MỹVới Allyson Jacobs, tuổi 20-30 là tuổi tập trung sự nghiệp, chăm sóc sức khỏe và tận hưởng cuộc sống. Khi sang tuổi 40, vợ chồng cô mới nghĩ đến sinh con.
Jacobs thấy có nhiều nguồn lực nuôi dạy con trai 9 tuổi so với những gì cô có thể làm ở tuổi 20. “Chắc chắn nhiều kiến thức hơn, kiên nhẫn hơn. Giờ chúng tôi có tiền để thuê bảo mẫu, nhưng nếu trẻ hơn thì không đủ khả năng”, người mẹ 52 tuổi nói.
Tỷ lệ sinh ở Mỹ giảm trong giai đoạn 1990-2019, nhưng độ tuổi sinh đã thay đổi. Tỷ lệ sinh ở phụ nữ độ tuổi 20-24 giảm gần 43% và giảm hơn 22% với phụ nữ 25-29 tuổi. Đồng thời, tỷ lệ này tăng hơn 67% ở phụ nữ 35-39 tuổi và hơn 132% với phụ nữ 40-44 tuổi, theo phân tích của Cục Điều tra dân số, dựa trên dữ liệu của Trung tâm thống kê y tế Mỹ.
Xu hướng này đẩy độ tuổi sinh con của phụ nữ nước này trung bình 27-30, mức cao nhất được ghi nhận.
“Quyết định đầu tư vào giáo dục, sự nghiệp của phụ nữ có trình độ đại học để kinh tế khá giả hơn khi có con, cũng như mong muốn an toàn tài chính cho đến khi có con của phụ nữ thuộc tầng lớp lao động đã góp phần tạo nên xu hướng này”, Philip Cohen, một nhà xã hội học thuộc ĐH Maryland phân tích.
Theo chuyên gia, trước đây, nhiều cha mẹ đưa con cùng đi làm khi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào trang trại. Hơn một thập kỷ qua, cha mẹ đầu tư hơn vào tương lai của con. Họ hỗ trợ trẻ khi chúng đi học cho đến tuổi trưởng thành. “Sinh con muộn giúp phụ nữ ở vào vị thế tốt hơn. Trẻ có nhiều nguồn lực hơn, được giáo dục nhiều hơn”, Colen nói.
Lani Trezzi, 48 tuổi sinh con trai đầu lòng khi cô 38 tuổi và một cô con gái sau đó 3 năm. Dù cưới từ năm 23 tuổi, nhưng cô thấy không cần thiết phải có con. Quan điểm đó thay đổi cuối những năm 30 tuổi, khi Trezzi thành công trong vai trò giám đốc điều hành một công ty bán lẻ.
“Ở độ tuổi đó tôi thấy tự tin trong nhiều khía cạnh của cuộc sống. Hồi trẻ, tôi không tự tin như bây giờ”, người phụ nữ sống ở ngoại ô New York nói.
Tình mẫu tử cũng đến muộn hơn ở các nước phát triển châu Âu và châu Á. Kate Choi, một nhà nhân khẩu học gia đình tại ĐH Western (Canada), cho biết, tỷ lệ phụ nữ sinh con muộn góp phần suy giảm dân số quốc gia, vì khả năng sinh con thường giảm theo tuổi.
Ở nhiều khu vực của Mỹ, nơi tỷ lệ sinh thấp và người nhập cư ít, suy giảm dân số dẫn đến thiếu lao động, chi phí lao động cao và người lao động phải gồng gánh chi phí cho người về hưu. “Những thay đổi như vậy gây áp lực đáng kể lên các chính sách hỗ trợ người cao tuổi”, Kate Choi nói.
Dù trong báo cáo của Cục điều tra dân số Mỹ chỉ dừng ở năm 2019, nhưng đại dịch hai năm qua đã khiến nhiều phụ nữ không muốn làm mẹ nữa. Tỷ lệ sinh ở Mỹ năm 2020 giảm 4%, mức giảm trong một năm lớn nhất gần 50 năm qua. Choi cho biết, tỷ lệ sinh có chút phục hồi trong nửa cuối năm 2021, nhưng cần thêm dữ liệu xác định đây có phải sự quay lại mức giảm bình thường không.
Trong thời kỳ đại dịch, một số phụ nữ ở cuối độ tuổi sinh sản có thể đã từ bỏ ý định làm cha mẹ hoặc sinh thêm con vì kinh tế trồi sụt và sức khỏe suy giảm.
Nhật Minh (Theo ABC News)