Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Vì sao trẻ ăn vạ?

Vì sao trẻ ăn vạ? Thông tin
Rate this post

Trẻ nằm lăn ra sàn, gào khóc ăn vạ… là cách biểu thị giận dữ khi không được đáp ứng nhu cầu, theo chuyên gia Lê Phương Vinh.

Đưa con hai tuổi đến khu vui chơi, đến giờ về, chị Khánh Phương (30 tuổi, TP HCM) lúng túng khi cậu bé đang vui vẻ, bỗng nằm lăn ra sàn gào khóc thật to, giãy giụa, khi mẹ gọi về.

Ông Lê Phương Vinh, giám đốc văn phòng đại diện Viện giáo dục Montessori Việt Nam cho biết, những tình huống này thường bị phụ huynh hiểu là trẻ có hành vi ăn vạ.. nhưng thực chất đó là cách trẻ bộc lộ sự giận dữ.

Cơn giận dữ không phải sự cố tình. Nó là hiện tượng xảy ra khi trẻ nhận được câu trả lời “không” ở người lớn dẫn đến thất vọng và buồn bực. Sự giận dữ là kết quả chứ không phải hành động có mục đích.

Vì sao trẻ ăn vạ? Thông tin

Nằm lăn ra khóc, giãy giụa là phản ứng thường thấy của trẻ khi thất vọng, buồn bực về một điều gì đó. Ảnh minh họa: The Asian Parent.

Chuyên gia phân tích, cậu bé hai tuổi gào khóc vì đang say mê với trò chơi thì bị mẹ đột ngột cắt ngang, không có sự chuẩn bị về tâm lý. Gặp sự phản kháng của con, phụ huynh thường có cảm giác xấu hổ trước đám đông và có khuynh hướng: Đồng ý với đòi hỏi của con để dập tắt tiếng khóc hoặc quát mắng, dọa nạt, bỏ đi.

“Cả hai cách này đều sai lầm bởi con thấy cha mẹ nhượng bộ, chúng sẽ hiểu rằng chỉ cần khóc lóc và giận dữ có thể làm thay đổi quyết định của người lớn. Những cơn giận dữ không có mục đích ban đầu sẽ trở thành có mục đích. Quát mắng hoặc bỏ đi có thể khiến trẻ tổn thương tâm lý, tự ti, thậm chí mất an toàn cho bé”, ông Vinh nói.

Thực tế, việc này rất dễ giải quyết bằng cách thông báo. Ví dụ, đưa bé đến công viên, ba mẹ nói: “Chúng ta sẽ chơi ở đây trong một tiếng nhé”. Khi sắp đến giờ kết thúc, phụ huynh nhắc nhở, thông báo cho con, có thể nhấn mạnh con chơi thêm một lần nữa rồi mình sẽ về. Sự thông báo trước sẽ giúp cho trẻ chuẩn bị tâm lý, dễ dàng hợp tác hơn.

Trường hợp đã thông báo mà trẻ vẫn không chịu về, ba mẹ sẽ giải thích hết giờ chơi, cung cấp hai sự lựa chọn: một là con tự về, hai là cha mẹ giúp con về (bế trẻ đi); cùng với việc đưa ra lựa chọn, ba mẹ thông báo lần sau sẽ không đưa con đi chơi nữa vì con không tuân thủ nguyên tắc. Lưu ý, phụ huynh cần nhất quán thực hiện điều đã nói, tức lần sau đến ngày đi chơi định kỳ thì sẽ không cho trẻ đi, nhắc lại để con hiểu nguyên nhân.

“Lúc này trẻ có thể phản ứng nhưng sẽ học được bài học nguyên nhân – hệ quả: không tuân thủ lời hứa thì sẽ không được đi chơi nữa”, vị chuyên gia phân tích.

Bất cứ lúc nào trẻ ăn vạ, cha mẹ hãy hiện diện bên cạnh, giữ tâm trạng bình tĩnh, giúp trẻ gọi tên cảm xúc và gợi ý hướng giải quyết. Ví dụ, phụ huynh có thể nói: “Mẹ biết con đang rất buồn, giận về việc này và con đang khó chịu. Mẹ ở đây và lắng nghe con khóc, khi nào con bình tĩnh thì mình cùng nói chuyện nhé”.

Dần dần, khi ba mẹ xây dựng tốt thói quen thông báo (trước khi đi, sắp về), cung cấp sự lựa chọn (con tự về hay ba mẹ hỗ trợ), thể hiện sự lắng nghe khi trẻ bộc lộ cảm xúc, trẻ sẽ giảm cường độ chống đối, vui vẻ chấp nhận việc ngừng chơi để về nhà.

Ông Vinh nhấn mạnh, kết quả ăn vạ là giống nhau, nhưng nguyên nhân thì khác nhau. Như câu chuyện ở trên, trẻ khóc vì phải chấm dứt trò chơi mình yêu thích. Nhưng có rất nhiều nguyên nhân khác khiến trẻ nổi giận, thậm chí là quá mệt, quá đói, món đồ yêu thích đặt sai vị trí, thay đổi người chăm sóc… Vì vậy để giải quyết và ngăn ngừa sự giận dữ ở trẻ dưới 3 tuổi, phụ huynh cần hiểu đúng về cơn giận, bình tĩnh suy xét lý do để có cách xử sự phù hợp, kịp thời xoa dịu trẻ.

Để ngăn ngừa cơn giận dữ, chuyên gia gợi ý cha mẹ nên thiết lập những quy trình nhất quán hàng ngày, giúp trẻ dự đoán điều gì có thể diễn ra tiếp theo, an tâm và tận hưởng cuộc sống.

Quan trọng hơn, cha mẹ cần quan sát con để kịp thời phát hiện ra những dấu hiệu phản ánh nhu cầu của trẻ, có kế hoạch dự phòng (khi đi chơi, đi xa)… nhằm tránh các tình trạng đói quá, mệt vì quá buồn ngủ…

Trong mối quan hệ với trẻ, cần đặt ra những giới hạn phù hợp và luôn tuân thủ chúng. Ba mẹ cần thông báo trước mọi hành động và khuyến khích trẻ giao tiếp để thể hiện điều muốn nói, cung cấp cho trẻ sự lựa chọn, tránh những tình huống gây ra cơn giận.

“Vượt qua cảm xúc tiêu cực, giận dữ là một kỹ năng quan trọng mà trẻ chỉ có được sau một quãng thời gian thực hành, luyện tập”, ông Vinh nói.

Trần Minh

Hoa tiền