TP HCM5h sáng 15/12, chị Tiến ngồi bật dậy vớ ngay cái điện thoại hy vọng có tin nhắn cập nhật của bác sĩ về sức khỏe sau ca mổ tim của cậu con trai Hải Nam.
Đây là lần thứ hai Hải Nam phải mổ tim tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, quận 10. Đã hơn một tháng nay, người mẹ 29 tuổi phải bám trụ ở bệnh viện. “Đầu năm nay, từ lúc sinh con tôi phải ở lại viện như thế này suốt ba tháng để con thực hiện ca mổ tim đầu tiên”, chị Đặng Trần Thúy Tiến, quê Nhơn Hội, Quy Nhơn, Bình Định chia sẻ.
Chị kể, khi mang thai Hải Nam được 35 tuần, bác sĩ chẩn đoán con bị suy tim bẩm sinh. Để đảm bảo an toàn cho con, gia đình phải sắp xếp vào Sài Gòn sinh bé, đồng thời được theo dõi ngay và thực hiện ca mổ sớm.
Chị Tiến không nghề nghiệp ổn định, chồng làm nghề thợ sơn, thu nhập thấp. Cuộc sống vốn khó khăn, nay nghe tin phải vào Sài Gòn sinh con, chị Tiến trằn trọc mấy đêm liền. Hai vợ chồng gửi đứa con lớn nhờ ông bà chăm sóc, vay mượn người quen, cộng với tiền ứng lương của chồng mới gom được hơn chục triệu đồng. Hai người bắt xe đò trong đêm, vượt gần 700 km vào thành phố. Người mẹ trẻ không ngờ, lần đầu được vào Sài Gòn điểm đến lại là bệnh viện.
Sau ca mổ bắt con, bác sĩ đưa Hải Nam vào phòng chăm sóc đặc biệt. Đợi sức khỏe em bé ổn định sẽ mổ tim. Không chỉ suy tim, Hải Nam còn bị hẹp động mạch phổi. Hơn 10 ngày tuổi, bé bị viêm phổi phải đặt ống thở nên đành dứt sữa mẹ.
Con nằm hồi sức chưa thể vào chăm, anh Nguyễn Văn Lượng, 31 tuổi, chồng chị Tiến đứng ngồi không yên nên xin đến các công trường xin phụ việc, kiếm tiền ăn cho hai vợ chồng mỗi ngày. Để tiết kiệm, vợ chồng chị không thuê nhà trọ, mà xin ở nhờ nhà người quen. “Ca mổ mấy chục triệu, tôi thật sự không biết vay ở đâu”, chị kể.
Chị Tiến ở lại viện, sức khỏe chưa hồi phục sau sinh nhưng vẫn cố gắng đội nắng chờ xin cơm từ thiện. “Chồng phơi nắng ngoài công trường cả ngày, tôi ngồi ăn phần cơm 30.000 đồng nuốt không trôi”, chị nói.
Ca mổ tim đầu tiên của Hải Nam được thực hiện khi hai tháng tuổi. Một tháng sau, cậu bé mới được về quê. Sức khỏe yếu nên 10 tháng tuổi, con chỉ mới biết ngồi.
Thời gian ở nhà chăm con, chị Tiến sợ nhất là mỗi lần bé khóc. Có lần, người em tím ngắt lại, khóc không ra tiếng vì cơ thể yếu ớt. Nhìn con nhăn nhó, bất chợt chị nghĩ chuyện con sẽ bỏ mình. Người mẹ nín thở, lấy tay xoa ngực con. Khi cơ mặt thằng bé giãn ra, nhịp thở đều lại và ngừng khóc, chị mới thở phào.
Biết bệnh của con nên chị thường ôm đứa bé vào lòng để khỏi khóc. Làm việc nhà, chị cũng chẳng dám để con rời tầm mắt, lại càng không dám nhờ ai trông hộ.
Thấy mẹ chỉ quan tâm em, không để ý đến mình, đứa con gái đầu đang học lớp 2 nhiều lần hỏi: “Mẹ không thương con nữa sao?” rồi úp mặt vào tường giận lẫy. Nghe thế, lòng chị đau như cắt nhưng không biết giải thích sao cho con hiểu, chỉ nói: “Em bệnh mà, con có nhớ mẹ và em đi Sài Gòn chữa bệnh rất lâu không?”.
Cô con gái 7 tuổi chưa biết nói lời an ủi, chỉ biết tranh mẹ trông em những ngày sau đó.
Dịch bệnh khiến Hải Nam không thể vào Sài Gòn tái khám mà chỉ theo dõi ở bệnh viện tỉnh. Gần bốn tháng nay, chồng chị gần như không có việc làm. Dù vậy, đến đầu tháng 11, vợ chồng chị Tiến quyết định đưa con vào Sài Gòn tái khám. Cũng như chuyến đi trước, lộ phí lần này cũng chỉ được hơn chục triệu vay mượn người thân. Anh Tiến dự định nếu con đủ sức khỏe thực hiện ca mổ thì sẽ đóng tạm ứng viện phí. Còn mình sẽ đến công trường xin việc trang trải chi phí sinh hoạt như lần trước.
“Tôi biết chi phí mổ phải hơn 20 triệu, nhưng đành liều vào viện, sợ trễ sẽ ảnh hưởng tới con, tới đâu vay mượn tới đó”, chị Tiến nói. Khi con vừa nhập viện, các bác sĩ đã hỏi thăm hoàn cảnh gia đình. Biết anh chị khó khăn, họ bảo: “Tiền cứ giữ lấy mà chi tiêu, tiền mổ các bác sẽ xin cho”.
Sau hơn nửa tháng nhập viện theo dõi, Hải Nam mới đủ sức khỏe thực hiện ca mổ thứ hai. Em nằm hồi sức cả tuần, chị Tiến chỉ thấy mặt con qua màn hình điện thoại của bác sĩ. Dù ca mổ thành công, Hải Nam hồi phục nhanh hơn lần trước nhưng người mẹ vẫn chưa biết tới bao giờ con mới xuất viện. Bác sĩ cho biết khoảng 5-10 năm nữa, khi Nam lớn hơn sẽ phải mổ lại để thay van tim khác phù hợp.
Trưa 15/12, Hải Nam ra khỏi phòng hồi sức, chị Tiến được vào chăm con trai. Vì dịch bệnh nên lần vào Sài Gòn này anh Lượng không có việc thường xuyên. Hai hôm trước anh đành phải về quê. Chị Tiến ở lại viện chăm con, khi Nam xuất viện, hai mẹ con sẽ tự bắt xe đò về.
Sau bữa trưa, cô con gái ở quê gọi vào cho mẹ. Qua màn hình điện thoại em nói: “Con không giành đồ chơi của em nữa, lần này em về con nhường hết cho em”.
Nghe con gái nói, chị Tiến quay mặt lau nước mắt.
Ca mổ tim của bé Hải Nam được thực hiện với sự hỗ trợ chi phí từ chương trình thiện nguyện “Bé tô màu, bé sẻ chia”, do Công ty Cổ phần Con Cưng và Quỹ Hy vọng phát động. Theo đó, với mỗi bộ tập tô màu được bán ra tại hệ thống Con Cưng giá 29.000 đồng, đơn vị đóng góp 10.000 đồng vào quỹ nhằm hỗ trợ các bệnh nhi khó khăn tại bệnh viên Nhi Đồng 1. Tổng giá trị tài trợ của chương trình 3 tỷ đồng.
Diệp Phan