Địa điểm mới
Vựa Hàu Sữa

Sản xuất chân tay y như thật cho người khiếm khuyết

Rate this post

Hà NộiAnh Phúc chỉnh từng nếp nhăn trên ngón tay giả bằng silicon, thi thoảng đối chiếu với màu da thật, trước khi lắp vào bàn tay cho khách.

Trong căn phòng 40 m2 trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai một chiều cuối năm 2021, vị khách giơ bàn tay đủ năm ngón, nở nụ cười mãn nguyện, thừa nhận chính anh cũng khó phân biệt đâu là ngón tay thật, đâu là giả nếu chỉ nhìn vào màu sắc.

“Trong khoảng 1,5 m mắt thường không nhận ra sự khác biệt là sản phẩm đạt chuẩn. Làm một ngón tay giống thật đã khó, để chúng khớp với bàn tay của một người còn khó hơn”, Trần Huy Hiệp, 32 tuổi, quê ở Quảng Ninh, đồng nghiệp của anh Đào Văn Phúc, 42 tuổi, nói.

Hiệp từng là nhân viên kỹ thuật xét nghiệm của một bệnh viện ở Hà Nội. Sáu năm trước, một lần anh tình cờ nghe các bệnh nhân mất chi chia sẻ về sự mặc cảm mỗi khi giao tiếp xã hội, anh nảy ra ý định sản xuất bàn tay, chân, tai, mũi… bằng silicon giống y như thật để giúp họ. Không chỉ vậy, anh còn muốn các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, chất lượng tốt, giá thành rẻ hơn so với hàng đặt của nước ngoài.

Nghĩ là làm, Hiệp quyết định nghỉ việc, bắt đầu tìm hiểu về dòng sản phẩm này. Biết anh Phúc có xưởng chuyên chế tác khuôn mẫu kim hoàn từ silicon, anh đề nghị hợp tác. Năm 2017, hai người đàn ông bắt đầu khởi nghiệp.





Sản xuất chân tay y như thật cho người khiếm khuyết Thông tin

Anh Đào Văn Phúc và Trần Huy Hiệp giới thiệu các bộ phận làm bằng silicon, tháng 12/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ngày mới vào nghề, Hiệp và Phúc nhận ra ở Việt Nam không có cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, họ đành tự mày mò bằng cách học qua sách, video hướng dẫn của nước ngoài. “Phải thất bại hàng trăm lần mới tạo một sản phẩm hoàn chỉnh và ưng ý”, anh Phúc kể.

Tròn hai năm nghiên cứu, nhóm mới tạo ra các mẫu chi đầu tiên và hoàn thiện theo thời gian. Đặc biệt, 80% các công đoạn được làm thủ công với màu sắc bắt mắt, từ vân tay, hoa tay cho đến các chi tiết trên da hệt bản gốc khiến người nhìn khó phát hiện.

Với người làm chi giả, mỗi sản phẩm làm ra là độc nhất do phải trải qua năm bước cơ bản: lấy mẫu; chỉnh sửa khuôn bằng sáp; dùng silicon làm khuôn; đúc thành sản phẩm; cuối cùng là phủ màu thẩm mỹ và chỉnh sửa chi tiết. Riêng với đốt ngón tay, chân, mũi có mỏm cụt (phần đốt thừa) ngắn tai, phần da che sẹo… phải dùng keo chuyên dụng để cố định.

“Nhưng khó nhất tạo màu cho sản phẩm giống da người”, anh Phúc nói. Để chi giả đạt độ giống trên 95% và ít bị mài mòn trong quá trình sử dụng, kỹ thuật viên phải dùng màu chuyên dụng sơn phủ.





Sản xuất chân tay y như thật cho người khiếm khuyết Thông tin

Sản phẩm bản tay giả bằng silicon được nhóm anh Phúc chế tạo cho khách trong năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thông thường, mỗi ngón tay, chân giả mất từ 10 đến 15 ngày thực hiện, các bộ phận khó như mũi, tai hay một bàn tay, chân cần đến vài tháng. Mức giá từ một triệu đến 15 triệu đồng, tuổi thọ trung bình khoảng ba năm. “Nghe có vẻ cao, nhưng chỉ bằng 1/10 đến 1/20 giá sản phẩm đặt từ nước ngoài”, anh Phúc nói.

Thời gian đầu nhóm yêu cầu khách đến cửa hàng để lấy mẫu, đo kích thước. Nhưng Covid-19 bùng phát và kéo dài buộc Phúc và Hiệp sáng chế ra bộ kit lấy mẫu phục vụ khách ngoại tỉnh. “Nếu khách không thể đến chúng tôi sẽ gửi bộ kit lấy mẫu bộ phận cần làm giả, kèm theo bảng màu da đối chứng để thực hiện”, anh Phúc nói và cho biết một số trường hợp khó lấy mẫu, anh còn phải hướng dẫn khách scan hình ảnh 3D và gửi về. Điều này giúp tiết kiệm thời gian di chuyển và đơn hàng tăng lên đáng kể.

Khách đặt hàng ở khắp các tỉnh, nhưng đa phần làm trong các làng nghề cơ khí, mộc, không may bị mất một phần cơ thể trong quá trình làm việc, số còn lại là dị tật bẩm sinh hoặc tai nạn giao thông.

Trong số hơn 500 người từng đặt hàng, anh Phúc nhớ nhất Thảo, cô gái 23 tuổi ở TP HCM bị khiếm khuyết mũi sau vụ tai nạn năm ba tuổi. Thảo tâm sự bản thân trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật, đã từng lấy phần lớn sụn trên cơ thể để dựng mũi nhưng đều thất bại. “Khi đến gặp chúng tôi, bạn ấy dường như không còn hy vọng, khiến tôi và Hiệp mạnh dạn nhận chế tác mũi silicon, dù trước đó chưa thử”, anh Phúc nhớ lại.

Sau nhiều lần thất bại, chiếc mũi giả silicon gắn vừa khít trên gương mặt, khiến cả người làm và khách hàng đều hét lớn vì mừng rỡ.”Nghe em ấy nói có thể tự tin gặp mọi người, ngắm mình trong gương, cởi bỏ khẩu trang khi giao tiếp sau gần 20 năm sống trong sự tự ti, tôi thực sự xúc động”, anh Phúc kể.





Sản xuất chân tay y như thật cho người khiếm khuyết Thông tin

Sau nhiều năm sống trog tự ti, Thảo, 23 tuổi đã dám để lộ khuôn mặt với chiếc mũi bằng silicon. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Càng làm, anh Phúc, Hiệp cùng hai thành viên khác trong nhóm càng hạnh phúc khi nhận những phản hồi tích cực và lời cảm ơn từ khách hàng. “Tôi chỉ mong giúp mọi người lấy lại sự tự tin, không còn e dè, ngại giao tiếp với xã hội bởi những khiếm khuyết trên cơ thể”.

Trong thời gian tới, nhóm anh Phúc mong muốn mở rộng sản xuất, chế tác được nhiều bộ phận khiếm khuyết phức tạp, để sản phẩm đến tay người có nhu cầu trên khắp cả nước.

Quỳnh Nguyễn

Hoa tiền