Địa điểm mới

Thành tỷ phú từ tiền dưỡng già của mẹ

Trung QuốcSau lần khởi nghiệp đầu tiên thất bại, Lý Vĩnh Tân đã vay tiền mẹ và thành công nhờ quyết định này.

Lý Vĩnh Tân sinh năm 1976 tại thành phố Thông Hóa, tỉnh Cát Lâm. Ông là con trai duy nhất trong gia đình có bốn chị em, bố mẹ đều là công nhân, gia cảnh khó khăn.

Từ nhỏ, Lý đã chăm chỉ học hành với mong muốn sau này gia đình bớt khổ. Chàng trai mơ ước sẽ được vào Đại học Bắc Kinh, đại học nổi tiếng nhất của Trung Quốc lúc bấy giờ dù bố mẹ mong cậu vào trường quân sự bởi không mất học phí.

Mười tám tuổi, Lý thi đỗ vào ngôi trường mơ ước với điểm số rất cao. Cuộc sống của chàng tân sinh viên nhiều khó khăn, tiêu chuẩn ăn uống một tháng của các bạn cùng lớp là 250 tệ, nhưng bố mẹ chỉ có thể gửi cho Lý 100 tệ. Biết hoàn cảnh, nhà trường đã trợ cấp tiền học và ký túc xá. Để tiết kiệm, Lý đã ăn cháo miễn phí tại căng tin trường suốt 4 năm.





Địa điểm giải trí ty-phu-1-2262-1644653701 Thành tỷ phú từ tiền dưỡng già của mẹ Thông tin

Lý Vĩnh Tân hiện là tỷ phú giàu nhất ngành giáo dục Trung Quốc với khối tài sản 94,5 tỷ tệ. Ảnh: 163.com

Từ khi còn trên giảng đường, trong khi bạn bè tính đến việc học thạc sỹ hoặc đi du học thì Lý chỉ đau đáu với việc khởi nghiệp. Vào năm cuối đại học, anh đã xin đi thực tập tại một số công ty để tìm hiểu việc kinh doanh.

Tốt nghiệp đại học năm 1999, một cơ hội khởi nghiệp mở ra với chàng trai này khi số lượng tuyển sinh vào các trường đại học ở Trung Quốc tăng lên đột biến. Điều này đồng nghĩa trong tương lai sẽ cần nhiều việc làm hơn. Ngay lập tức Lý cùng với bạn học mở một công ty dịch vụ việc làm cho sinh viên. Nhưng sau đó vì mâu thuẫn trong việc định hướng phát triển, tiếng nói của Lý tại công ty mất dần giá trị nên anh rút hết vốn.

Một năm sau, Lý thành lập công ty Ivory Tower, sử dụng những sinh viên thủ khoa đầu vào Đại học Bắc Kinh đi diễn thuyết nhiều nơi nhằm truyền cảm hứng học tập. Thời điểm đó, anh thuê một phòng rộng 6 m2 gần trường cũ lập văn phòng. Ban ngày làm ông chủ, buổi tối lại trải thảm xuống đất ngủ.

Một lần, giáo viên cũ đề nghị Lý dạy kèm một số sinh viên thi công chức nhà nước. Ở Trung Quốc, công chức trở thành lối thoát cũng như cánh cửa đổi đời cho nhiều người nhưng sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Từng học và thi công chức, Lý nhận thấy không có cơ sở hay trung tâm nào dạy loại hình này, bởi vậy anh bắt đầu nghĩ đến cơ hội khởi nghiệp mới cho mình.

Không có tiền, cũng chẳng nhà đầu tư nào gật đầu với ý tưởng này nên Lý về quê vay mẹ. Thời điểm đó mẹ anh chỉ có khoản tiền tiết kiệm dưỡng già là 30.000 tệ (107 triệu đồng). “Con sẽ biến số tiền này thành tiền tỷ”, cậu con trai hứa.

Một tháng sau, Lý thành lập công ty giáo dục Trung Công tại Bắc Kinh. Thời điểm đó, hầu như chưa ai tham gia vào lĩnh vực đào tạo này nên danh tiếng của Lý nổi như cồn. Không chỉ đào tạo trực tiếp, Lý còn tổ chức các lớp đào tạo từ xa.

Năm 2009, Lý Vĩnh Tân nhanh chóng hiện thực hóa hoạt động quy mô lớn của hơn 300 chi nhánh trên khắp cả nước, trở thành cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng đầu tại Trung Quốc.

Tháng 9 năm 2019, giá thị trường của công ty Trung Công đã vượt qua 100 tỷ tệ và trở thành công ty giáo dục tư nhân lớn thứ ba Trung Quốc. Cũng ở thời điểm này, Lý Vĩnh Tân và mẹ anh trở thành người giàu nhất trong lĩnh vực giáo dục tư nhân với tài sản ròng lên tới 60 tỷ tệ.

Năm 2020, Lý Vĩnh Tân trở thành người giàu nhất ngành giáo dục Trung Quốc với 94,5 tỷ tệ. Gia đình ông cũng đứng thứ 23 trong “Danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc năm 2020 của Forbes” với 126,11 tỷ tệ.

Tuy nhiên, bề ngoài Lý Vĩnh Tân trông không giống người giàu bởi mỗi năm chỉ mặc vài chiếc áo sơ mi mỗi khi đi làm, không siêu xe cũng chẳng hàng hiệu. “Những người thực sự giàu có trong tâm hồn họ không bao giờ khoe khoang tất cả những gì họ có”, một giáo viên tại Đại học Bắc Kinh nhận xét về cậu học trò cũ như vậy.

Khi trở thành tỷ phú, Lý Vĩnh Tân đã ủng hộ trường Đại học Bắc Kinh một tỷ tệ (khoảng 3.560 tỷ đồng), với tuyên bố: “Nếu không có những bát cháo miễn phí ngày đó, tôi sẽ không có được như hôm nay”.

Mơ ước của người đàn ông này là ngày nào đó có thể quyên góp cho trường cũ 10 tỷ tệ để những sinh viên nghèo như ông trước đây có cơ hội được học tập và đổi đời.

Vy Trang (Theo 163, sohu)