Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Tình yêu của vợ chồng người lính lái xe Trường Sơn

Địa điểm giải trí tinh-yeu-cua-vo-chong-nguoi-linh-lai-xe-truong-son Tình yêu của vợ chồng người lính lái xe Trường Sơn Thông tin
Rate this post

Hà NộiNgười yêu vào chiến trường, bà Nguyệt Ánh cũng xung phong vào đội nữ lái xe nhưng suốt 8 năm họ không thể gặp nhau vì người bên Tây, người ở Đông Trường Sơn.

Chiều cuối tháng 4, ông Trần Công Thắng, 75 tuổi, cùng vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Ánh đi thăm lại cuốn nhật ký “Tình yêu và chiến tranh” đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Cuốn nhật ký gồm 164 trang do chính ông viết trong những năm tháng ở Trường Sơn.

Lật nhẹ những trang giấy ngả vàng, nheo mắt nhìn dòng chữ bằng mực xanh, ông Thắng bật cười khi đọc đến bức thư tình viết cho vợ. Tất cả đều mở đầu bằng câu “Em thương yêu” và tái bút “Yêu em nhiều. Hôn em”.

“Giữa chiến trường khốc liệt, những lá thư bày tỏ tình cảm với bà ấy là động lực để tôi chiến đấu. May mắn nay cả hai vẫn được nắm tay nhau những ngày tháng cuối đời”, ông chia sẻ.

Địa điểm giải trí 0001-5609-1651167194 Tình yêu của vợ chồng người lính lái xe Trường Sơn Thông tin

Một bức thư tình ông Thắng viết cho bà Ánh năm 1968, lưu giữ trong cuốn nhật ký chiến tranh được ông chép lại. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Năm mươi sáu năm trước, anh bộ đội Trần Công Thắng thuộc trung đoàn công binh 251 phải lòng cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, quê Hưng Yên, khi đóng quân ở Yên Bái. “Bà Ánh ngày ấy cao nhất trung đội, vóc dáng cân đối, nước da trắng hồng như mấy cô văn công nhưng dễ gần, nói chuyện vui tính khiến tôi xiêu lòng”, ông nhớ lại.

Hai năm đóng quân xây dựng sân bay Yên Bái, cứ tối cuối tuần, ông Thắng lại đi bộ sang đơn vị của bà Ánh để gặp. Lần đầu biết yêu, chàng trai Hà Nội không biết nói những lời bay bổng, câu chuyện của họ chỉ xoay quanh gia đình, thăm hỏi sức khỏe. Những đợt bận việc, không gặp được bạn gái, ông Thắng lấy giấy poluya mang từ Hà Nội ra viết thư, nhờ đồng đội cầm sang.

Lần nào nhận thư bà cũng cất kỹ, đợi lúc người vắng để đọc. Nhưng có lần cả tuần không thấy anh bộ đội tên Thắng sang chơi hay gửi thư, bà tự sang trung đoàn hỏi dò, vì lo. Nhìn cô gái thân hình mảnh khảnh, quần xắn quá đầu gối, chân lội bùn lầy sang tìm, ông Thắng xúc động, biết bà đã nhận lời yêu.

Trong hơn hai năm, ông Thắng đã gửi 40 bức thư tình. “Thời ấy yêu nhau không có ôm hay hôn, mạnh bạo nhất chỉ dám nắm tay, sau viết thư tỏ bày. Tôi với bà ấy yêu nhau lâu, mà nắm tay còn run”, ông cười kể.

Tháng 3/1968, ông Thắng lên đường nhận nhiệm vụ trực chiến trên các trọng điểm Tây Trường Sơn. Ngày chia tay dưới rừng cọ, bà Ánh dúi vào tay người yêu chiếc khăn mỏng làm tín vật. Lúc tiễn biệt trước giờ hành quân, thấy máy bay Mỹ thả pháo sáng ngay trên đầu, bà sợ hãi, nép sát vào gốc cọ, giọng run run: “Em sẽ đợi anh về”.

Nhưng bà không ở lại hậu phương chờ đợi mà xin chuyển sang đơn vị lái xe ở Đông Trường Sơn. Đây là trung đội nữ lái xe đầu tiên do Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn thành lập, vừa làm nhiệm vụ vận tải tuyến hậu phương, vừa động viên tinh thần lái xe, bộ đội trên đường Trường Sơn, đóng quân tại huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. “Ngoài mong muốn góp sức chiến đấu, tôi vào chiến trường với hy vọng được gặp người yêu”, bà kể.

Nhận tin người yêu vào đội lái xe nữ, ông Thắng ngỡ ngàng: “Một người con gái sợ cả pháo sáng, sao chịu được bom đạn, đặc biệt là những trận bom B52 nơi chiến trường?”. Từ ấy, mỗi lần thấy ô tô chở đạn dược, lương thực đến điểm tập kết, anh bộ đội đều hướng mắt lên cabin hy vọng thấy bóng dáng người yêu. Nhưng suốt 8 năm, người ở bên Đông, kẻ ở bên Tây dãy Trường Sơn không một lần có cơ hội chạm mặt nhau.

Địa điểm giải trí IMG-0479-JPG-9298-1651167194 Tình yêu của vợ chồng người lính lái xe Trường Sơn Thông tin

Bà Ánh (người ngồi trong cabin) cùng đồng đội bên cạnh chiếc ôtô vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, đầu những năm 1970. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở chiến trường, ông Thắng vẫn giữ thói quen viết thư cho người yêu. Có bức dài đến 10 trang giấy, gửi gắm nỗi nhớ người yêu, gia đình, chia sẻ sự khốc liệt nơi tiền tuyến. Nhưng thư chưa từng đến tay người nhận bởi giao liên hy sinh hoặc bị thất lạc.

