Các nhà khoa học đã chứng minh, con người cần 18-254 ngày để hình thành một thói quen, nhưng đôi khi, thói quen bạn dày công tạo lập lại gây hại cho sức khỏe.
Đặt chuông báo thức
Tiếng chuông đánh thức bạn đột ngột, có thể gây hại cho tim, làm tăng huyết áp và tăng mức độ căng thẳng do tăng adrenaline (hoocmon liên quan đến chức năng nội tạng).
Thức dậy quá đột ngột cũng có thể dẫn đến tình trạng ngủ không yên hoặc cảm thấy chệnh choạng, làm giảm hiệu suất tinh thần và thể chất.
Các chuyên gia khuyên bạn nên thiết lập một thói quen ngủ phù hợp bằng cách cố gắng ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày, không báo thức. Bạn cũng có thể tập dần dần thức dậy với ánh sáng tự nhiên. Mở rèm cửa hoặc đặt giường của bạn ở nơi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
Nếu cần thức dậy trước khi mặt trời mọc, bạn có thể mua đồng hồ báo thức có âm thanh nhẹ nhàng (như chuông gió) hoặc đồng hồ báo thức bằng ánh sáng.
Nhà quá sạch sẽ
Trong một số môi trường, chẳng hạn như bệnh viện phải sạch sẽ tuyệt đối. Nhưng nếu nhà nói riêng và môi trường sống nói chung, hoàn toàn vô trùng có thể gây bệnh.
Các nghiên cứu đã ủng hộ “Giả thuyết về vệ sinh”, nói rằng trẻ lớn lên ở các vùng nông thôn, tiếp xúc với vi khuẩn, phấn hoa và lông động vật, có hệ thống miễn dịch mạnh hơn. Trong khi đó, những đứa con được nuôi trong môi trường rất sạch sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh sốt cỏ khô, hen suyễn và dị ứng.
Một số vi sinh có lợi cho cơ thể vì giúp ích chức năng sinh lý, trao đổi chất và não. Điều này không có nghĩa bạn nên ngừng dọn dẹp và sống trong ô uế. Điều bạn cần làm là quản lý cách khử trùng và dọn dẹp mọi thứ.Ví dụ, trẻ em có thể rửa tay bằng xà phòng bình thường thay vì dùng xà phòng diệt khuẩn. Hoặc nếu đồ chơi rơi trên sàn không quá bẩn, bạn chỉ cần làm sạch đơn giản và không cần phải khử trùng quá kỹ mọi thứ.
Uồng nhiều vitamin và chất bổ sung
Hầu hết chúng ta dùng vitaminh tổng hợp để bổ sung dinh dưỡng. Nhưng trong bài đăng trên tạp chí y khoa Annals of Internal Medicine, chuyên gia khuyên không nên lãng phí tiền mua vitamin tổng hợp. Các nghiên cứu cho thấy chúng không làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc ung thư, không giúp ngăn ngừa mất trí nhớ hoặc suy giảm khả năng trí óc. Tuy nhiên, một số chất bổ sung uống trước hoặc trong khi mang thai giúp chống lại các khuyết tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.
Các chuyên gia cũng cảnh báo về việc dùng vitamin tan trong nước và chất béo với liều lượng lớn. Quá nhiều vitamin C hòa tan trong nước có thể gây sỏi thận và quá nhiều vitamin A hòa tan trong chất béo có thể ảnh hưởng đến gan. Tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống. Thay vì phụ thuộc vào các chất bổ sung, tốt hơn nên hấp thụ vitamin từ chế độ ăn khoa học.
Lột da chết
Lột da là một phần của quá trình tự chữa bệnh, là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang cố gắng loại bỏ các tế bào bị tổn thương. Trong quá trình này, da dễ bị tổn thương, nên tốt hơn hết nên để nó tự bong ra.
Cách tốt nhất lúc này là dưỡng ẩm cho vùng da bị bong tróc và uống thêm nước (để tránh mất nước). Bạn cũng có thể mặc quần áo chống nắng khi đi ra ngoài, giúp tránh tác hại của tia cực tím. Để tránh bị bỏng, nên thoa kem chống nắng 2 giờ một lần khi tiếp xúc với ánh nắng gay gắt.
Đi giày cao gót
Giày cao gót có thể tăng thêm vài ba centimet chiều cao, nhưng việc đeo chúng trong thời gian dài có thể gây hại cho cơ thể. Một nghiên cứu năm 2018, của chuyên gia thuộc ĐH A Coruña, Tây Ban Nha cho thấy, những phụ nữ đi giày cao gót hàng ngày có chất lượng cuộc sống kém hơn.
Giới hạn thời gian đi giày có thể giúp bạn tránh những hậu quả có thể xảy ra sau:
Chấn thương mắt cá chân do bước sai và mất thăng bằng.
Căng thẳng gãy xương do áp lực quá lớn lên bàn chân.
Viêm xương khớp ở đầu gối, do khớp bị căng.
Dị tật bàn chân và ngón chân (hay còn gọi là bunion) trong những trường hợp nghiêm trọng.
Các vấn đề về lưng do gót chân gây ra sự thay đổi vị trí của cột sống.
Đau và sưng tấy.
Ăn quá nhanh
Trong thời hiện đại chúng ta thường làm mọi thứ rất nhanh, kể cả ăn. Nhưng đây là thói quen bất lợi, có thể gây tăng cân. Theo một nghiên cứu, 60% trẻ ăn uống vội vàng có cân nặng vượt quá tiêu chuẩn.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác phát hiện những người ăn nhanh phát triển các yếu tố nguy cơ gây béo phì quanh vòng eo, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao và chất béo xấu.
Những người nhai nhanh cũng nhai ít, khiến tiêu hóa kém. Mặt khác, ăn chậm giúp cơ thể hài lòng với bữa ăn hơn.
Chọn thực phẩm ít béo và có vẻ lành mạnh
Không phải tất cả các sản phẩm ít chất béo hoặc không chứa gluten đều tốt cho sức khỏe. Đôi khi, những thực phẩm chế biến sẵn này có thể chứa nhiều đường hơn so với những thực phẩm không ăn kiêng.
Một vài ví dụ về các sản phẩm “ít béo” này nhưng không thực sự tốt cho sức khỏe là ngũ cốc ăn sáng có đường, cà phê có hương vị và sữa chua. Ăn thực phẩm giàu đường dễ gây ra cảm giác đói quá mức, tăng cân và mắc một số bệnh.
Để tránh bị lừa bởi những mặt hàng này, hãy kiểm tra phần “Thông tin dinh dưỡng” trên bao bì và so sánh nó với các sản phẩm tương tự của các thương hiệu khác. Ăn nhiều rau, một lượng nhỏ carbs (gồm hàm lượng đường, tinh bột, chất xơ có trong trái cây, ngũ cốc, rau và các sản phẩm, chế phẩm từ sữa) và vừa đủ thịt hoặc protein từ thực vật, cũng là một lựa chọn cho một bữa ăn cân bằng, không chứa quá nhiều calo.
Nhật Minh (Theo Brightside)