Nhận chiếc bánh mì, hỏi người bán số tài khoản để trả tiền mới biết quán chỉ nhận tiền mặt, Phương Thúy ngớ người, nhận ra mình không có đồng tiền mặt nào.
Không còn cách nào khác, cô gái 27 tuổi đành gọi điện nhờ bạn mang tiền ra giải cứu. Đây là lần đầu tiên trong nửa năm qua, nữ nhân viên văn phòng ở Cầu Giấy (Hà Nội) dùng tiền mặt. Trước đó, mọi việc mua bán từ mớ rau, cốc trà sữa cho đến đi chơi, mua sắm Thúy đều thanh toán bằng việc chuyển khoản.
“Tôi đã quên thói quen cầm ví tiền mỗi khi ra ngoài. Tất cả chỉ cần chiếc điện thoại có 4G”, Thúy phân trần. Cô cho biết, kể cả trong những tình huống tưởng như không thể thiếu tiền mặt như mừng cưới, phúng viếng hay đổ xăng giờ cũng đã có thể chuyển khoản nên việc giữ tiền trong người là không cần thiết.
Thành Dương, 22 tuổi, sinh viên một trường đại học tại Hà Nội cũng chuyển sang dùng giao dịch điện tử hai năm nay. Hàng tháng, tiền học, phí sinh hoạt, bố mẹ Dương gửi thẳng qua tài khoản để tránh việc đánh mất khi đi tàu xe. Nhân tiện, tiền học phí, tiền trọ, tiền đi chợ… có thể chuyển khoản trực tiếp, nên cậu thừa nhận “mình quên luôn trên đời có cây ATM”.
“Thanh toán trực tuyến đã len lỏi vào từng ngóc ngách trong đời sống xã hội, không chỉ ở thành phố mà ở các vùng thôn quê”, tiến sĩ Trần Mạnh Dũng, nguyên trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng nhận xét. Theo ông, đại dịch góp phần rất lớn vào việc thay đổi thói quen đời sống này của người dân Việt Nam.
Nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022 củng cố thêm nhận định của ông Dũng. Theo đó, 65% người tiêu dùng Việt cho biết họ mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% khẳng định sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Tính đến nay, gần 76% người tiêu dùng đang sử dụng ít nhất một dịch vụ ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 4 tháng đầu năm 2022 giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng gần 70% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng 48%, qua điện thoại di động tăng 97%; qua QR code tăng tương ứng 56,5% và 111,62%. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021. Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trong quý I, thanh toán qua kênh di động tăng 198,8% về số lượng và 21,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cũng cho biết đơn vị này hiện xử lý 2,8 triệu giao dịch không dùng tiền mặt mỗi ngày với giá trị gần 21.000 tỷ đồng.
“Tôi tự tin sống mà không cần tiền mặt. Mỗi lần bắt xe khách về quê ở Nghệ An tôi luôn đặt trước và thanh toán trực tuyến. Một số ví điện tử còn được giảm giá 10-20% hoặc 50% ví khi đặt vé xe, vé xem phim, mua đồ ăn”, Thành Dương chia sẻ. Hầu hết bạn bè cậu cũng đã “nhiễm phong cách sống không tiền mặt”.
Theo nữ nhân viên văn phòng Phương Thúy, thanh toán không dùng tiền mặt dần trở nên phổ biến và an toàn hơn. “Nhiều người bán hàng ở chợ gần nhà tôi cũng bắt đầu nhận chuyển khoản, thay vì lúc nào cũng cầm tiền mặt cùng nỗi lo bị cướp giật hoặc chật vật tìm cây rút tiền”, Thúy nói.
Áp dụng công nghệ để cuộc sống giản tiện, nhưng thi thoảng cô lúng túng khi gặp cửa hàng chỉ nhận tiền mặt hoặc giao dịch điện tử lỗi, buộc phải tìm người hỗ trợ. Không ít lần Thúy bị một số người bán hàng mắng mỏ là “vài đồng tiền lẻ cũng đòi chuyển khoản”. Không chủ định cự tuyệt tiền mặt nhưng nhiều tháng qua, Thúy đã có thêm thói quen hỏi trước khi mua hàng. Trong trường hợp nơi bán chỉ nhận tiền mặt, cô sẽ tìm hàng khác để tránh gặp rắc rối.
