kháng sinh.
Mỗi lần khám ra một bệnh khác, vợ chồng chị cảm thấy có điều gì bất thường nên quyết định đưa con xuống Hà Nội kiểm tra.
Tại Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội), các bác sĩ lại xác định Minh Anh có u lành ở chân hàm, cần phẫu thuật. Cô bé 11 tuổi được chuyển sang Bệnh viện K Tân Triều vì có khoa Nhi. Tại đây, các kết quả sinh thiết khẳng định Minh Anh mắc sarcoma nền sọ – một dạng u xương ác tính. Mọi thứ bỗng nhiên sụp đổ trong lòng người mẹ.
Kể từ tháng 3/2020, hành trình của mẹ con chị Liên chỉ còn 2 điểm chính là đi viện – về nhà, mà thời gian ở viện thường lâu hơn ở nhà.
Quá trình điều trị của Minh Anh bắt đầu bằng các đợt truyền hóa chất liên tục bốn tháng, xạ trị trong 2 tháng rồi lại truyền hóa chất thêm 3 tháng nữa. Đầu năm 2021, Minh Anh được phẫu thuật. Các bác sĩ lấy ra một khối u to bằng quả trứng gà, nằm ở hốc trong chân hàm của em. Gương mặt cô bé lệch hẳn.
Nhưng như thế vẫn chưa phải đã xong. Khi tái khám, bác sĩ phát hiện khối u vẫn chưa hết hẳn, còn một chấm nhỏ và phải dùng thuốc tiếp.
Xác định quá trình điều trị của con sẽ còn kéo dài, giữa năm 2021, chị Liên bàn với chồng chuyển cả nhà xuống Hà Nội, ở nhờ căn hộ của người quen tại quận Hoàng Mai. Chị đã mất việc vì thường xuyên nghỉ làm đưa con đi viện, thêm vào đó việc đi lại giữa Sơn La tới Hà Nội vừa xa, lại tốn kém và khiến Minh Anh càng yếu hơn.
Ở Hà Nội, người mẹ 41 tuổi bắt đầu tìm việc làm. Mỗi tuần vài ngày đưa con vào viện nên chị không thể tìm công việc cố định mà xin phụ việc trong một cửa hàng thực phẩm. Đi làm một thời gian, chị Liên nghĩ “sao không chuyển thực phẩm từ quê mình xuống đây, vừa đảm bảo nguồn gốc sạch cho con ăn, vừa có thể bán cho hàng xóm, dân cư trong tòa nhà để có thêm thu nhập?”.
Nghĩ là làm, cứ cách ngày chị lại ra bến xe nhận rau, thịt… do người thân, bạn bè gửi từ Sơn La xuống, phân loại rồi rao bán trên nhóm chat của khu dân cư. “Nhiều lúc nghĩ tủi thân. Trước đây làm công ăn lương, hết giờ là về cơm nước xong quây quần bên con cái, bây giờ thức khuya dậy sớm, nhặt nhạnh từng bó rau, kiếm từng đồng”, chị Liên bộc bạch. Mỗi tháng, tiền thuốc đặc trị cho Minh Anh đã tốn hơn 20 triệu đồng, chưa tính tiền thuê nhà và các chi phí khác.
Bản thân Minh Anh, trừ những lúc phải vào viện chạy thuốc hay đi học, cứ rảnh em lại đi ship rau cho mẹ. “Vì cháu bệnh mà tự dưng mẹ phải đi bán rau. Cháu chưa bao giờ nghĩ mẹ phải làm công việc đó”, cô bé 14 tuổi hay giải thích mỗi khi có ai đó hỏi tới mẹ. Nhưng Minh Anh bảo chỉ thương mẹ vất vả chứ chưa bao giờ thấy xấu hổ vì bố mẹ bán rau. “Nhiều lúc bạn bè gọi nói chuyện cháu kể ngay là bố mẹ tớ bán rau, bán thịt, tớ cũng đi ship hộ”, em nói.
