Cần ThơBảy năm trước, anh thợ hồ Ngô Văn Lộc ở An Giang lần đầu lên Sài Gòn gặp bạn gái với lời đề nghị “để anh cõng em đi chơi”.
Đến giờ, trong ngôi nhà nhỏ của họ tại ấp Quy Lân 6, xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ đã có thêm tiếng cười trẻ nhỏ. Nguyễn Thị Nhi, cô bạn gái năm xưa, gọi cuộc hôn nhân của mình là “quà tặng của ông trời”.
Anh Lộc và chị Nhi quen nhau qua mạng xã hội năm 2015, khi cả hai vừa bước sang tuổi 30. Cô gái bị bại liệt từ năm 4 tuổi, hai chân teo tóp, lưng gù lệch sang một bên, phải di chuyển bằng tay. Dù vậy, Nhi vẫn làm tốt mọi việc từ giặt giũ, cơm nước, may quần áo, thậm chí lặn xuống sông mò cua bắt ốc. Năm 25 tuổi, cô rời Cần Thơ lên Sài Gòn phụ em gái bán tạp hóa, sửa chữa quần áo tại nhà.
Biết Nhi tật nguyền nên ngày nào Lộc cũng tranh thủ hỏi thăm sức khỏe. Quen nhau được vài tháng, một hôm Lộc nói sẽ lên Sài Gòn thăm bạn gái. Chẳng đợi cô kịp đồng ý, ngay hôm sau, anh vượt 80 km bằng xe máy, xuất hiện ngay trước cửa nhà cô. Dù cố tỏ ra mạnh mẽ, Nhi không dám nhìn thẳng vào chàng trai khôi ngô trước mặt, cử chỉ tỏ rõ sự tự ti.
Ngày đầu ở nhà Nhi, Lộc lặng lẽ quan sát cách cô di chuyển và làm việc. Thấy Nhi dù phải đi bằng hai tay nhưng việc gì cũng thành thạo, anh hiểu đây là một cô gái tốt qua cách luôn cố gắng làm mọi việc, không dựa dẫm vào ai. “Cô ấy còn may được áo sơ mi, quần Tây rất đẹp”, anh Lộc kể.
Từ sự cảm phục, tình cảm trong Lộc lớn dần. Anh quyết định không về quê mà ở lại Sài Gòn tìm việc làm để được gần Nhi hơn. Một lần, anh tỏ tình nhưng bị cô từ chối thẳng thừng. Nhi không thể quên lời dặn của người dì: “Nó đẹp trai, khỏe mạnh, có tình cảm với cháu chỉ là thương hại thôi”. Cô cũng không tin, tình yêu này có thật.
Một lần gia đình tổ chức đi biển Vũng Tàu, Nhi rủ Lộc đi cùng. Khi mọi người đã xuống biển, thấy chàng trai chỉ luẩn quẩn quanh mình, cô giục anh đi chơi nhưng Lộc lắc đầu: “Anh đi với em nên chỉ ở bên em thôi. Nếu em đi anh mới đi”, Lộc nói.
Nhận được cái gật đầu, Lộc cõng Nhi xuống bãi tắm, không hề ngại ngần ánh mắt tò mò của những người xung quanh. Tối đó, anh đăng ảnh cả hai lên trang cá nhân, kèm lời tựa “Tình yêu của tôi”. Nhi bắt đầu tin vào tình cảm của chàng trai này.
Sự chân thành của Lộc dần xóa bỏ tự ti trong Nhi, cô chấp nhận lời yêu. Biết bạn gái mặc cảm, ít khi ra ngoài, anh thường cõng cô đến nhà bạn bè, người thân chơi. Trước Nhi rất thích phố đi bộ Nguyễn Huệ, tháng nào Lộc cũng đưa người yêu đến, cõng suốt quãng đường vài cây số.
