Cha mẹ có “trái tim đậu hũ” ý chỉ những cha mẹ có trái tim yếu mềm, đối xử với con cái yêu chiều, nâng niu thái quá, thiếu tính kỷ luật.
Nhìn xung quanh, bạn có thể thấy rất nhiều cặp cha mẹ có “trái tim đậu hũ”. Chỉ cần trẻ mè nheo, vòi vĩnh, ăn vạ, những bậc phụ huynh này dễ dàng nhượng bộ và thuận theo mong muốn của trẻ.
Cha mẹ có “trái tim đậu hũ” gây tác hại gì khi con lớn lên?
Khi cha mẹ đối xử với trẻ bằng “trái tim đậu hũ”, trẻ thiếu ý thức về các quy tắc đã lập sẵn. Theo thời gian, trẻ dần không biết đâu là ranh giới cho những hành vi của bản thân. Chúng chỉ muốn làm mọi việc theo ý thích, thiếu sự ràng buộc của những quy tắc đã được thiết lập sẵn.
Trên thực tế, ý thức về quy tắc giúp trẻ tìm tòi, khám phá. Ý thức này cũng mang lại sự an toàn cho bé, giúp trẻ tránh được một số hành vi sai trái không cần thiết. Ngược lại, nếu hành xử theo ý thức, vượt quy tắc, khi lớn lên, thậm chí có trẻ phải hối hận suốt đời.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, như mọi người cha khác, yêu thương con. Tuy nhiên, ông cũng đặt ra những quy tắc cho con từ khi con còn nhỏ, ví dụ được sở hữu iPad, máy ảnh và máy tính, nhưng không được mang điện thoại di động đến trường. Ngay cả khi ở trong Nhà Trắng, lũ trẻ cũng phải tự dọn giường và đặt báo thức. Trong một bài phát biểu, Obama tin rằng sự phát triển của các quy tắc rõ ràng và nhất quán có thể trau dồi tinh thần trách nhiệm và khả năng phân biệt đúng sai của trẻ.
Giai đoạn nào thích hợp nhất để dạy trẻ ý thức về quy tắc?
Khi nhỏ, trẻ dựa vào cha mẹ để biết phân biệt đúng, sai. Nếu cha mẹ thiết lập quy tắc bằng lý trí kiên định thay vì trái tim mềm yếu, trẻ được uốn nắn và hiểu chuyện. Ngược lại, trẻ trở nên khó bảo, khó hòa đồng.
Từ 2 đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng để trẻ bắt đầu hình thành ý thức về các quy tắc. Giai đoạn này, trẻ chuyển dần từ nhà đến trường, tiếp xúc với môi trường bên ngoài nhiều hơn và bắt đầu quá trình tương tác xã hội. Việc học tuân thủ các quy tắc khiến trẻ hiểu việc gì nên và không nên làm.
Làm thế nào để thiết lập một ý thức về các quy tắc cho trẻ?
+ Trao đổi cởi mở với trẻ để cùng xây dựng một bộ quy tắc rõ ràng, đơn giản và hiệu quả. Bộ quy tắc bao gồm cả khen thưởng và trừng phạt.
+ Kiên nhẫn giải thích và cùng trẻ thực hiện các quy tắc.
+ Phần thưởng và hình phạt không nên được thay thế hay hủy bỏ theo ý muốn.
Thùy Linh (Theo QQ)