Trung QuốcNghe vợ nói chủ nhà đang ở nước ngoài, 8 năm qua ông Vương không mảy may nghi ngờ và hàng tháng vẫn đưa tiền để vợ chuyển trả.
Anh Vương, ở thành phố Hải Khẩu, Hải Nam chia sẻ, tám năm trước sau khi kết hôn, vợ chồng anh đi thuê nhà ra ở riêng.
Vào thời điểm tìm nhà, Vương bận việc đột xuất nên để vợ tự tìm và làm hợp đồng. Sau khi xong mọi việc, vợ anh thông báo đã thuê được một ngôi nhà với giá 8.000 tệ một tháng, chủ nhà đang ở nước ngoài nên tiền thuê sẽ do cô chuyển khoản.
Hai vợ chồng cũng thống nhất, mỗi người đóng góp một nửa khoản tiền này. “Cô ấy tính vậy tôi cũng mừng vì thấy vợ biết san sẻ nỗi lo kinh tế với chồng”, Vương chia sẻ.
Tám năm sau đó, cứ cuối mỗi tháng anh Vương lại đều đặn chuyển cho vợ 4.000 tệ, chưa bao giờ trễ hay thất hẹn. Anh cũng không bao giờ hỏi vợ đã nộp tiền nhà chưa, bởi tin tưởng bạn đời tuyệt đối.
Gần đây, khi cảnh sát khu vực tới kiểm tra và trao đổi một số thủ tục liên quan đến vấn đề cư trú, vợ anh mở chiếc cặp chứa giấy tờ nhà, vô tình đánh rơi tờ giấy chứng nhận quyền sở hữu căn nhà mà họ đang thuê.
Vương hỏi vợ, cô thản nhiên thừa nhận ngôi nhà này do cô mua từ trước khi quen anh. Dẫu vậy, Vương vẫn thấy tức tối, cho rằng vợ lừa mình nên nhất quyết đòi lại 400.000 tệ.
Người vợ lúc này vừa buồn cười, vừa cảm thấy có lỗi nên nằm trên giường, he hé mắt nhìn chồng. Cô giải thích đó chỉ là cách giúp chồng tiết kiệm tiền và tích lũy cho những việc khác.
Khi Vương chia sẻ câu chuyện nhà mình với truyền thông Trung Quốc, dư luận cũng chia thành hai phe. Một bên phê phán cô vợ, rằng sống với nhau 8 năm mà không cho chồng biết tài sản riêng của mình nên chắc chắn có ý đồ xấu.
Nhóm khác lại ủng hộ cách làm của người vợ. Họ cho rằng ngôi nhà là tài sản cá nhân của cô trước khi cưới, nên việc sử dụng như thế nào là quyền tự do cá nhân.
“Người ta đã giảm nửa giá thuê, như vậy quá tốt rồi. Ngôi nhà cũng do mồ hôi nước mắt tạo ra, dù ai sống cũng nên có trách nhiệm với nó”, một độc giả bình luận.
Vy Trang (Theo sohu)