Khi tình yêu chín muồi, họ tính chuyện kết hôn nhưng mẹ Lộc phản đối kịch liệt. Ngày con trai đưa bạn gái về nhà, bà không nói gì, lẳng lặng bỏ đi. Không được gia đình đồng ý, cả hai vẫn lặng lẽ bên nhau. Một lần, Lộc bị tai nạn lao động, gãy chân. Những ngày nằm nhà trọ, Nhi tận tình chăm sóc người yêu, từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc tắm rửa, vệ sinh ngay tại giường. Sau một tháng, Lộc bình phục, cũng là lúc mẹ anh được thuyết phục. Bà bật đèn xanh cho đám cưới của hai con bằng câu nhắc khéo: “Lo mà đối xử với cái Nhi cho tốt”.
Đám cưới của họ được tổ chức ngày 30/4/2016 tại nhà gái, còn nhà trai chỉ báo hỉ do đường xá xa xôi. Hôm đó, mới 7h sáng mà sân nhà cô dâu đã chật cứng khách vì ai cũng tò mò muốn xem chú rể của Nhi là ai.
Sau đám cưới, Lộc phụ giúp mẹ vợ bán quán ăn còn Nhi vẫn sửa quần áo. Nửa năm sau, thêm một niềm vui đến với họ khi biết tin Nhi có bầu. Suốt thời kỳ thai nghén, cô sợ bản thân chỉ nặng 25 kg khó giữ được con, rồi đứa bé sẽ khiếm khuyết giống mẹ. Mỗi lần như vậy Lộc lại động viên: “Dù thế nào cũng là con mình, anh sẽ nuôi”. Những tháng cuối, cơ thể nặng nhọc chỉ nằm một chỗ, nhiều đêm Nhi khó thở, Lộc lại ẵm vợ vào lòng để cô ngủ ngồi.
Bé Ngô Hữu Minh chào đời, nặng 2,3 kg, lành lặn, khỏe mạnh trong niềm hạnh phúc của hai bên gia đình. Thu nhập từ quán ăn cũng đủ để họ vui sống và nuôi con.
Nhưng rồi Covid-19 ập tới, quán phải đóng cửa. Không có việc, hai vợ chồng dắt díu nhau về Cần Thơ tá túc nhờ ông bà ngoại. Tại nơi ở mới, Lộc đi phụ hồ nhưng ít việc, còn Nhi ở nhà mò cua bắt ốc, kiếm thêm vài đồng nuôi con. Không đủ tiền trang trải cuộc sống, vài tháng nay cô mượn chiếc loa thùng của ba mẹ, rủ chồng đi hát rong bán vé số khắp huyện Vĩnh Thạnh.
Hàng ngày, cặp đôi rời nhà lúc 16h và kết thúc công việc khi trời đã tối muộn. Ngày nhiều họ kiếm được 150.000 đồng, nhưng cũng nhiều hôm chỉ vài chục. Cuối tuần không gửi được con, họ lại đặt cậu bé 4 tuổi lên chiếc xe điện ba bánh, cùng nhau rong ruổi khắp nơi.
Thời gian đầu bán vé số, nhiều ngày hai vợ chồng hát khản giọng nhưng chỉ thu được vài chục nghìn. Có lần vào quán nhậu mời khách, Lộc bị đuổi, thậm chí phải nghe những lời miệt thị nặng nề. Trên đường về nhà, người vợ lén nhìn sang chồng thì thấy anh cũng đang quay đi, đưa tay gạt ngang mắt. Rồi những hôm mưa to, đường trơn trượt khiến cả hai mất thăng bằng, trượt bánh ngã nhào xuống đường, lấm lem hết quần áo.
“Dù vậy vợ chồng tôi giờ đi đâu cũng có nhau, vì anh là đôi chân của tôi, tôi là điểm tựa của anh”, Nhi nói.
Cuộc sống vất vả, nhưng có thời gian rảnh, Lộc lại rủ vợ con đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Nhiều lần anh đòi cõng cô như thủa mới yêu dù Nhi phản đối: “Như con nít. Già rồi, người ta cười cho”. Tỏ vẻ giận dỗi, Lộc nghiêm mặt: “Tui cõng vợ tui chứ cõng ai khác mà lắm chuyện”.
Với người đàn ông này, yêu một người là dành cả trái tim cho người đó, dù họ không lành lặn như mình.
Hải Hiền