Không riêng người trẻ, chính những người trung tuổi, không thạo công nghệ cũng đang cởi mở hơn với lối sống này. Bà Nguyễn Hoa, 60 tuổi, bán gà tại chợ Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, nhiều khách mua hàng xin chuyển khoản khi không có tiền mặt. “Ban đầu tôi e dè vì sợ nhập nhằng, lừa đảo, nhưng các con động viên, lập một tài khoản ngân hàng, có in mã code để khách tiện thanh toán hơn”, bà nói.
Ngày trước, trung bình mỗi ngày bà Hoa bán được 10-15 con gà, nhưng từ khi có thanh toán trực tuyến, đặc biệt trong hai năm dịch bệnh, lượng gà bán tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba cả tại quầy và giao hàng tận nhà. Một số tiểu thương khác trong chợ cũng học theo bởi khách không dùng tiền mặt ngày càng nhiều. “Giao dịch nhanh, tiền chuyển nhận được ngay khiến tôi an tâm, không sợ bị nợ, trả tiền thừa – thiếu hay gặp tiền giả như trước kia”, người phụ nữ nói.
Ông Mạnh Cường, 60 tuổi, ở Đồng Nai bắt đầu tìm hiểu các phương thức thanh toán điện tử từ năm 2020, khi Covid-19 bùng phát. Ông nhờ con gái hướng dẫn, giúp cài đặt ứng dụng mua hàng trực tuyến để hạn chế tiếp xúc, tránh lây nhiễm.
“Những ngày đầu có chút khó khăn, vì lắm thao tác, nhưng sau vài lần giao dịch tôi thấy đơn giản, dễ dàng và rất tiện lợi. Chỉ cần ở nhà vẫn có thể mua mọi thứ mong muốn, thậm chí gửi tiền tiết kiệm trực tuyến thay vì đứng xếp hàng chờ đến lượt tại quầy giao dịch”, ông Cường nói. Ngoài ra, ông cũng thử gửi lì xì online con cháu ở xa không thể về nhà do dịch.
“Nhưng áp dụng các phương thức thanh toán điện tử cũng cần lưu ý để tránh rủi ro, đặc biệt là những người mới”, tiến sĩ Trần Mạnh Dũng cảnh báo. Theo ông, một số nguy cơ tiềm ẩn có thể gặp phải như lừa đảo chuyển tiền, lừa gửi mã OTP hoặc gửi nhầm tiền đến số tài khoản lạ.
Tại Việt Nam, gian lận giao dịch điện tử cũng có xu hướng tăng. Mới đây, các ngân hàng đồng loạt cảnh báo thủ đoạn mới đánh cắp mã OTP để lấy dữ liệu, kết nối ví điện tử và thực hiện rút tiền. Như trường hợp của gia đình chị Thanh Hà, 30 tuổi, Hà Nội.
Giữa tháng 6, chị Hà cần chuyển tiền gấp nhưng app giao dịch của ngân hàng bị lỗi, không thể đăng nhập. Trưa cùng ngày, một số máy lạ gọi đến, tự xưng là nhân viên ngân hàng hướng dẫn cách khắc phục. Không nghi ngờ, chị Hà thực hiện theo hướng dẫn đăng nhập theo đường link gửi về trên số điện thoại, mong sớm chuyển tiền. Sau vài phút, chị nhận thông báo bị trừ 100 triệu trong tài khoản. Số điện thoại vừa gọi hướng dẫn không liên lạc được.
“Báo lên ngân hàng, họ hướng dẫn tôi ra xin sao kê và lên cơ quan công an trình báo. Nhưng hy vọng lấy lại được tiền rất thấp, gần như bằng không. Tôi biết mình đã bị lừa”, người phụ nữ 30 tuổi thở dài.
Theo các chuyên gia, để hạn chế các rủi ro từ thanh toán Internet, khách hàng lưu ý không để lộ thông tin số thẻ, ngày đến hạn và số CVV (thường ở mặt sau) của thẻ tín dụng. Nếu nghi ngờ lộ cần liên hệ ngân hàng để đóng thẻ và phát hành thẻ mới. Tuyệt đối không tự nhập các thông tin cá nhân theo các đường link lạ… tránh bị kẻ gian lợi dụng tiêu dùng qua thẻ.
Phương Thúy cho biết sẽ tiếp tục thanh toán không tiền mặt khi thấy quá tiện lợi. “Phương thức nào cũng tiềm ẩn rủi ro, bất cập, cầm tiền mặt cũng có thể rơi, bị trộm. Nhưng tôi ưu tiên cách thức đơn giản, dễ sử dụng và hợp xu thế phát triển của thời đại”, cô gái 27 tuổi nói.
Quỳnh Nguyễn