AustraliaMất hết tài sản trong một vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán, triệu phú David Glasheen, 78 tuổi, bỏ thành phố Sydney ra đảo Restoration sống.
Những năm 1980, David Glasheen là chủ tịch một tập đoàn khai khoáng. Vào thời điểm giàu có nhất, ông có tài sản khoảng 28,4 triệu USD (hơn 667 tỷ đồng).
Nhưng năm 1987, chỉ số Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ giảm 508 điểm, ông bị mất 7,25 triệu USD. Hiện nay, số tiền ước tính giá trị khoảng 37 triệu USD. Năm 1993, Glasheen phá sản. Vợ ông cũng ôm hai con ra đi. Glasheen bị sốc tâm lý nghiêm trọng. Năm 1997, ông ra đảo Restoration, đảo hoang ngoài khơi phía bắc Australia, sống.
Hành trang chỉ là ba chiếc áo sơ mi, hai chiếc quần đùi, đồ bơi, một ngọn đuốc, vài cuốn sách, lọ ớt bột, kem và bàn chải đánh răng.
Robison của Australia dùng nước mưa và nước từ đồi núi trên đảo để uống. Cần câu, lưới đúc, đá lửa và một con dao rọc là những vật dụng cần thiết của Glasheen. Ông hái dừa, anh đào, nụ bạch hoa bản địa và mận wongai để ăn. “Đại dương chứa tất cả protein mà tôi cần”, ông nói. Ngoài ra, hàng năm, Glasheen chèo thuyền nhỏ đi mua đồ khô và đồ trong hộp ở tạp hóa.
“Con người đều làm những điều giống nhau. Học xong dự kiến sẽ kinh doanh cùng cha mẹ, tiếp quản cơ ngơi gia đình hoặc trở thành bác sĩ, luật sư, kế toán…”, ông nói. Glasheen dành hơn nửa cuộc đời sống như mọi người, nếm trải một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Vì vậy, ông ước giá mình sinh ra đã một mình trên đảo.
Năm 2019, Glasheen viết cuốn sách về đời mình, có tựa đề Millionaire Castaway, khẳng định Restoration bổ sung thêm gia vị cho cuộc sống của mình, điều tiền bạc không thể làm được. “Hòn đảo khẳng định cam kết tìm ra lối sống khác của tôi: Vượt khỏi vòng luẩn quẩn của áp lực kiếm tiền để người khác đánh giá giá trị và thành công”.
“Khoảng thời gian ngắn ngủi trên đảo thuyết phục tôi rằng đây là nơi có thể sống mãn nguyện tột cùng. Dành cả ngày để câu cá là hạnh phúc của tôi”, ông viết thêm.
Sống một mình trên đảo không chỉ chữa lành vết thương tinh thần mà còn thay đổi bản năng của Glasheen. Khi câu cá, ông nhận thấy các dấu hiệu ở dưới nước mà người khác không thể nhìn ra.
Bóng tối cũng bớt đáng sợ hơn so với ngày đầu Glasheen đến đảo. Ông có thể đi lang hang hết đêm và ý thức được mình đang làm gì. “Các giác quan sẽ phát huy năng lực tiềm ẩn khi bạn không có ảnh sáng”, ông nói.
Tuy nhiên, gần đây, Robinson ngoài đời thực của Australia thừa nhận cơ thể không còn như trước. Ông đã phải trải qua một loạt các mối đe dọa sức khỏe.
“Tôi không còn 18 tuổi nữa. Một ngày nọ tôi bị ngất sau đó bị ngã và gãy xương. Điện thoại không hoạt động khi tôi rất cần nó. Cách tốt nhất là có nhiều người kết nối với tôi hơn”, ông cho biết và thừa nhận cuộc sống hoang dã rất khó khăn.
David Glasheen đang kêu gọi một số công ty hỗ trợ mình, nhưng chưa tìm được ai sẵn sàng. Ông không có khả năng trả lương hàng tháng nên hy vọng một cặp vợ chồng trung niên, có kỹ năng sống trên đảo sẽ nhận khoản trợ cấp để hỗ trợ mình.
Dẫu sao, rời khỏi đảo hoang và trở về đất liền sau 25 sống một mình không phải lựa chọn của Glasheen. “Tôi hạnh phúc khi bị loại khỏi thế giới. Covid xảy ra, cuộc sống của tôi không thay đổi chút nào”, ông khẳng định.
Nhật Minh (Theo Ny Post/ABC)