Nhiều người trẻ có thói quen “hoãn giờ ngủ, ăn bớt giờ nghỉ” để có thêm thời gian cho hoạt động giải trí khi về đêm.
Thuật ngữ “Revenge Bedtime Procrastination” (trả thù sự trì hoãn trước khi ngủ) được khai sinh bởi nhà báo tên Daphne K. Lee, khi cô giới thiệu ý tưởng bỏ ngủ như một cách chăm sóc bản thân. Đây là hội chứng con người rút ngắn giấc ngủ hằng đêm để lướt mạng xã hội, xem phim hoặc chơi điện tử…
Tình trạng trì hoãn giấc ngủ ngày càng trở nên tồi tệ hơn trong những tháng gần đây, có thể là do căng thẳng gia tăng và thói quen sinh hoạt bị thay đổi vì Covid-19. Theo khảo sát của Học viện Y học giấc ngủ Mỹ, tháng 1/2021, khoảng 40% người trưởng thành được hỏi cho biết họ ngày càng khó ngủ.
Tại sao chúng xảy ra?
Sự trì hoãn giấc ngủ bắt nguồn từ việc thiếu thời gian rảnh rỗi trong ngày. Nhiều người phải gồng mình giải quyết công việc tại cơ quan, chăm sóc gia đình, hỏi thăm bạn bè, nuôi dạy con cái, dắt chó đi dạo…. khiến họ không còn nhiều thời gian cho bản thân.
Trước các quan điểm cho rằng có hai kiểu người tham gia vào việc trì hoãn giấc ngủ: một là những người chủ đích không ngủ để giải trí, hai là không biết cách tự điều chỉnh đồng hồ sinh học. Nhưng các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, cách phân loại này không rõ ràng, bởi có những người buộc phải mất ngủ.
Hậu quả của việc trì hoãn giấc ngủ
Theo các chuyên gia, thức quá khuya để đọc sách, lướt mạng xã hội hoặc nói chuyện với bạn bè không phải là điều gì khác thường. Nhưng ngủ không đủ giấc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thể chất và tinh thần. Thiếu ngủ dễ làm giảm hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, cao huyết áp, trầm cảm và Alzheimer.
Cuộc khảo sát về giấc ngủ toàn cầu của Phillips năm 2019 chỉ ra, 62% người trưởng thành nói rằng không ngủ đủ giấc, mỗi đêm ngủ không quá 7 tiếng. Một số lý do đưa ra cho tình trạng này là do thức quá khuya.
Làm sao để đối phó?
Rất nhiều lời khuyên xoay quanh việc trì hoãn giấc ngủ đưa ra: Không tập thể dục quá sát giờ đi ngủ; Hạn chế sử dụng các thiết bị ánh sáng xanh vào ban đêm; Duy trì thói quen ngủ đúng giờ và đảm bảo ngủ ít nhất 7 tiếng mỗi ngày. Đây cũng là số giờ ngủ tối thiểu mà các chuyên gia khuyến cáo, nhằm duy trì năng suất và sức khoẻ.
Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa của việc trì hoãn giấc ngủ là thiếu thời gian rảnh trong ngày. Tiến sĩ Fargo khuyên người dân cần sắp xếp giữa các khoảng nghỉ trong ngày để không thành cú đêm. “Nghe có vẻ miễn cưỡng khi xây dựng thời gian nghỉ xen vào lịch làm việc, nhưng nghỉ ngơi cũng cần được lập thời gian biểu rõ ràng. Nếu không sắp xếp chúng vào danh sách việc cần làm, sẽ khó có thể hoàn thành”, tiến sĩ nói.
Còn nếu gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thời gian nghỉ, bạn nên dành 10 đến 15 phút giải lao trong ngày để tập thể dục, chơi điện tử, lướt mạng xã hội… nhằm nâng cao hiệu suất làm việc.
Trong trường hợp gặp khó khăn để cân bằng giữa công việc và giải trí, người lao động cần trao đổi với chuyên gia sức khỏe tâm thần để được hỗ trợ.
Minh Phương (Theo Healthline)