Nhiều nghiên cứu khoa học phát hiện, phải đi làm trên chặng đường quá xa có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hay dẫn đến đổ vỡ hôn nhân của người lao động.
Huyết áp tăng đột biến và sức khỏe tim mạch bị ảnh hưởng
Theo một nghiên cứu đăng trên thư viện Y khoa Mỹ, trong các bài kiểm tra sức khỏe của những người thường xuyên phải đi lại trên quãng đường hơn 30 km có huyết áp cao hơn và sức khỏe tim mạch thấp hơn. Căng thẳng do tham gia giao thông và ngồi nhiều, ít vận động trong nhiều giờ có thể là nguyên nhân của tình trạng này.
Một bài viết trên tạp chí Y tế dự phòng Mỹ cho hay, đi làm hàng ngày trên đoạn đường dài là một trong những nguồn căng thẳng mạn tính liên quan đến huyết áp, mệt mỏi và các tác động tiêu cực khác của sức khỏe thể chất hoặc tinh thần.
Trở nên ủ rũ và dễ tức giận hơn
Tắc đường là tình trạng phổ biến khi tham gia giao thông ở các thành phố lớn. Bị muộn giờ, đứng đợi vì tắc đường khiến tâm trạng chúng ta tồi tệ. Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên, sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng trầm cảm ở người tham gia giao thông.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Kinh tế công cộng (Mỹ), có mối liên hệ giữa tắc đường và gia tăng bạo lực gia đình. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra, vào các buổi tối, khi hai đường cao tốc chính của Los Angeles bị tắc nghẽn nghiêm trọng, tỷ lệ bạo lực gia đình tăng khoảng 9%.
Sống khép kín hơn
Đường đi làm dài khiến bạn kiệt sức và có thể từ chối những lời mời gặp gỡ. Những người thường xuyên mất hơn 20 phút để đi lại ít có khả năng đi thăm bạn bè, gia đình và tập thể dục hơn, theo một nghiên cứu năm 2008, được công bố trên tạp chí Y học dự phòng Mỹ.
Mối liên hệ giữa quãng đường đi làm dài và mức độ tiếp xúc xã hội giảm nhiều hơn đối với những người đi làm trên 90 phút. Ngược lại, theo một cuộc khảo sát với 1.000 nhân viên Mỹ, khi được linh hoạt lựa chọn nơi làm việc trong đại dịch giúp họ gần gũi với gia đình hơn.
Hơn một nửa (58%) cho biết, lợi ích lớn nhất của việc không đi làm là có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Một số lợi ích khác là nằm trên giường lâu hơn (30%), hoàn thành nhiều việc nhà hơn trước khi bắt đầu làm việc (14%) và có nhiều cơ hội tập thể dục hơn (8%).
Ngủ ít hơn
Một nghiên cứu năm 2019 trên hơn 25.000 người lao động ở Hàn Quốc cho thấy thời gian đi làm kéo dài, kết hợp với thời gian làm việc dài, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về giấc ngủ.
Nghiên cứu kết luận rằng nếu một chặng đường đi làm dài hơn 60 phút sẽ khiến nhân viên ngủ ít hơn vào các ngày trong tuần. Vì thiếu ngủ, các hoạt động và năng suất làm việc của họ bị ảnh hưởng vào ngày hôm sau.
Ngày càng không hài lòng với công việc
Hành trình dài và vất vả khi đi làm có thể khiến bạn bất mãn. Nghiên cứu về đi lại và sức khỏe, được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tại ĐH Tây Anh Quốc, Bristol, trên 26.000 người, từ năm 2009 đến 2015 cho thấy, cứ thêm 10 phút trên đường đi làm, nhân viên giảm 19% tổng thu nhập cá nhân.
Phụ nữ có quãng đường đi làm dài có mức độ không hài lòng với công việc cao hơn nam giới. Nguyên nhân do họ phải giải quyết các trách nhiệm trong gia đình và chăm sóc con cái, gây ra những áp lực về thời gian.
Có thể làm tăng tỷ lệ ly hôn
Vợ chồng xa nhau trong khoảng thời gian dài trong ngày có thể rạn nứt tình cảm.
Để tìm ra điều này, nhà địa lý xã hội Thụy Điển Erika Sandow đã lập bản đồ tác động của việc đi lại đường dài đối với các cặp vợ chồng đã kết hôn, bằng cách xem xét dữ liệu của hơn 2 triệu người, từ 1995-2005.
Bà phát hiện ra những người đi làm đường dài có nguy cơ ly hôn cao hơn 40% so với những cặp đi làm gần. Tuy nhiên, nguy cơ này cao nhất ở năm đầu hôn nhân. Nếu họ quen với việc phải đi chặng dài để đến nơi làm việc trong hơn 5 năm, khả năng li hôn chỉ cao hơn 1% so với những đôi bình thường khác.
Ảnh hưởng đến phổi
Di chuyển bằng xe máy đến nơi làm việc, bạn sẽ phải hít trực tiếp khói bụi ngoài đường trong thời gian dài. Dù ngồi ôtô, bạn vẫn có nguy cơ hít phải có hạt bụi siêu mịn.
Một nghiên cứu trên tạp chí Môi trường khí quyển ước tính 33-45% người dân Los Angeles (Mỹ) tiếp xúc với bụi siêu mịn trong thời gian di chuyển trên đường. Bụi siêu mịn là nguyên nhân gây viêm phổi và tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
Ở Việt Nam, tỉ lệ người tiếp xúc với bụi siêu mịn có thể còn cao hơn, khi ô nhiễm môi trường không khí ở một số thành phố lớn thường xuyên trong mức báo động đỏ.
Nhật Minh (theo Huffpost)