Giá xăng dầu tăng khiến nhiều công ty tại Mỹ chọn làm quà tặng, nhằm lôi kéo nhân viên không nghỉ việc.
Giá xăng trung bình tại Mỹ chạm ngưỡng 5 USD một gallon (3,79 lít) vào tháng 6, cùng thời điểm lượng nhân viên quay trở lại văn phòng tại các thành phố lớn của Mỹ ở mức cao nhất (44%), từ khi Covid-19 bùng phát. Các cuộc thảo luận về giá xăng và chi phí sinh hoạt tăng cao diễn ra ở khắp các văn phòng.
“Mọi người chỉ nói về mức tăng kỷ lục của xăng dầu”, Cassandra Gluyas, giám đốc điều hành công ty Thomas Instrumentation Inc., nói.
Bà Gluyas từng cân nhắc tặng tiền thưởng cho nhân viên, giúp họ giảm chi phí xăng xe, nhưng cuối cùng chọn tăng 6% lương cho toàn bộ nhân viên vì nghĩ đây là cách tốt nhất. “Mọi thứ đang trở nên căng thẳng với người lao động”, nữ quản lý nói.
Các nhà tuyển dụng khác cũng cố tăng lương và thưởng để giữ chân nhân viên. Driftwood Garden Centre, nhà bán lẻ với 100 công nhân gần Naples, bang Florida, bắt đầu tăng khoản phụ cấp 30 USD và 50 USD vào phiếu lương của nhân viên, cho xăng xe. Công ty này cũng từng tăng 20-30% tiền trợ cấp vào các tháng trước.
“Chúng tôi phải làm điều đó nếu không muốn mất các nhân viên có năng lực”, Craig Hazelett, giám đốc điều hành của Driftwood Garden Centre nói.
Từ khi xăng tăng giá, Chase Griffine, giám đốc dự án một công ty ở Dallas, bang Texas, không dám đổ đầy bình. Ngày trước Griffine đổ 55 USD đã đầy bình xăng, nhưng nay 40 USD chưa được nửa, và công ty đang lập kế hoạch tăng số ngày làm việc tại văn phòng từ tháng 7.
“Có vài lời phàn nàn khi phải đến văn phòng ba ngày mỗi tuần, nhưng ít nhất chúng tôi vừa thông báo sẽ nhận thẻ đổ xăng trị giá 300 USD khi lạm phát tăng cao”, anh nói.
Randall Stremmel, chủ tịch Công ty công nghệ môi trường Khoáng sản Pittsburgh, cho biết 35 nhân viên khảo sát thị trường, được hoàn trả 58,5 xu mỗi dặm nếu phục vụ công việc, nhưng nhóm người này vẫn phàn nàn khi chi phí tăng.
Nhưng một số doanh nghiệp khác lại trì hoãn hoặc hủy chính sách cho người lao đồng trở lại văn phòng, khuyến khích làm việc từ xa để cắt giảm chi phí.
Giám đốc điều hành Jennifer Ellis của Cosmetic Specialty Labs Inc., nhà sản xuất mỹ phẩm và dược phẩm gồm 60 nhân viên có trụ sở tại Lawton, bang Oklahoma, nói với các nhân viên sống xa công ty (trên 40 km) nên tăng số ngày làm việc ở nhà. Trong khi các nhân viên thuộc bộ phận tiếp thị, kinh doanh có thể chọn ba ngày làm ở nhà và hai ngày ở văn phòng.
Dù không phải công ty nào cũng áp dụng làm việc từ xa. Như khoảng 80% nhân viên của SuperGraphics LLC phải làm việc trực tiếp tại nhà máy in ở Seattle, bang Washington, khiến công ty lập công thức chi trả tiền xăng theo quãng đường. Đồng thời thêm khoản phụ cấp 1,5 USD cho mỗi gallon xăng, vào mỗi lần trả lương.
Reid Baker, chủ tịch của SuperGraphics, cho biết công ty cũng đang xem xét việc tặng thẻ đi xe buýt cho công nhân không lái xe và thực hiện việc tăng chi phí sinh hoạt cho toàn nhân viên. “Chúng tôi đang làm hết cách để giữ chân nhân viên, nhưng vẫn có giới hạn về các khoản chi trả”, ông nói.
Mặt khác, một số giám đốc điều hành lại lo lắng về cuộc suy thoái tiềm ẩn. Evan Cohen, chủ tịch của Quality Marble & Granite ở Ontario, bang California, đã tạm dừng kế hoạch hỗ trợ xăng xe cho nhân viên và tập trung tìm giải pháp tránh sa thải nhân sự nếu suy thoái xảy ra.
Hiện người quản lý cố gắng cung cấp bảo hiểm y tế và các quyền lợi tiết kiệm hưu trí cho tất cả nhân viên, khi giá thành sản phẩm tăng lên gần 50%. “Tôi muốn tăng lương và phát tiền thưởng, nhưng điều quan trọng hơn là đảm bảo nhân viên không bị thất nghiệp”, Cohen nói.
Minh Phương (Theo WSJ)