Người mẹ nào có con tuổi teen cũng có lúc ngạc nhiên trước những thay đổi bất ngờ của con, từ vóc dáng tới tính cách. Với chị Liên, suốt 3 năm qua, mỗi lần nhìn những thay đổi của con, chị lại thấy lòng quặn thắt. Từ nhỏ, Minh Anh vốn khỏe mạnh, háu ăn, vui tươi. Từ đợt truyền hóa chất, cơ thể đau, tóc rụng hết, mặt bị cắt bớt xương hàm lệch hẳn một bên, con cũng hay suy nghĩ hơn, có những lúc tự ti và cáu kỉnh.
“Lúc nhỏ con cứ ăn là lớn, còn thuộc tạng dễ mập, có khi mẹ còn phải hãm lại. Khi con ốm, nôn nhiều, thấy đồ ăn là ngoảnh đi, mẹ ép thì mếu máo: Trước con muốn ăn mẹ không cho, giờ con không ăn được mẹ cứ ép. Rồi cả hai mẹ con chỉ biết khóc”, chị Liên nhớ lại.
Có một điều Minh Anh không thay đổi, đó là tính ham học. Mỗi lần truyền hóa chất là mệt rũ, nôn và không ăn được gì nhưng hễ nghỉ truyền là con xin đi học.
Minh Anh cho biết, em mong sớm khỏi bệnh và sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành bác sĩ. “Trước cháu thích học luật. Nhưng từ lúc bị bệnh, cháu thấy bác sĩ là nghề lương thiện, giúp ích cho nhiều người lại luôn được học hỏi những điều mới”, em chia sẻ.
Cô bé kể tiếp, khi cả gia đình xuống Hà Nội, các bạn và thầy cô ở trường cũ vẫn quan tâm, hỏi han. Em cũng không còn tự ti với gương mặt hay mái tóc của mình nữa. “Tóc con giờ mọc rồi, trông như con trai. Nhưng con thấy thích vì mát và cá tính, hợp với con”, Minh Anh nói.
Nói về trường hợp của Minh Anh, bác sĩ Hoàng Thu Trang, Phó trưởng khoa nhi, Bệnh viện K Tân Triều cho biết, em bị ung thư phần mềm vùng hàm mặt, đã điều trị qua nhiều giai đoạn, hiện tại là hóa trị duy trì bằng thuốc. Dự kiến quá trình này kéo dài một năm, sau đó sẽ được kiểm tra đánh giá lại và theo dõi định kỳ.
Hiện tại, Minh Anh được áp dụng phương pháp điều trị bằng hóa chất duy trì, cho đáp ứng tốt, tuy nhiên gia đình phải chấp nhận chi phí khá cao. Nếu áp dụng cách tiêm, mỗi tuần phải vào viện 3 tuần, mỗi tuần một lần thì chi phí tới 7-8 triệu đồng, còn sử dụng thuốc, mỗi tháng vào viện một lần thì chi phí lên tới 15-20 triệu đồng.
Chị Sầm Thị Liên cho biết, gia đình chị cũng từng áp dụng thuốc tiêm truyền cho con để hạn chế chi phí nhưng cả 3 lần tiêm truyền Minh Anh đều bị “cháy ven” và hoại tử một phần da tay. Hơn nữa, nhiều lần lịch truyền của con phải hoãn lại do tình hình dịch COVID-19 phức tạp. Vợ chồng chị cố gắng chọn dùng đường uống cho con theo đúng phác đồ điều trị để đỡ ảnh hưởng tới sức khỏe, đồng thời cho con có thể đi học bình thường được.
“Cô bé ấy thì luôn cố gắng và rất chịu khó học. Mỗi lần bác sĩ kê phác đồ điều trị là mặc cả cho cháu truyền vào ngày này để ngày khác cháu đi học, đi thi”, bác sĩ Thu Trang kể ấn tượng về bệnh nhân đặc biệt này.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi ung thư, Quỹ Hy vọng kết hợp với chương trình Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của quý vị là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Mời xem thông tin về chương trình tại đây.
Minh Thuỳ