Cách nhau cả trăm cây số, mỗi khi nghe tin có xe chở bộ đội ở Tây Trường Sơn ra điều trị, tim bà Ánh quặn thắt vì lo lắng. “Chỉ cần không thấy ông ấy trong nhóm người bị thương, tôi phần nào nhẹ nhõm”, bà nói.

Một thời gian sau, bà nhờ một lái xe qua nơi ông Thắng đóng quân, gửi tặng bức ảnh chân dung để khích lệ tinh thần. Nhận ảnh người yêu, chàng trai Hà Nội khoe khắp trung đoàn. Tấm ảnh sau đó được ông đặt vào túi áo ngực, dặn lòng gắng sống, gắng chiến đấu để gặp lại người yêu.

Chiến tranh khốc liệt, chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh bất ngờ, ông Thắng dằn vặt “có quá ích kỷ nếu bắt Nguyệt Ánh chờ đợi một người chưa chắc đã trở về”. Trong những lá thư, lời nhắn nhủ qua đồng đội sau đó, ông khuyên bà nên tìm hạnh phúc mới. “Nhưng có một người để yêu, để nhớ ở trong năm tháng chiến đấu là hạnh phúc. Tôi luôn tin anh ấy sẽ về”, bà Ánh tâm sự.

Năm 1971, đơn vị của bà rút về Thường Tín, Hà Tây, nhận nhiệm vụ đào tạo các lái xe nữ khác. Trung đoàn của ông Thắng chuyển vào chiến trường Tây Nguyên, liên lạc cũng theo đó đứt đoạn. Thời gian này, bà thường qua lại nhà người yêu hỏi thăm sức khỏe.

Hai năm sau, trong lần công tác ra Hà Nội, nghe người nhà nói bà Ánh cùng đơn vị tập duyệt binh ở sân bay Bạch Mai, chuẩn bị mừng ngày thống nhất, ông vội đi tìm. “Trung úy Phương về kìa”, đồng đội của bà Ánh hét lớn. Họ chưa từng gặp ông Thắng nhưng xem qua ảnh thấy có nét mặt giống diễn viên Thế Anh trong bộ phim Nổi gió nên đặt biệt danh là “trung úy Phương”.

Gặp lại người yêu sau 8 năm xa cách, ông Thắng hỏi: “Em còn yêu anh không?”. “Nếu không, sao em còn đợi anh về”, bà đáp. Ngay tối đó, anh bộ đội đèo người yêu trên chiếc xe đạp cọc cạch, vượt đường đất về nhà gái ở huyện Kim Động, Hưng Yên, xin phép gia đình cho qua lại.

Tháng 7/1974, đám cưới nhỏ với vài thanh kẹo lạc, ấm chè tươi được tổ chức. Không hoa, váy áo, xe đón dâu hay mâm cao cỗ đầy, cả hai mặc áo sơ mi trắng, quần bộ đội, chính thức nên duyên vợ chồng. “Vì gặp nhau trong gian khổ mà tình thương quyện chặt với tình yêu”, ông Thắng nói. Tháng 8 năm ấy, ông vào Quảng Trị tiếp tục chiến đấu.

Địa điểm giải trí img-0462-jpg-1651166039-3875-1651167194 Tình yêu của vợ chồng người lính lái xe Trường Sơn Thông tin

Ông Thắng, bà Ánh xem lại bức ảnh cưới chụp năm 1974, tại nhà riêng vào sáng 26/4. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Sau ngày đất nước thống nhất, bà Ánh phục viên, công tác tại đội lái xe của Bộ Tài chính. Kinh nghiệm lái xe nhiều năm, tác phong điềm đạm, bà được phân công phục vụ nhiều đời thứ trưởng. Năm 1977, ông Thắng mới ra Bắc đoàn tụ vợ và sinh con gái đầu lòng. Đến năm 2003, ông bà về hưu, hưởng cuộc sống tuổi già bên con cháu.

“Trong số 40 chị em thuộc trung đội nữ lái xe Trường Sơn, có lẽ tôi là người may mắn nhất khi về thời bình vẫn có một mái ấm hạnh phúc trọn vẹn, sinh được hai con khỏe mạnh, nay thành đạt”, người phụ nữ 74 tuổi chia sẻ.

Những ngày này, trong căn nhà nhỏ trên đường Ngọc Thụy, quận Long Biên, hai người cựu chiến binh cùng nhau nấu cơm, đưa đón cháu đi học. Thời gian rảnh, ông Thắng chở vợ đi gặp gỡ bạn bè chiến đấu hay thăm đồng đội bị chất độc da cam. Thi thoảng, ông bà về thăm lại chiến trường xưa.

Ở tuổi xế chiều, bà Ánh nói bản thân không còn hoạt bát, nhanh nhẹn, da nhăn nheo, nhiều nếp nhăn. Nhưng ông Thắng lắc đầu: “Dù 70 tuổi, 80 tuổi hay nhiều hơn nữa, trong mắt tôi, Nguyệt Ánh vẫn là cô thanh niên xung phong thẹn thùng khi yêu và quên mình trong chiến đấu”.

Đúc kết lại chuyện tình 56 năm, cặp vợ chồng già nói rằng không tránh khỏi những lúc mâu thuẫn, nhưng họ không bao giờ to tiếng hay để lại những ấn tượng xấu trong lòng đối phương.

“Tình yêu của chúng tôi bền chặt đến nay không chỉ là tình cảm trai, gái, mà là tình đồng chí, đồng đội. Còn được sống, được nhìn nhìn thấy nhau là quý”, bà Ánh nói.

Quỳnh Nguyễn

Hoa tiền